“Ông đồ” dạy viết chữ đẹp thời @

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tốt nghiệp Đại học sư phạm Huế nhưng không xin vào các trường phổ thông để dạy học mà lại mở trung tâm luyện... viết chữ, nhiều bạn bè của Thái Văn Nguyên (25 tuổi, Trung tâm Luyện chữ đẹp Thành Huế, đường Nguyễn Trãi, TP Huế) đã cho rằng anh “khác người“. Tâm sự của Nguyên lý giải việc “khác người“ này như sau: “Các cụ đã có câu “nét chữ, nết người“. Những năm gần đây tôi thấy phần lớn mọi người đều thích dùng máy tính hơn là viết tay, dẫn đến việc chữ viết tay càng ngày càng xấu, càng cẩu thả. Ý tưởng luyện chữ viết ra đời từ đấy“.
“Ông đồ” dạy viết chữ đẹp thời @
Một buổi học của trung tâm Luyện chữ đẹp.

Tình yêu chữ đẹp

Nguyên kể lại, anh từng trăn trở với nỗi niềm: "Chữ viết và dạy chữ viết được cả xã hội quan tâm. Đã có nhiều lần cải tiến kiểu chữ, nội dung cũng như phương pháp dạy chữ viết nhưng không hiểu vì sao nhiều người vẫn viết sai, viết xấu và viết rất chậm". Nhận thấy điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập Tiếng Việt nói riêng, học các môn khác nói chung và nhu cầu luyện chữ đẹp là mối quan tâm của tất cả mọi người nên Nguyên nảy sinh ra ý nghĩ: "Sao mình không mở trung tâm luyện chữ đẹp cho mọi người?".

Nguyên cho biết anh tự "thí nghiệm", dành ra nhiều tháng trời luyện viết, vẽ và nét chữ ngày càng trở nên đẹp và rõ nét hơn để đi đến kết luận: "Dù ban đầu chữ viết có xấu như thế nào, nhưng nếu chịu khó tập luyện thì chữ sẽ đẹp. Việc viết chữ đẹp chỉ cần rèn luyện chứ không cần năng khiếu".

"Giáo trình" của người thầy giáo này cũng rất đặc biệt. Bài học đầu tiên các học viên phải "nhập môn" là phải thuộc lòng, tập viết câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về tầm quan trọng của việc học viết chữ: "Chữ viết cũng là một sự biểu hiện của nết người. Dạy học sinh viết đúng, viết cẩn thận, viết đẹp là góp phần rèn luyện cho các em tính cẩn thận, tính kỷ luật, lòng tự trọng đối với mình cũng như đối thầy cô. Nguyên tâm đắc với câu nói này vì "Muốn học viên quan tâm đến chữ viết và viết chữ đẹp hơn thì phải biết truyền đam mê của chính mình cho mọi người".

Lớp học của Nguyên còn được sự tham gia nhiệt tình của một số bạn sinh viên đến từ Đại học Huế, vốn là những học viên trước của khóa học này, chỉ sau 1 - 2 tháng học tập nhiều bạn đã viết chữ rất đẹp và ở lại giúp Nguyên giảng dạy tại trung tâm.

Lớp học được dạy cả tuần, trung bình mỗi lớp có 10 - 12 học viên đủ mọi thành phần: học sinh, sinh viên, giáo viên, công chức nhà nước... trong đó đông nhất là học sinh. Đến nay, lớp học của Nguyên đã thu hút được gần 400 học viên tham gia. Nguyên nói: "Ban đầu khi mở lớp ở đây, nhiều người rất hoài nghi về mô hình giảng dạy khá mới lạ này và rất ít người đến học. Nhưng dần dần, kết quả mang lại ở các học viên đã khiến lớp học ngày càng đông, chứng tỏ mọi người đã tin cậy và biết yêu quý nét chữ của mình hơn, khiến mình rất vui".

“Nét chữ, nết người”

Hiện trung tâm có 4 giáo viên là cử nhân ngành Sư phạm, kèm cặp hơn 100 học viên. Một học viên học 2 buổi/tuần, mỗi buổi khoảng một tiếng rưỡi, cứ 10 người học có 1 giáo viên chỉ dẫn. Với mức học phí trung bình khoảng gần 200 ngàn đồng/học viên/tháng, trừ tiền thuê địa điểm và các chi phí khác, tính ra mỗi giáo viên nhận được khoảng 1,5 đến 1,7 triệu đồng/tháng.

 


Những nét chữ trong vở các học viên.

Nhiều người ở đây cho biết, họ đến đây không chỉ vì để rèn chữ đẹp mà còn để rèn luyện đức tính cần cù, nhẫn nại, chịu khó mà việc học chữ mang lại. Em Thanh Tùng (học sinh lớp 9 một trường THCS) nói: "Chữ em trước đây rất xấu, nhiều khi học làm văn trên lớp mặc dù em được cô khen là có ý và diễn đạt tốt nhưng chữ viết lại cẩu thả và sai lỗi khá nhiều, nên bài văn của em lúc nào cũng chỉ được 4 - 5 điểm. Sau hơn một tháng học ở đây, em thấy nét chữ của mình đã đẹp hơn nhiều, giờ em đã là 1 trong những học sinh viết chữ đẹp nhất lớp".

Không chỉ các em học sinh mà cả người lớn, thậm chí có cả những... giáo viên cũng đến lớp học đặc biệt này để rèn lại nét chữ. Cô Trương Thị Thu Hà (giáo viên một trường PTTH ở Huế) cho biết: "Tôi là giáo viên dạy toán, nhưng do có thói quen viết nhanh, nên nhiều khi cẩu thả làm các em chép sai bài, có người bạn giới thiệu cho tôi đến đây và bây giờ sau gần 2 tháng chữ tôi viết đã khác hẳn".

Nguyên cho biết, nhiều em học sinh sau khi được đào tạo ở đây đã được cử đi thi và giành giải "Vở sạch chữ đẹp" cấp trường và cấp thành phố. "Đó là món quà quý nhất và là niềm tự hào đối với mình", Nguyên nói.

Cùng cảm xúc này, cô Đặng Thị Thùy Nhung, một trong những người tham gia dạy chữ đẹp tại trung tâm tâm sự: "Dù đồng lương ít nhưng được kèm cặp và chứng kiến mọi người thành công trong việc rèn chữ, mình thấy rất vui. Có nhiều bạn trẻ đã viết được chữ đẹp sau những buổi học cặm cụi, thế mới thấy được ý nghĩa của câu "nét chữ nết người"".

Hiện thầy Nguyên đang giảng dạy các học viên bằng giáo trình bộ chữ theo quyết định 31/2002 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Nguyên nói: "Tôi đang soạn một bộ giáo trình mới để làm sao có thể giảng dạy một cách dễ hiểu và đơn giản nhất, giúp các học viên tiếp thu nhanh, chính xác hơn".

Mặc dù là lớp tư nhân, nhưng học phí ở đây lại rất phù hợp với từng đối tượng là người lớn và trẻ nhỏ, có chính sách miễn giảm cho các đối tượng là con nhà nghèo, đối tượng chính sách... Vì thế, dù thu nhập không cao nhưng vì tình yêu với nét chữ, Nguyên cùng bạn bè vẫn luôn hạnh phúc khi mang nét chữ đẹp đến với nhiều người. Nguyên cũng ước mơ được mở thêm nhiều trung tâm nữa để việc rèn chữ đẹp đến với nhiều người hơn, đặc biệt là với các trẻ em ở huyện miền núi xa xôi, các vùng miền khó khăn trên địa bàn.

"Nhiều người bảo thời này còn luyện chữ làm gì, cần thì vào máy tính gõ là xong. Nhưng tôi nghĩ việc rèn chữ không những để viết đẹp mà còn biết về chính tả, biết cách bỏ dấu, bỏ câu... điều mà giới trẻ ngày nay dễ mắc phải và học chữ cũng là một cách học làm người", anh Thái Văn Nguyên cho biết.

TIẾN NHẤT

"Mẹo" viêt chữ đẹp
Tư thế ngồi viết: Ngồi ngay ngắn, lưng thẳng, không tỳ ngực vào cạnh bàn, đầu hơi cúi, mắt cách vở từ 25 - 30cm. Cánh tay trái đặt trên mặt bàn bên trái lề vở, bàn tay trái tỳ vào mép vở, giữ vở không xê dịch khi viết. Cánh tay phải cùng ở trên mặt bàn; khi viết bàn tay và cánh tay phải có thể dịch chuyển từ trái sang phải và từ phải sang trái dễ dàng.
Cách cầm bút: Cầm bút bằng 3 ngón tay của bàn tay phải: ngón trỏ, ngón cái và ngón giữa. Đầu ngón trỏ đặt trên thân bút, đầu ngón cái giữ bên trái thân bút; đầu ngón giữa tựa vào bên phải thân bút. Khi viết 3 ngón tay này giữ bút, điều khiển bút dịch chuyển. Ngoài ra cần sự phối hợp của cổ tay, cánh tay, khuỷu tay khi viết.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật