Kinh tế hóa ngành tài nguyên môi trường

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tại khóa bồi dưỡng tập huấn kiến thức quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường vừa diễn ra ở Hà Nội, các chuyên gia môi trường cho biết, về định hướng công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2020, thực hiện chủ trương đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường nhằm xây dựng ngành tài nguyên môi trường trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật chính quy.
Kinh tế hóa ngành tài nguyên môi trường
Dây chuyền xử lý phân vi sinh tại bãi rác Nam Sơn - Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Thời gian tới, chúng ta cần xác định chủ trương nhất quán là "kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường", nâng cao giá trị đóng góp của ngành cho nền kinh tế quốc dân, tăng cường bảo vệ môi trường, góp phần vào quá trình phát triển bền vững.

Nguồn nước ngày càng ô nhiễm

Ông Hoàng Minh Đạo - Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm cho biết, nguồn nước ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt tại các lưu vực sông chính như sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy, hệ thống sông Đồng Nai và các sông nhỏ kênh rạch trong nội thành, nội thị. Chúng ta cần phải giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Nước ngầm có dấu hiệu ô nhiễm và nhiễm mặn cục bộ và suy giảm do khai thác quá mức, cũng như việc thải vào các vực nước nước thải các loại không xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu. Qua thanh, kiểm tra của Tổng cục Môi trường, các vi phạm về xả thải phổ biến trong các DN, thậm chí có đơn vị xả thải vượt nồng độ quy chuẩn đến cả chục lần. Nguyên nhân do ý thức của các DN còn kém.

Tại nhiều đô thị và khu công nghiệp, chất thải nguy hại không được phân loại mà chôn lấp chung với chất thải sinh hoạt. Phần lớn khu đô thị và các khu công nghiệp chưa có bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh và vận hành đúng quy trình. Chưa kể việc phân loại rác thải tại nguồn gần như chúng ta chưa làm được. Môi trường đất ở nước ta cũng đã có dấu hiệu bị ô nhiễm ở khá nhiều nơi do sử dụng phân bón hóa học không đúng kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp, do thuốc bảo vệ thực vật tồn dư và ô nhiễm khí thải từ hoạt động công nghiệp. Trong khi đó, chất lượng không khí ở các TP lớn, KCN, làng nghề ngày càng suy giảm.

Áp dụng công cụ kinh tế quản lý môi trường

Đối với thế giới, môi trường là vấn đề nóng từ những thập niên 60 - 70. Trong khi đó, vấn đề môi trường còn mới đối với chúng ta, vì những năm 80-90, Việt Nam mới tiếp cận vấn đề này. Trong cùng một giai đoạn phát triển, Việt Nam đã sớm học tập được kinh nghiệm của các nước phát triển, không chấp nhận hy sinh môi trường cho các mục tiêu phát triển. Chính sách đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho công tác bảo vệ và cải thiện môi trường, đặc biệt đầu tư từ XH, bước đầu đem lại hiệu quả. Ngày càng có nhiều DN bảo vệ môi trường ra đời, nhiều dịch vụ công về bảo vệ môi trường được cá nhân, tổ chức đứng ra thực hiện, nhiều DN đã tiếp cận hướng sản xuất đi đôi với việc tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường từng bước được áp dụng, bước đầu đem lại nguồn thu cho công tác bảo vệ môi trường. Các DN đã quan tâm hơn đến công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Một số DN đã đầu tư các hệ thống xử lý chất thải bảo đảm các quy định của tiêu chuẩn môi trường khí thải ra môi trường xung quanh. Kinh tế hóa lĩnh vực môi trường là áp dụng các công cụ kinh tế, tăng cường tái chế, sử dụng chất thải, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là các nguồn tài nguyên không tái tạo được; tiếp cận quan điểm tổng hợp, tổng thể theo vùng, khu vực khi giải quyết các vấn đề môi trường".

Theo ông Chu Phạm Ngọc Hiển - Thứ trưởng Bộ TN và MT, so với các ngành khác, ngành tài nguyên môi trường của ta còn non trẻ. Bộ TN và MT được thành lập từ năm 2002, tuy nhiên ngành cũng đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Chính phủ nâng cao nhận thức của dân, DN và các tổ chức trong việc quản lý, khai thác tài nguyên cũng như bảo vệ môi trường, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật