Người dân Thủ đô gồng mình chống lụt

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nước lũ rút chậm, những mái nhà vẫn chìm trong biển nước khiến cuộc sống của người dân vùng ngập ở Chương Mỹ, Hà Nội khốn khổ, đảo lộn.
Người dân Thủ đô gồng mình chống lụt
Mặc dù nước đã rút được khoảng 30cm nhưng có nhiều đoạn vẫn ngập sâu đến gần thắt lưng người lớn.

Đầu đội khăn tang, chân lội nước

Giữa cái nắng gay gắt đầu tháng 8, con đường chính dẫn vào thôn Nam Hài (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn chìm trong biển nước. Theo quan sát của PV Báo Giao thông, mặc dù nước đã rút được khoảng 30cm nhưng có nhiều đoạn vẫn ngập sâu đến gần thắt lưng người lớn.

Lội đến cửa nhà bà Nguyễn Thị Dũng, 74 tuổi (xóm Trong, thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến), không khí tang thương vẫn còn bao trùm nơi đây. Được biết, ông Hoàng Công Đào (74 tuổi, chồng bà Dũng) không may qua đời ngày 26/7 vừa qua. Khi đó, gia đình, bạn bè, láng giềng… đã phải “bì bõm” vượt hơn 1km đường làng bị ngập để đưa linh cữu của ông đi hỏa táng.

Được biết, khi ông Đào mất, mực nước đã ngập vào đường làng hơn 1m. Khách đến phúng viếng đều không thể di chuyển bằng đường bộ. Gia đình bà Dũng phải thuê công nông chở người đến viếng. Số tiền thuê công nông lên tới cả triệu đồng.

Nhớ lại ngày đưa tang, bà Dũng không thể nào quên hình ảnh gia đình và người dân phải lội dưới mức nước ngang bụng, vừa đi, vừa đẩy linh cữu. Bà Dũng kể: “Đi phải rất chậm, bởi nhanh là nước tràn vào ngay. Ai cũng ướt, chỉ có người già và trẻ nhỏ được ngồi trên công nông là không dính nước”.

“Không tiền, không điện, không nước, không thực phẩm…”

Mở cánh cổng đã được chắn bởi cây tre để ngăn không cho rác thải, xác động vật trôi vào nhà, ông Trịnh Văn Năm (50 tuổi) tại xóm Mèo đang mong ngóng nước rút từng ngày. Đưa bàn chân bị lở loét vì tiếp xúc với nước bẩn hàng ngày, ông tâm sự: “Mấy hôm trước cái chân này ai nhìn thấy cũng sợ. Ngập đã khổ lại nguồn nước quá ô nhiễm, rác thải trôi vào nhà, không thể chịu nổi”.

Theo lời ông Năm, lũ năm nay lớn hơn và rút chậm hơn năm ngoái. Một mình ông phải bám trụ ở đây để trông nom đồ đạc vì sợ kẻ gian lấy mất, trong khi vợ con phải sơ tán hết lên chỗ cao hơn. Chỉ tay vào chiếc giường đang ngồi, ông Năm buồn bã: “Suốt mấy đêm canh lũ, lên đến đâu là chuyển lên đến đó. Nếu bây giờ nước tiếp tục dâng thì tôi hết gạch, đá để kê rồi. Lúa thóc thôi thì kệ cho nó trôi, chẳng làm cách nào được”.

Hơn một mẫu lúa mà ông trồng đã mất trắng trong dòng nước. Không có nước sạch, ngày 3 bữa, ông đều phải ăn mỳ tôm để chống đói. Gia đình có gạo nhưng không nước, không điện nên không thể nấu. Nước uống đã khan hiếm, nước tắm giặt đối với ông lại càng “xa xỉ”. “Phải 2, 3 ngày mới tắm một lần, mà đi phải lên chỗ cao để tắm nhờ. Lại còn việc đi vệ sinh cũng phải khổ sở tìm, lựa chỗ. Mỗi lần như vậy vất vả lắm, nhiều lúc không có phương tiện đi lại, phải bơi bằng phao nhưng mãi chẳng tới nơi. Đi làm không làm được, không có tiền chi tiêu hàng ngày. Nghề chính của chúng tôi chủ yếu gắn với đồng ruộng nhưng bây giờ như vậy đến vụ sau gạo còn chẳng có mà ăn. Thực sự là quá khổ, mưa lũ nó làm đảo lộn tất cả cuộc sống của chúng tôi”, ông Năm thở dài nói.

Theo qua sát của PV, nước đọng tại đây đã ngả màu xanh, bốc mùi hôi thối, tiềm ẩn nhiều mầm bệnh. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn cho con em vô tư tắm gội khi sân nhà biến thành bể bơi.

Em Doãn Phương Trang (lớp 5, học sinh trường Tiểu học Bê Tông) hào hứng: “Con thích lắm bởi vì sân ngập thì có thể bơi hàng ngày. Nhưng cũng hơi buồn vì phải chèo thuyền qua lại để lấy nước và thức ăn. Buổi tối mất điện, bố lại mang cái đèn nhỏ về cho con học”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến cho biết: Công tác thu gom rác thuộc trách nhiệm của Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai. Tuy nhiên, do còn tồn đọng một phần rác, khi nước lên quá cao đã vượt qua tường bao của bãi rác tràn vào nhà các hộ dân. Ngoài ra, còn rác ở nhiều nơi khác theo dòng nước dồn về. Đó là điều không mong muốn và bất khả kháng đối với địa phương.

“Trước tình hình đó, địa phương đã cùng bà con trục vớt rác, nhưng chỉ được một phần. Nước rút đến đâu sẽ tập trung nhân lực trục vớt đến đó. Sau khi nước rút chúng tôi sẽ đề nghị Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai tăng tần suất thu gom rác lên ít nhất 2 lần/ tuần và đặc biệt trong mùa mưa bão sẽ không để lưu rác”, ông Thắng nói.

Về tình hình một số kẻ gian lợi dụng người dân tránh lũ để trộm cắp tài sản. Ông Thắng xác nhận, có xảy ra tình trạng theo đúng phản ánh của người dân. Tuy nhiên, các tài sản này đều không lớn. Ông Thắng khẳng định: “Chúng tôi yêu cầu công an với 24 đồng chí luân phiên tuần tra liên tục 24/24h để hạn chế tối đa tình trạng trộm cắp trong mùa mưa lũ trên địa bàn”.

Trong sáng 1/8, đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội đã làm việc với UBND xã Nam Phương Tiến về bảo đảm sức khoẻ của người dân trong và sau lũ. “Cần tuyên truyền cho người dân vệ sinh cá nhân, sử dụng nguồn nước. Ngành Y tế cũng đã chỉ đạo các trung tâm y tế, bệnh viện chuyên khoa, trung tâm y tế dự phòng đảm bảo khám chữa bệnh, cơ số thuốc, hướng dẫn người dân việc khử trùng, tổng vệ sinh môi trường sau khi nước rút…”, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết.Tạ Hải

Trao đổi với PV, Thiếu tá Bùi Huy Đạt, Đội trưởng Đội CSGT trật tự cơ động Công an huyện Chương Mỹ cho biết: Hiện có 4 thôn của xã Nam Phương Tiến bị cô lập hoàn toàn. Thứ cần nhất của nhân dân trong vùng lũ hiện nay là nước sạch và lương thực. “Lực lượng CSGT Công an huyện ngay từ ngày đầu phối hợp với lực lượng chức năng để phân luồng đảm bảo giao thông không cho phương tiện vào vùng lũ. Ngoài ra, CSGT huyện đã dùng các canô của Công an TP Hà Nội cấp để đưa bà con ở vùng ngập ra ngoài, đưa vật nuôi lên chỗ cao và cùng đưa các đoàn tiếp tế cứu trợ cho các bà con bị cô lập trong địa bàn xã Nam Phương Tiến”, Thiếu tá Đạt nói.

Nguồn Tin:
Tin liên quan: id: 9041
  1. Hà Nội: Gấp rút tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi sau mưa lũ
  2. Bảo vệ tuyệt đối an toàn cho người dân vùng ngập
  3. Ấm lòng người dân vùng lũ huyện Quốc Oai
  4. Hà Nội: Khám sức khỏe cho người dân vùng ngập lụt tại Chương Mỹ
  5. Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh tiêu chảy cấp ở vùng lũ
  6. Ngập lụt ở Chương Mỹ: Hơn 6.000 người dân vẫn phải sơ tán
  7. Hà Nội vẫn còn hơn 3.500 ha ngập trong nước
  8. Huy động tổng lực giúp dân vùng ngập lụt tại huyện Chương Mỹ
  9. Dân ‘rốn ngập’ thứ 2 của Hà Nội bị cô lập suốt 15 ngày qua
  10. Quân, dân Chương Mỹ căng mình giữ đê sông Bù
  11. Ngập lâu ngày, ‘rốn lũ’ Chương Mỹ phát sinh những sự cố khó lường
  12. Thủy điện bậc thang: Nhiều nguy cơ gây thảm họa
  13. Gần 3.000 ngôi nhà chìm trong biển nước, 5.000 người phải sơ tán
  14. Ngập lụt ở ngoại thành Hà Nội: Nước đã có dấu hiệu rút
  15. Thủ đô thành sông: Dân thả lưới sân nhà bắt cá
  16. Huy động 145 máy bơm tiêu cho vùng ngập tại Hà Nội
  17. Hà Nội tăng cường kiểm tra đê, kè để kịp thời xử lý khi có sự cố
  18. Chương Mỹ xuất hiện ‘hố tử thần’ do ngập nước lâu ngày
  19. Phó thủ tướng thị sát hiện trường vụ sập nhà ở Hoà Bình
  20. Cuộc sống người dân vùng lũ Hà Nội dưới ánh nến mờ
  21. Hà Nội: Sẵn sàng xả nước để bảo vệ đê sông Bùi
Video và Bài nổi bật