Xem Kangaroo và sếu Nhật Bản tại Thảo cầm viên Sài Gòn

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sáng 21.7, du khách đến Thảo cầm viên Sài Gòn (TP.HCM) bất ngờ trước sự xuất hiện của 6 cá thể Kangaroo nhỏ (còn gọi là chuột túi Wallaby) đến từ Hà Lan và 2 cá thể sếu Nhật Bản lần đầu tiên ra mắt tại đây.
Xem Kangaroo và sếu Nhật Bản tại Thảo cầm viên Sài Gòn
Chuột túi nhỏ vẫn còn nhút nhát nhưng rất thích ăn cà rốt

Chị Trần Thị Mai (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) và hai con trai đã ồ lên thích thú khi thấy 3 con chuột túi Wallaby chạy nhảy tung tăng trong vườn thú. Còn 3 “anh chị” Wallaby khác thì nằm lim dim trong nhà có vẻ nhút nhát, sợ sệt trước số lượng quá đông du khách đang giơ máy ảnh, điện thoại lên chụp hình. Nhiều em thiếu nhi mạnh dạn mang cà rốt lại gần đưa mời các chú chuột túi Wallaby cầm ăn ngon lành. Chú Mai Thanh Trung (Đồng Tháp) lần đầu tiên ở quê lên đưa cả gia đình đi tham quan lại trúng ngay sự kiện tiếp nhận những cá thể độc đáo này từ Hà Lan và Nhật Bản nên rất vui.

Một số cá thể chuột túi Wallaby vẫn chưa dám ra ngoài

Ăn ngon lành

Tìm chỗ nấp

Du khách đến xem và thích thú chụp ảnh

Được biết Thảo cầm viên Sài Gòn mà người dân quen gọi là Sở thú là một bảo tàng thiên nhiên quí giá của cả nước, có bề dày hơn 150 năm tuổi và được đánh giá là 1 trong 10 vườn thú lâu đời nhất trên thế giới. Ngoài chức năng nuôi dưỡng, chăm sóc, nghiên cứu, bảo tồn các loài động - thực vật quí hiếm nhằm giới thiệu với du khách trong và ngoài nước, Thảo cầm viên Sài Gòn còn là địa điểm vui chơi, giải trí quen thuộc thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm.

Hiện Thảo cầm viên Sài Gòn đang nuôi dưỡng chăm sóc hơn 1.100 cá thể động vật thuộc 135 loài. Đa số là những loài thú quí hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như báo lửa, hổ Đông Dương, trĩ sao… một số loài đã sinh sản tốt trong vườn thú như trĩ sao, báo lửa, hổ Đông Dương, vượn má vàng, vọoc bạc, hươu cao cổ, linh dương …

Để làm phong phú thêm bộ sưu tập động vật, tăng cường hơn nữa số lượng loài, Thảo cầm viên Sài Gòn tiếp nhận từ Hà Lan 6 cá thể Kangaroo nhỏ hay còn gọi là Chuột túi Wallaby và 2 cá thể sếu Nhật Bản.

Cặp đôi sếu về nhà mới

Tuy vẫn còn lạ lẫm với môi trường mới

Nhân viên Thảo cầm viên luôn túc trực chăm sóc và cho sếu ăn

Wallaby là loài thú bản địa của nước Úc, có mặt ở khắp nơi, đặc biệt là ở những khu vực hẻo lánh, vùng núi đá và những nơi có địa hình gồ ghề. Còn sếu Nhật Bản có đỉnh đầu đỏ quí hiếm thứ hai trên thế giới, mang biểu tượng như sự may mắn, trường thọ và tính trung thực. Hằng năm, chúng di cư tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và một số quốc gia Đông Á khác để trú đông

Theo anh Trương Ngọc Đăng, trưởng phòng kỹ thuật (Thảo Cầm viên Sài Gòn): “Loài sếu nắm trong danh mục bảo vệ của thế giới nên việc mua và nhập khẩu rất khó khăn. Thức ăn chính của sếu Nhật Bản gồm: côn trùng, dế, cá, tép nhỏ, lúa…tương tự như giống cò ở Việt Nam. Còn chuột túi Wallaby vô cùng thân thiện và dễ thương. Chúng ăn các loại rau củ quả: cà rốt, khoai lang, cỏ…riêng phần thức ăn bồi dưỡng thêm có cám, bánh mì…”.

Cũng theo anh Đăng, các thành viên mới chuột túi Wallaby và sếu đầu đỏ đã nhập “hộ khẩu” vào Thảo cầm viên Sài Gòn cách đây 1 tháng và đang thích nghi rất nhanh với môi trường sống nơi đây.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật