Cụ ông gần 90 tuổi và nỗi uất nghẹn do sai sót của tòa bình chánh - TP. HCM: Thẩm phán hai cấp

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một vụ án đơn giản nhưng phải trải qua 4 phiên toà, kéo dài hơn 5 năm “đáo tụng đình” với nhiều sai phạm, làm trái Pháp Luật của các “quan toà” đã đẩy một cụ ông 89 tuổi rơi vào cảnh khốn đốn...
Cụ ông gần 90 tuổi và nỗi uất nghẹn do sai sót của tòa bình chánh - TP. HCM: Thẩm phán hai cấp
Gần 90 tuổi nhưng cụ Ký vẫn phải chống gậy đi kêu oan vì một món nợ lớn xuất phát từ sai phạm trong tố tụng của Tòa.
“Quan tòa”  Bình Chánh  một mình 1 luật
Ở độ tuổi 89, cụ ông Đoàn Văn Ký (ngụ ấp 4, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) vẫn phải chống gậy đến Toà án nhân dân tối cao kêu oan. Ngày 14-2-2000, cụ Ký lập hợp đồng chuyển nhượng phần đất ruộng khoảng 1.300m2 tại xã Đa Phước cho ông Đặng Văn Ba (SN 1943, ngụ phường 15, quận 8). Ông Ba đặt cọc cho cụ Ký 2 lượng vàng 9999, hẹn khi sang bộ thuế sẽ trả thêm 6 lượng vàng 9999. Thế nhưng ông Ba không trả lại tự ý xây dựng không phép trên đất của cụ Ký nên bị lập biên bản, xử phạt hành chính. Ngày 3-9-2003, cụ Ký khởi kiện ông Ba vì chiếm đất, không trả 6 lượng vàng.

Mất gần 3 năm sau, đến ngày 4-6-2006, TAND huyện Bình Chánh mới xét xử, tuyên hủy giấy sang nhượng đất ngày 14-2-2000 giữa cụ Ký và ông Ba, hai bên trả lại cho nhau những gì đã nhận. Ông Ba trả đất, cụ Ký trả lại hai lượng vàng và bồi thường 43,915 triệu đồng. Tuy nhiên, “quan toà” Bình Chánh lại “quên” đưa hai người có liên quan là Đặng Thanh Phong và Đặng Văn Thơm vào tố tụng nên bị TAND TP. Hồ Chí Minh tuyên hủy bỏ bản án sơ thẩm. Tiếp đó hai năm nữa, ngày 26-8-2008, TAND huyện Bình Chánh xét xử sơ thẩm lần 2, nhận định giấy sang nhượng khu đất ngày 14-2-2000 giữa cụ Ký và ông Ba bị vô hiệu, hai bên đều có lỗi như nhau. Thế nhưng, biến động đất đai do lỗi xử sai của Toà đã “đẩy” giá đất lên cao chót vót, theo tính toán của Toà lên đến 1,267 tỷ đồng, cụ Ký và ông Ba mỗi người chịu một nửa. Toà tuyên hủy giấy sang nhượng đất đề ngày 14-2-2000; buộc cụ Ký trả lại cho ông Ba hai lượng vàng và bồi thường thiệt hại lên đến 633,5 triệu đồng. Tuy nhiên, thẩm phán chủ toạ Trương Văn Hải lại buộc cụ Ký phải trả cho ông Ba bằng vàng, ông Hải tự quy đổi 633,5 triệu đồng thành 36,15 lượng vàng (17,52 triệu đồng/lượng). Ngày 22-4-2009, ông Nguyễn Bá Thịnh, Thẩm phán TAND TP. Hồ Chí Minh ngồi ghế chủ toạ xét xử phúc thẩm. Ông Thịnh xác định thiệt hại trong vụ án giảm xuống 796,34 triệu đồng, cụ Ký phải chịu một nửa là 398,17 triệu đồng. Bản án phúc thẩm tuyên buộc cụ Ký trả cho ông Ba 2 lượng vàng và bồi thường thiệt hại 398,17 triệu đồng, số tiền trên vẫn được hội đồng xử án do ông Thịnh làm chủ toạ quy thành 22,72 lượng vàng và buộc cụ Ký phải trả cho ông Ba.

Vì sao “biến” tiền thành vàng?
Do giá vàng liên tục tăng cao (hiện tăng gấp hơn 2 lần so với thời điểm tuyên án) đã “nhân đôi” món nợ của gia đình cụ Đoàn Văn Ký. Quan trọng hơn, không có quy định Pháp Luật dân sự nào cho phép thẩm phán xét xử “biến” tiền thành vàng. Ngày 13-7-2009, Chi cục Thi hành án (THA) huyện Bình Chánh ra văn bản số 447/QĐ-THA đề nghị TAND Tp. Hồ Chí Minh giải thích bản án ở điểm: “Ông Ký phải bồi thường thiện hại cho ông Ba 398,17 triệu đồng hoặc số vàng là 22,72 lượng vàng”. Do Toà “phớt lờ” việc trả lời của Chi cục trưởng THA huyện Bình Chánh tiếp tục ra văn bản số 534/QĐ-THA ngày 31-8-2009 tiếp tục yêu cầu giải thích bản án bằng văn bản. Điều 48, Luật Thi hành án quy định Cơ quan THA phải ra quyết định hoãn THA trong thời gian chờ Toà án giải thích bản án. Thế nhưng, bà Lê Thị Mai Hồng, chấp hành viên THA huyện Bình Chánh vẫn “mạnh dạn” tổ chức THA, tổ chức kê  biên quyền sử dụng lô đất 936,5m2 của cụ Ký. Bị gia đình cụ Ký khiếu nại tố cáo, đến ngày 10-3-2010, Chi cục trưởng mới căn cứ vào khoản 1, Điều 48, Luật THA, ký quyết định số 49 để hoãn THA. Ngày 15-6-2010, thẩm phán Nguyễn Bá Thịnh mới ký văn bản, mặc dù nội dung “giải thích bản án” nhưng ông Thịnh không nêu rõ quan điểm, chỉ ghi lại nội dung bản án và tô đậm dòng chữ buộc ông Ký trả cho ông Ba 22,72 lượng vàng(?!). Đến ngày 24-6-2010, bà Lê Thị Mai Hồng ký thông báo THA, buộc cụ Ký trả 22,72 lượng vàng và lãi THA chậm.

Cụ Ký uất nghẹn: “Vụ án kéo dài quá lâu do sai sót của toà, năm 1996, TAND huyện Bình Chánh chỉ buộc gia đình tui bồi thường hơn 43 triệu đồng thiệt hại. Quan toà quên luật nên bị huỷ án, sau đó “ngâm án” tiếp nhiều năm. Lỗi thẩm phán xử sai gây ra sao lại bắt gia đình tui gánh chịu? Vợ chồng tui ở độ tuổi gần đất xa trời làm sao gánh nổi một món nợ oan từ phán quyết của thẩm phán xử sai như thế này?”.

Một cán bộ viện khoa học xét xử Toà án nhân dân tối cao nhận định: Việc thẩm phán hai cấp toà sơ thẩm, phúc thẩm buộc cụ Ký phải trả cho ông Ba số tiền 318,97 triệu đồng, quy thành 22,72 lượng vàng là không có căn cứ Pháp Luật. Việc xử án phải tuân thủ đúng các quy định nào trong Bộ luật Tố tụng dân sự và của Toà án nhân dân tối cao. Thẩm phán hai cấp toà có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Pháp Luật tố tụng. Vụ án cần được các cơ quan bảo vệ Pháp Luật có thẩm quyền xem xét lại, tránh oan sai, gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của công dân.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật