Việt Nam có chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới đứng đầu ASEAN

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, trong vòng 2 năm trở lại đây (2016, 2017), Việt Nam luôn giữ vững vị trí trong 4 quốc gia có chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới đứng đầu trong khu vực ASEAN.
Việt Nam có chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới đứng đầu ASEAN
Hiện kiểm tra chuyên ngành thực hiện chủ yếu bằng phương thức thủ công, chưa áp dụng rộng rãi phương pháp quản lý rủi ro. Ảnh minh họa

Thời gian thông quan hàng hóa tại cửa khẩu đã giảm

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh, năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ (từ 58 xuống 55 giờ). Còn đối với hàng nhập khẩu giảm 6 giờ (từ 62 xuống 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD.

Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu (với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu) và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu (với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu). Kết quả này phản ánh nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan thuộc Chính phủ trong lĩnh vực giao lưu hàng hóa qua biên giới.

Cũng theo báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, trong vòng 2 năm trở lại đây (2016, 2017), Việt Nam luôn giữ vững vị trí trong 4 quốc gia có chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới đứng đầu trong khu vực ASEAN.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê của cơ quan hải quan (thống kê trên cơ sở các quy định của các Bộ, ngành về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu) quý 2/2015 có 82.760 mặt hàng thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành, đến quý 1/2018 còn 78.390 mặt hàng (giảm 4.403 mặt hàng).

Đưa ra một số kết quả nổi bật về cắt giảm số mặt hàng thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành, Bộ Tài chính cho biết, một số Bộ quản lý chuyên ngành đã bắt đầu thay đổi phương pháp quản lý và kiểm tra chuyên ngành, chuyển thời điểm kiểm tra chuyên ngành từ trước thông quan sang sau thông quan.

Bộ Công Thương cắt giảm gần hết Danh mục hàng phải kiểm tra nhà nước về chất lượng trước thông quan (Thông tư số 33/2017/TT-BCT ngày 28/12/2017), chuyển thời điểm kiểm tra hàm lượng Formaldehit đối với các sản phẩm dệt may sang sau thông quan (Thông tư số 21/2017/TT-BCT ngày 23/10/2017). Bộ Khoa học Công nghệ đã cắt giảm 91% số mặt hàng phải kiểm tra nhà nước về chất lượng trước thông quan (Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN ngày 16/6/2017). Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/2/2018 thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 thay đổi căn bản phương pháp quản lý trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, giảm 95% mặt hàng không phải kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu.

Cũng theo Bộ Tài chính, số tờ khai (lô hàng hóa) nhập khẩu thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu năm 2015 khoảng 30% đã giảm xuống còn 19,4% trong năm 2017.

Số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn

Đưa ra những tồn tại và hạn chế trong kiểm tra chuyên ngành, Bộ Tài chính cho biết, số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn. Bằng chứng, năm 2017, số tờ khai (lô hàng hóa) nhập khẩu thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành so với tổng số lô hàng nhập khẩu làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu chiếm 19,4%.

Cũng theo Bộ Tài chính, văn bản quy phạm Pháp Luật quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành nhiều, phạm vi quản lý và kiểm tra rộng, nhiều mặt hàng chưa có mã số HS, chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện việc kiểm tra. Đặc biệt, còn quy định chồng chéo một hàng hóa phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành do cùng một Bộ hoặc nhiều Bộ quy định. Việc sửa đổi các văn bản quy phạm Pháp Luật trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn chậm.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Bộ Tài chính cũng cho hay, hiện kiểm tra chuyên ngành thực hiện chủ yếu bằng phương thức thủ công, chưa áp dụng rộng rãi phương pháp quản lý rủi ro.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra chuyên ngành cũng chưa áp dụng việc công nhận kết quả kiểm tra. Chưa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận xử lý hồ sơ, trao đổi dữ liệu về kiểm tra chuyên ngành; Chưa xây dựng cơ sở dữ liệu phân tích thông tin, đánh giá mức độ rủi ro của doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa.

Theo Bộ Công Thương, nguồn lực (bao gồm: nhân lực, tài chính, trang thiết bị máy móc, phương tiện làm việc) thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu còn thiếu và còn yếu, chưa đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

“Một số Bộ đã ban hành văn bản bãi bỏ danh mục hoặc chuyển thời điểm kiểm tra mặt hàng thuộc quản lý từ giai đoạn kiểm tra trước thông quan sang giai đoạn sau thông quan, song vẫn quy định doanh nghiệp phải nộp chứng từ cho cơ quan hải quan để thông quan hàng hóa”, Bộ Tài chính cho hay.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật