Đến Bắc Hà gặp người gieo chữ

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thầy giáo Hoàng Văn Hợp dạy lớp 3 đã tự nguyện nhận nuôi 11 học sinh yếu kém của lớp. Ngoài giờ học ở trường các em được thầy Hợp cùng vợ là cô giáo Minh Tiến chăm sóc từ bữa ăn, tắm rửa, làm vệ sinh đầu tóc, móng tay… Ăn tối xong các em lại ngồi vào bàn học do chính thầy giáo Hợp kèm cặp.
Đến Bắc Hà gặp người gieo chữ
Các em học sinh dân tộc Mông Trường Tiểu học Cán Cấu đến trường. Ảnh: Duy Ngọc.

Trường Tiểu học xã Cán Cấu, huyện Simacai, tỉnh Lào Cai cách thị trấn Bắc Hà khoảng 27km. Chúng tôi có mặt tại đây vào đúng phiên chợ Cán Cấu ngày 6/11 (chợ họp vào thứ bảy hằng tuần). Phải mất khoảng thời gian khá dài chúng tôi mới qua được con đường họp chợ vùng cao này. Quả thật tôi đã bị hút hồn bởi không khí tấp nập với muôn màu sắc phục dân tộc người Mông, người Dáy, người Sán Chỉ, người Kinh… Ngoài ra còn rất đông du khách nước ngoài, người nào cũng máy ảnh, máy quay phim ghi hình.

Dọc con đường vào chợ hàng dãy xe ôtô du khách nước ngoài đỗ san sát ven đường, nhẩm đếm gần 20 xe 5 chỗ ngồi, 7 chỗ, 40 chỗ… Đấy là quang cảnh không khí một phiên chợ vùng cao mà tình cờ chúng tôi bắt gặp trên đường đến một trường tiểu học có nhiều nét đổi mới, thành tích trong giáo dục của một xã vùng cao: Trường Tiểu học Cán Cấu.

Thoạt nhìn ngôi trường chúng tôi cứ ngỡ như đang đứng trước một trường tiểu học dưới xuôi. Cũng một ngôi nhà 2 tầng bề thế, lợp ngói đỏ au, ngang là 2 dãy nhà xây 1 tầng dành riêng cho các phòng như giáo dục thể chất, tin học, phòng học ngoại ngữ.

Thầy Hiệu trưởng Bùi Văn Trung cho chúng tôi biết: Chỉ mới vài năm trở lại đây trường lớp mới được kiên cố hoá, bộ mặt của ngôi trường tiểu học này được "thay da đổi thịt" hoàn toàn, đó cũng là nhờ có sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, chính quyền địa phương, cụ thể là UBND huyện Simacai và Phòng Giáo dục đã xác định được tầm quan trọng trong công tác giáo dục đưa con chữ đến với con em các dân tộc đồng bào ít người vùng cao.

Nhớ lại những năm trước đây cũng tại xã Cán Cấu chỉ có một lớp học chưa đầy 20 học sinh và cũng chỉ duy nhất có một thầy giáo dưới xuôi lên dạy, lớp học phải học nhờ nhà dân. Sau này chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí cho dựng một ngôi nhà gỗ 3 gian lợp tôn xi măng, lúc đó mới tổ chức được 2 lớp 45 học sinh. Một lớp vẫn học nhờ, còn một lớp đến khu nhà mới học.

Ngôi nhà 3 gian này nhà trường chỉ được sử dụng một lớp học còn lại là của Trạm Y tế xã làm việc, khi nào Ủy ban cần công việc hội họp lại sử dụng luôn lớp học, lúc đó các em phải đi học nhờ nơi khác. Để có được học sinh đến trường học, các thầy cô giáo ở đây muôn vàn vất vả khó khăn, phải đi bộ hàng chục cây số đến từng nhà gia đình đồng bào dân tộc vận động cho con em họ đến trường để học con chữ.

Năm 2003, trường lớp mới được xây dựng kiên cố hoá, đến năm  2005 toàn trường có được 6 lớp học từ lớp 1 đến lớp 5, lúc đó cơ sở vật chất nhà trường mới được cải thiện. Về đội ngũ giáo viên đa phần ở miền xuôi lên dạy.

Bước sang năm 2010 nhà trường đã tổ chức được 18 lớp học, toàn bộ trường lớp đều được kiên cố hoá, trang thiết bị đồ dùng học tập cho các em học sinh đầy đủ phục vụ về thể chất, tin học, ngoại ngữ… Nhà trường đang tổ chức triển khai xây dựng khu nhà ở bán trú cho học sinh và nhà ở cho giáo viên. Khó khăn hiện nay nhà trường còn một số học sinh người dân tộc ở rải rác các bản làng hẻo lánh phải đến trường với chặng đường dài 8km, vì vậy tổ chức cho các em học bán trú là rất cần thiết. Hiện tại, chiều chủ nhật mỗi tuần gia đình học sinh tự đưa các em đến trường, sang ngày thứ sáu tan học lại đến đón về. Nhà trường tổ chức thu xếp nơi ăn, ở cho các em tại trường, vận động phụ huynh đóng góp 1 tháng 3kg thóc, 10kg sắn, vận động các thầy cô giáo ủng hộ các em rau xanh, muối, ngoài ra kêu gọi một số tổ chức xã hội ủng hộ quyên góp thêm, nhà trường thuê một cấp dưỡng nấu ăn cho các em, chỗ ở có đầy đủ giư‌ּờng chi‌ּếu, chăn màn, để các em yên tâm học tập, phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em cho nhà trường, nhiều gia đình người Mông tự nguyện đưa con em mình đến lớp học.

Là một vùng cao miền núi, người dân ở đây 90% là dân tộc Mông đời sống khó khăn, trình độ thấp, nhận thức về giáo dục hạn chế, nên nhiều gia đình không muốn cho con em đến trường học, vì lẽ đó các thầy cô giáo gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Hàng ngày giáo viên dạy từ 5h sáng đến từng nhà gọi và đưa các em đến trường, đây là quy định của trường, bắt buộc các thầy cô từng lớp phải bảo đảm được quân số học sinh đầy đủ, không để em nào được bỏ học. Quy định này đã được đưa vào Nghị quyết thi đua của trường.

 

Thầy giáo Hoàng Văn Hợp và thầy Hiệu trưởng Bùi Văn Trung.

Có một câu chuyện mà thầy Hiệu trưởng Bùi Văn Trung kể làm tôi rất cảm động: Nhà trường có thầy giáo Hoàng Văn Hợp dạy lớp 3 đã tự nguyện nhận 11 học sinh yếu kém của lớp đưa về nhà nuôi. Ngoài giờ học ở trường các em được thầy Hợp cùng vợ là cô giáo Minh Tiến - Hiệu trưởng Trường THCS Cán Cấu chăm sóc từ bữa ăn, tắm rửa, làm vệ sinh đầu tóc, móng tay, móng chân,… ăn tối xong các em lại ngồi vào bàn học do chính thầy giáo Hợp kèm cặp. Kết quả chỉ sau 3 tháng cả 11 em học sinh này đều tiến bộ rõ rệt có sức học trung bình khá.

Thầy Hợp còn rất trẻ khoảng gần 30 tuổi. Được hỏi động cơ nào mà vợ chồng thầy giáo có thể tự nguyện nuôi 11 em học sinh cho ăn học miễn phí tại nhà? Thầy Hợp khiêm tốn trả lời: Mặc dù hoàn cảnh kinh tế vợ chồng tôi cũng không có gì là khá giả, hai vợ chồng đều sống bằng đồng lương giáo viên phải nuôi mẹ già và một con nhỏ, nhưng trước hoàn cảnh khó khăn của số học sinh dân tộc Mông, nhà xa, kinh tế gia đình eo hẹp, cuộc sống của bố mẹ các em chỉ trông vào nương ngô, nương sắn, bữa no, bữa đói. Từ những nguyên nhân đó các em học rất kém, tâm lý không muốn học, có nguy cơ bỏ học nên tôi đã tự nguyện nhận các em về nhà chăm sóc và kèm cặp thêm.

Qua câu chuyện của thầy giáo Hoàng Văn Hợp, Trường Tiểu học Cán Cấu, huyện Simacai, tôi mới thấy hết được tấm lòng của người giáo viên nhân dân yêu nghề, tận tuỵ vì tương lai con em quyết đưa con chữ đến từng học sinh vùng dân tộc ít người, để sau này các em trưởng thành có văn hoá, có trí thức phục vụ đồng bào mình và xã hội.

Được biết Trường Tiểu học Cán Cấu là một trường điểm của huyện Simacai, ngoài những thành tích như bài viết đã phản ánh, nhà trường còn có thành tích về học tập của học sinh đáng nể: Cuối các năm học toàn trường đạt tỷ lệ lên lớp 100%.

Trường đã được nhận Giấy khen, Bằng khen của huyện Simacai 2 lần, 2 năm liền nhà trường được tặng bằng khen tỉnh Lào Cai (2006 - 2007). Trường đang được đề nghị xét duyệt trường chuẩn quốc gia mức độ 1 của tỉnh, cá nhân thầy giáo Hoàng Văn Hợp được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen.

Để có được kết quả trong công tác giáo dục trồng người, nhà trường từ Hiệu trưởng đến đội ngũ giáo viên đều xác định được trách nhiệm của người thầy, người cô tất cả vì học sinh, vì tương lai con em chúng ta, gắn bó thương yêu như chính con em mình, đoàn kết yêu nghề vượt mọi khó khăn xứng đáng với cụm từ: "Người giáo viên nhân dân"

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật