Thủ tướng giải trình về thiếu điện, bô xít, Vinashin... trước Quốc hội

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngay trước phiên chất vấn của QH với Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo giải trình một số vấn đề đại biểu QH quan tâm như kiềm chế lạm phát, kiểm soát giá cả, vấn đề Vinashin, khai thác bô xít, tình trạng thiếu điện…
Thủ tướng giải trình về thiếu điện, bô xít, Vinashin... trước Quốc hội
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (ảnh: báo Hà Tĩnh)
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong phiên chất vấn lần này, có 89 đại biểu gửi 214 chất vấn đến Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, trong đó có 26 chất vấn với 44 câu hỏi dành cho Thủ tướng. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các thành viên Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trả lời bằng văn bản đến các vị đại biểu Quốc hội.

Trong hai ngày qua, trên diễn đàn Quốc hội 4 Bộ trưởng đã trực tiếp trả lời chất vấn và 2 Phó Thủ tướng tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng cho biết, sẽ làm rõ thêm vấn đề về kiềm chế lạm phát, kiểm soát giá cả, khai thác, chế biến bauxite và triển khai thí điểm dự án Tân Rai, Nhân Cơ, về Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin)...

Về kiềm chế lạm phát, kiểm soát giá cả, Thủ tướng cho biết, đến hết tháng 11, giá tiêu dùng tăng 9,58% so với tháng 12 năm 2009, trong đó, giá lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng tăng gần 13%, nhóm hàng hoá và dịch vụ giáo dục tăng 19%, giá vàng tăng 23,31%.
Lý giải tình hình giá  cả tăng cao thời gian qua, Thủ tướng cho rằng, do giá nhiều mặt hàng trên thế giới tăng, trong nước tăng trưởng khá, mặt khác lộ trình chuyển sang cơ chế thị trường một số mặt hàng, thiên tai lũ lụt cũng làm căng thẳng thêm cung cầu…
Để tiếp tục kiểm soát giá cả, kiềm chế lạm phát, Thủ tướng Chính phủ cho biết, đã ban hành Chỉ thị tăng cường thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả thị trường trong thời gian tới, giao các Bộ, cơ quan và Chính quyền địa phương tổ chức thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ.

Về khai thác, chế biến bô xít, Thủ tướng cho biết, việc thăm dò, khai thác, chế biến bô - xít là chủ trương nhất quán từ Đại hội IX và Đại hội X của Đảng. Để triển khai chủ trương này, trong 2 nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã 3 lần báo cáo và đã được Bộ Chính trị thảo luận, có kết luận chỉ đạo, 1 lần báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng và 1 lần báo cáo Quốc hội. Các chủ trương, chỉ đạo đã nêu rõ việc khai thác, chế biến bô - xít gắn với xây dựng ngành công nghiệp sản xuất alumin, nhôm nhằm phục vụ phát triển kinh tế của đất nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên; Nhà nước cần tập trung đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư; việc triển khai phải bảo đảm lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững…

Trên cơ sở kết quả điều tra mới nhất về trữ lượng bô - xít và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến góp ý của một số đại biểu Quốc hội, cán bộ lão thành cách mạng, nhà khoa học,… Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì rà soát, bổ sung và hoàn chỉnh Quy hoạch chung về bô - xít, lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược cho Quy hoạch này và khẩn trương trình duyệt theo quy định; đồng thời, tập trung chỉ đạo triển khai thí điểm 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ.

“Quá trình lập, thẩm định và phê duyệt 2 Dự án này được tiến hành chặt chẽ theo đúng chủ trương của Đảng, Pháp Luật của Nhà nước. Các địa phương Lâm Đồng và Đắk Nông đều mong muốn và ủng hộ việc triển khai Dự án”, người đứng đầu Chính phủ nói.

Liên quan đến 2 dự án đang triển khai, người đứng đầu Chính phủ cho biết, hai dự án này đều do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản là doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đầu tư, không liên doanh với nước ngoài. Tập đoàn Nhôm Trung Quốc là đơn vị được thuê làm tổng thầu EPC - xây dựng nhà máy theo hình thức chìa khoá trao tay và sẽ bàn giao nhà máy cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam sau 2 năm xây dựng.

Thủ tướng cho biết, sau khi có sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungari và sự quan tâm góp ý của một số đại biểu Quốc hội, cán bộ lão thành cách mạng, nhà khoa học,… Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản rà soát lại các hạng mục công trình của Dự án và các giải pháp xây dựng, vận hành hồ bùn đỏ. Yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản thuê tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm để thẩm định lại, trên cơ sở đó hoàn thiện thiết kế hồ bùn đỏ của các Dự án; đồng thời, giao Bộ Công Thương tổ chức Đoàn khảo sát sự cố hồ bùn đỏ ở Hungari.

Được biết, hiện nay Dự án Tân Rai đã hoàn thành nhiều hạng mục, dự kiến tháng 4 năm 2011 sẽ có alumin thương phẩm. Dự án Nhân Cơ đang hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư, dự kiến đầu năm 2011 sẽ khởi công xây dựng và đưa nhà máy vào vận hành cuối năm 2012.

“Riêng về vấn đề an toàn hồ bùn đỏ, Đoàn khảo sát ở Hungari đã có báo cáo đánh giá giải pháp công nghệ và quản lý hồ bùn đỏ Tân Rai là hiện đại, có độ an toàn cao. Tuy vậy, sau khi có kết luận thẩm định lại của tư vấn nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét quyết định và chỉ tiếp tục thực hiện Dự án khi bảo đảm an toàn về môi trường”, Thủ tướng nói.

Về Vinashin, Thủ tướng cho biết, giai đoạn 1996 - 2008, tốc độ tăng trưởng bình quân của Vinashin hàng năm đạt 35 - 40%, kinh doanh đều có lãi, đến hết năm 2009 đã đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 3.300 tỷ đồng. Tập đoàn đã có bước phát triển đáng kể về năng lực đóng và sửa chữa tàu biển; đến năm 2008, có đội ngũ lao động gần 70 nghìn người, trong đó, trình độ đại học và trên đại học hơn 12 nghìn, công nhân kỹ thuật trên 55 nghìn. Tính đến đầu năm 2009, Tập đoàn đã có số đơn đặt hàng đóng tàu với tổng giá trị gần 12 tỷ USD.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2008, Vinashin gặp nhiều khó khăn, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, không thu xếp được vốn để thực hiện các hợp đồng đã ký. Tập đoàn lâm vào tình trạng thua lỗ (năm 2009 lỗ 1.600 tỷ đồng).

“Thực trạng này có nguyên nhân khách quando ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều chủ tàu đã hủy hợp đồng (từ đơn hàng có giá trị gần 12 tỷ USD xuống chỉ còn trên 2 tỷ); song nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, trước hết là do việc cố ý làm trái, báo cáo không trung thực và yếu kém của lãnh đạo Tập đoàn trong quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính và đầu tư, phát triển thêm quá nhiều doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh… Trong khi đó, một số cơ quan chức năng thuộc Chính phủ chưa thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với Tập đoàn”, Thủ tướng nhận định

Cũng theo Thủ tướng, khi nắm được tình hình quản lý yếu kém và sai trái của lãnh đạo Tập đoàn Vinashin, Thủ tướng đã yêu cầu cắt giảm từ 106 dự án với tổng mức đầu tư gần 64 nghìn tỷ đồng xuống còn 28 dự án với tổng mức đầu tư gần 25 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành để nghiên cứu đề xuất phương án tái cơ cấu Tập đoàn; đồng thời, đã yêu cầu Tập đoàn nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan để điều tra xử lý nghiêm các sai phạm theo Pháp Luật.

Về số nợ của Vinashin, Thủ tướng cho biết, đến ngày 30/6/2010, tổng số nợ của Tập đoàn là hơn 86 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ đến hạn phải trả trên 14 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu bằng gần 11 lần. Tập đoàn rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, sản xuất đình đốn, nợ lương, nợ bảo hiểm đối với người lao động, công nhân chuyển việc, bỏ việc gần 17.000 người, mất việc gần 5.000 người.

Số nợ vay 86.000 tỷ đồng và số vốn chủ sở hữu hơn 8.000 tỷ đồng đang nằm trong tổng giá trị tài sản của Tập đoàn trên sổ sách là hơn 104 nghìn tỷ đồng. Giá trị thực tế của mỗi tài sản cũng có thể cao hơn, bằng hoặc thấp hơn trên sổ sách, hiện đang được rà soát đánh giá cụ thể. Các tài sản này đang được quản lý ở các đơn vị và doanh nghiệp thuộc Tập đoàn, trong đó có 110 cơ sở sản xuất, với 28 nhà máy đóng tàu đang hoạt động có cơ sở vật chất kỹ thuật khá tốt, 14 nhà máy đóng tàu đang thực hiện đầu tư; các cơ sở sản xuất công nghiệp phụ trợ; các dự án khu công nghiệp, cảng biển và đội tàu vận tải biển 700 nghìn tấn trọng tải…

“Như vậy, con số 86 nghìn tỷ nợ vay của Tập đoàn không phải là số tiền mà Vinashin đã thua lỗ, thất thoát”, Thủ tướng giải thích.

Hiện nay, thanh tra Chính phủ đang hoàn chỉnh kết luận thanh tra toàn diện Tập đoàn Vinashin, kiểm toán độc lập đang kiểm toán kết quả kinh doanh năm 2010 và lãnh đạo Tập đoàn cũng đang rà soát đánh giá lại cụ thể để có con số cập nhật chính xác về tình hình tài chính, tài sản của Tập đoàn.

Liên quan đến trách nhiệm trong vụ Vinashin, Thủ tướng cho biết, những người trực tiếp quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn vi phạm Pháp Luật đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của Pháp Luật.

“Thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, của các thành viên Chính phủ có liên quan trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu, nhất là chưa tập trung hoàn thiện được đầy đủ, chặt chẽ hệ thống cơ chế chính sách trong quản lý đầu tư, sử dụng vốn, lập mới doanh nghiệp, mở thêm ngành nghề kinh doanh và trong giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước...

Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế yếu kém nêu trên của Chính phủ”, người đứng đầu Chính phủ nhận trách nhiệm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật