Đóng tàu ngầm bí mật giữa thảo nguyên Nga

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Câu chuyện Liên Xô đưa tàu ngầm vượt hàng ngàn cây số từ sâu trong đất liền ra biển.
Đóng tàu ngầm bí mật giữa thảo nguyên Nga
gắn ốc vít trên tàu chở dầu theo dự án 19.619 tại nhà máy đóng tàu “Sormovo Đỏ“ / Ảnh: TASS / Nikolai Moshkov

Có lẽ, nhiều người vẫn còn nhớ giai thoại về bộ phim "Chiếc tàu ngầm trên thảo nguyên Ukraine". Nhưng trong thực tế, các tàu ngầm đã từng được đóng tại các thảo nguyên của nước Nga là câu chuyện có thật.

Chính từ những nơi này, tàu ngầm đã được chuyển đến các vùng biển Caspian, biển Đen và biển Azov trong thời kỳ chiến tranh.

Món hàng bí mật

"Krasnoe Sormovo" là một nhà máy độc nhất vô nhị ở thành phố Gorky (nay là Nizhny Novgorod).

Tại đây, các tàu ngầm đã được chế tạo trong một chế độ đặc biệt bí mật trong thời kỳ chiến tranh.

Tuy nhiên, khoảng cách từ đó đến bờ biển gần nhất cũng phải xa tới hàng ngàn cây số. Vậy phải làm thế nào để có thể vận chuyển các tàu ngầm tới biển? Nhờ con kênh Volga-Don mà người ta đưa những chiếc tàu ngầm đến biển Azov cũng như Biển Đen.

Còn nếu như bơi xuống, dọc theo sông Volga, không cần đi vào kênh đào thì có thể ra được biển Caspian. Nhưng giữa thanh thiên bạch nhật, làm thế nào để có thể đưa một chiếc tàu ngầm cồng kềnh như vậy ra đến biển?

Để đóng tàu trong điều kiện bảo mật tuyệt đối, bất cứ lúc nào cũng có nguy cơ bị các điệp viên tiềm năng của đối phương phát hiện quả là một điều hết sức khó khăn.

Do đó, người ta đã nghĩ ra một cách khá đơn giản nhưng hiệu quả để che giấu món hàng bí mật, tránh con mắt của những kẻ tò mò: Việc vận chuyển được thực hiện nhờ những ụ tàu nổi.

Hàng "thành phẩm" được đặt trên các ụ nổi, phủ bạt lên trên, sau đó mới xếp một số hàng hóa thông dụng lên trên cùng để ngụy trang rồi dùng tàu kéo lai dắt xuống hạ lưu.

Ngoài ra, người ta còn đưa tàu ngầm đến các vùng biển phía Bắc qua các cửa biển. Đầu tiên các ụ nổi được kéo lên dọc theo sông Volga.

Sau đó, rẽ vào kênh Volga-Baltic, từ đó xuyên qua các hồ Onega và Ladoga, ở đó có đường đi thẳng đến biển Baltic.

Qua các hồ Onega và Ladoga, các ụ nổi được đưa vào kênh Belomor - Baltic đi vào vịnh Onega của Biển Trắng và từ đó ra thẳng biển khơi.

Bản đồ kênh Belomor - Baltic

Để làm được việc này phải tốn chi phí rất cao vì người ta phải cử hàng trăm nghìn tù nhân đến đây để khai thông tuyến đường thủy này.

Cũng cần phải nói thêm rằng, người đầu tiên nghĩ tới việc xây dựng tuyến đường thủy thần kỳ này là Piotr Đệ nhất. Nhưng lúc bấy giờ, ý đồ này chỉ mới dừng lại ở ý tưởng mà thôi.

Chúng ta trở lại với chủ đề xây dựng ở thế kỷ XIX. Lúc đó, người ta đã tổ chức một cuộc thi cho dự án tốt nhất, người chiến thắng trong cuộc thi đó là kỹ sư Vsevolod Evgenievich Timonov.

Nghiên cứu của ông thậm chí còn nhận được huy chương vàng tại Triển lãm Thế giới ở Paris. Nhưng các quan chức chính phủ lại coi việc xây dựng tuyến đường này quá đắt đỏ vì tuyến kênh Belomor – Baltic có độ dài 227 km và có độ sâu 5m

Hàng chục nghìn tù nhân được điều đến để đào kênh Belomor - Baltic

Thành phố cấm và những con số biết nói

Chiếc tàu ngầm đầu tiên được chế tạo tại nhà máy "Sormovo đỏ" là vào năm 1930. Còn kênh Belomor - Baltic được xây dựng vào năm 1931-1933. Dĩ nhiên, còn có nhiều lý do chiến lược khác để người ta xây dựng kênh này, nhưng một trong những lý do đó là nhằm phục vụ cho "hải quân".

Năm 1934, tại xưởng đóng tàu này, chiếc "Xuka" (“Cá măng”) đầu tiên thuộc serie tàu ngầm thứ ba ra đời.

Và vì lý do có nhiều công nhân trẻ đang làm việc tại nhà máy và người ta làm chiếc tàu ngầm này bằng số tiền do tất cả đoàn viên thanh niên Komsomol của toàn Liên Xô quyên góp nên chiếc tàu ngầm đã được mang tên là "Komsomolets" (Nghĩa là Đoàn viên thanh niên Komsomol).

Tính đến thòi điểm trước khi nổ ra chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Nhà máy "Sormovo đỏ" đã hạ thủy được 11 tàu ngầm "Xuka", 15 chiếc "Maliutka" (serie "M") và 34 chiếc serie "C".

Bạn đọc sẽ đặt ra câu hỏi: Việc gì phải tự mình gây khó khăn như vậy? Tại sao không xây dựng nhà máy đóng tàu ngầm ở một nơi gần biển, hoặc đơn giản hơn, có thể tận dụng lợi thế của các nhà máy đóng tàu, hoặc các trạm sửa chữa tàu có sẵn tại Leningrad, tại Severodvinsk? Ở đó, còn có điều kiện thuận lợi để tiến hành các công việc hoàn thiện và chạy thử.

Trên thực tế, các tàu ngầm được đóng ở cả các nhà máy ven biển, và cả ở thảo nguyên như đã nói ở trên. Chỉ đơn giản là các nhà lãnh đạo của đất nước đã suy tính một cách hợp lý, không muốn để tất cả trứng trong một giỏ.

Ngoài ra, tại vùng Volga còn yên tĩnh và an toàn hơn nhiều. Chúng ta không nên quên rằng kẻ thù không hề rời mắt theo rõi, rình rập, và bất cứ lúc nào chúng cũng có thể thâm nhập vào các nhà máy bí mật và thật đáng sợ khi chúng có thể tìm hiểu tất cả những bí mật qua những người lao động.

Và Gorky (Nhiznhi Novgorod), còn được biết đến là một thành phố cấm, nơi người nước ngoài và dân cư ở các thành phố khác không được phép đến. Còn người dân địa phương, tất nhiên, đều biết nhà máy “Sormovo Đỏ” sản xuất ra sản phẩm gì, nhưng họ đã được giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan có liên quan.

Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng

Ngoài ra, trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, nơi đây nằm sâu trong hậu phương, vì vậy, những công nhân nhà máy “Sormovo đỏ” có thể bình tâm thực hiện công việc của mình phục vụ cho đất nước.

Và trong suốt thời kỳ chiến tranh, họ đã cho ra đời 27 chiếc tàu ngầm, trong đó có cả những chiếc "S-13" huyền thoại.

Trên chính một chiếc tàu ngầm đó, chỉ huy Alexander Marinesco đã nhấn chìm chiếc tàu ngầm khổng lồ "Wilhelm Gustloff" cùng với hàng trăm chiếc tàu ngầm và tàu chở dầu khác của phát xít Đức.

Một chiếc tàu ngầm được sản xuất tại nhà máy "Sormovo Đỏ" Ảnh lưu trữ trong phòng truyền thống của nhà máy

Tổng cộng, nhà máy "Sormovo Đỏ" đã sản xuất được 275 tàu ngầm, trong đó có 26 tàu ngầm nguyên tử.

Quay trở lại với chủ đề sản xuất tàu ngầm ở Severodvinsk, ngay từ năm 1936, ở đây đã đặt nền móng cho những xí nghiệp vệ tinh.

Đây là nhà máy đóng tàu chuyên chế tạo các tàu ngầm hạng nặng và cỡ lớn – loại này nếu vận chuyển theo sông Volga và theo con kênh Belomor vừa hẹp, vừa nông để ra biển sẽ rất khó khăn.

Severodvinsk từ trước tới nay vẫn là một thành phố cấm. Và ở đây, các tàu ngầm trọng tải lớn thuộc các serie "Varshavyanka" (“Cô gái Varsava”), “Zolotaia rybka” ("Cá vàng"), “Akula” ("Cá mập") và những loại khác nữa.

Chúng được lắp ráp từ các phần riêng biệt, được chở đến bằng đường thủy từ Leningrad và Gorky.

Ngoài ra, ở đây không chỉ sản xuất tàu ngầm, mà còn sản xuất cả tàu tuần tra, tàu khu trục, phóng lôi, các loại ca nô và các loại tàu chiến khác. Trong thời kỳ chiến tranh, Hạm đội biển Bắc đã được nhà máy cung cấp hàng chục chiếc tàu các loại và các thiết bị nổi khác nhau.

Hạm đội Caspian cũng lớn mạnh và trưởng thành nhờ có "Sormovo Đỏ". Ngoài ra, ở Baku cũng có cơ sở sản xuất tàu ngầm riêng.

Vì thế, các tàu ngầm được sản xuất ở “Sormovo Đỏ” cũng được vận chuyển tới đó qua thảo nguyên dọc theo sông Volga, như đã nói ở trên, để hoàn thiện và chạy thử.

Còn ngày nay thì sao? Người ta có còn kéo ụ nổi ngược xuôi dòng Volga – Mẹ nữa hay không? Điều này thì chỉ có những cán bộ chỉ huy Hải quân Nga và các nhà đóng tàu mới rõ. Nhưng chắc chắn là họ không bao giờ tiết lộ bí mật quốc gia.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật