Bí mật ngôi mộ cổ: Cánh cửa mở rộng

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đầu năm 2008, anh Lợi lại chuyển cho các nhà khoa học tấm ảnh chụp những dòng chữ bằng mực nho viết sau ngai thờ tổ tiên. Chữ khá mờ nên chỉ sau khi bôi phấn lên chiếc ngai mới đọc được:“Tổ mộ Bùi Đình Khởi, Cổ Ngựa đường (mộ cụ tổ Bùi Đình Khởi ở đường Cổ Ngựa)“. Theo ông Tăng Bá Hoành, đây là lời mật truyền của gia tộc họ Bùi. Thông tin này cho biết mộ tổ cô ở gò Thổ Thư. Nếu khai quật ở đây có thể tìm được bia mộ chí.
Bí mật ngôi mộ cổ: Cánh cửa mở rộng
Cổ vật đã tìm được

20 giờ ngày 10/1/2009, anh Lợi lại điện thoại cho biết, tìm được một hòn gạch có chữ tại nơi nghi là mộ của bà Bùi Thị Hý ở khu gò Thổ Thư. Lập tức đoàn khoa học lục tục kéo quân về ngay trong đêm, gần 10 giờ mới đến nơi. Hiện vật thu được là một số mảnh gốm hoa lam Chu Đậu, gồm bát, đĩa, bình, nghê sành (cụt đuôi), đặc biệt là có viên gạch đất nung màu hồng nhạt, nung nhẹ lửa, cỡ khoảng 4 x 22 x 22cm, nhưng đã mẻ một góc, mang dáng dấp của gạch sâu tuổi thế kỷ XIV-XV.

Văn bia được khắc vào 2 mặt. Mặt một nói về nơi để mộ, mặt kia nói về nơi để bia. Cụ thể như sau:"Mộ Tổ cô ban đầu táng tại Gò Thổ Thư, nhìn về hướng bắc. Tổ tiên có truyền lại rằng, Hậu duệ của Đại thương gia Trịnh Hòa, triều Minh, niên hiệu Thiên Thuận (1457-1464), là bạn nữ tặng tổ cô một chiếc chén sứ quý. Sau khi tổ cô qua đời, chôn theo chiếc bình sứ gia bảo. Sau có bọn trộm đào lấy hết. Lại gặp giặc đã phá hủy. (Mộ) được chuyển đến khu đất Rồng. Cấm tuyệt đối mọi người trong dòng họ vi phạm lời truyền (của tiền nhân). Vị, Nhuận, Cần".

Bản dịch mặt 2:

"Tấm bia cổ lớn sau di về đất hình nhân, đó nguyên là lò gốm cổ. Tổ tiên có nói lại rằng, tổ cô có yểm một con rồng lớn (bằng gốm?) tại ngã ba sông Định Đào".

Đây là tấm bia chỉ chỗ về ba di vật quan trọng, đều là thứ mật truyền do các ông Vị, Nhuận, Cần, là trưởng các chi họ Bùi, thực hiện vào đầu thế kỷ XX, khoảng năm 1932. Bia còn nói trong mộ có chiếc chén sứ do một bạn nữ là hậu duệ Trịnh Hòa tặng cho tổ cô vào niên hiệu Đại Thuận, tức trong khoảng từ năm (1457-1464). Chi tiết này chứng tỏ bà Bùi Thị Hý là người từng bôn ba trên biển Đông, quen biết nhiều nhân vật quan trọng về hàng hải đương thời.

Sử sách viết về Trịnh Hòa là một nhà hàng hải vĩ đại của Trung Quốc, đầu thế kỷ  XV. Trong thời gian từ năm 1405 đến 1433, ông đã 7 lần chỉ huy hạm đội mạnh, thám hiểm Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ông là người đầu tiên vẽ bản đồ biển Đông một cách tạm gọi là khoa học... Theo anh Bùi Đức Lợi, Thổ Thư nghĩa là một cánh đồng hình quyển sách. Mộ tổ cô được táng ở trên gò tại cánh đồng đó nhưng hồi giặc Pháp đóng tề ở làng, chúng đã hốt trọn, san phẳng gò này để đắp thành lũy. Chính bố đẻ anh lúc ấy cũng phải đi phu dịch, ông kể rằng, lúc bốc gò lên, có rất nhiều mảnh gốm cùng hiện vật nhưng hầu như bị phá hủy hết.

 

Cổ vật đã tìm được

Lại nói về con rồng yểm, theo truyền miệng chính là để bà Hý trừ tà ma, phù trợ cho những thuyền bè ngược xuôi trên sông. Việc tìm con rồng yểm cũng gian nan không kém bởi ngã ba sông Định Đào của cách đây 5-6 thế kỷ với hiện tại khác nhau quá. Xưa ngã ba đó có một âu thuyền, thuyền bè ra vào tấp nập, nay vật đổi sao dời, chính bố anh Lợi đã nhiều lần cùng anh ra mới xác định ngã ba sông ấy chính là cái chuôm (ao) cạnh sông bây giờ. Nhưng con rồng nay ở đâu? Dò la, lần hồi mãi, khoảng tháng 2/2009, anh Lợi mới phong thanh nghe mấy người làm ao đầm kể, cách đây mấy năm họ có đào được một con rồng đất lớn rất kỳ bí nên ai nấy đều sợ hãi chẳng dám mang về, chỉ riêng một ông bạo gan, lớn phổi đem cất giấu tại nhà. May thay ông nọ cũng ở cùng xã, tuy nhiên là người rất bí mật, ai đến cũng không cho xem, trả giá bao nhiêu cũng không bán.

Biết được thông tin đó, anh Lợi nằn nì năm lần bảy lượt bảo đó là đồ gia truyền, chỉ đến xem thôi chứ không hề có ý định đòi lại hay sang nhượng gì, chủ nhân mới xiêu lòng. Ông bỏ mặc anh ở tầng một với đống cổ vật (ông này cũng có thú sưu tầm-NV) rồi khệ nệ bưng con rồng từ một góc bí mật giấu trên gác hai xuống. Rồng cao khoảng 70cm, bằng đất nung trắng xám, d‌a mà‌u đen, mắt lồi, ngậm ngọc, mào vươn về phía trước, gần giống mào rồng Trần, nhưng chân trước đã có vây, dáng vẻ vô cùng uy nghiêm, lành lạnh khí trấn yểm.

Ngày 4/4/2009 nhân ngày Thanh minh, được phép của gia tộc họ Bùi, gia đình anh Lợi tìm được một số hiện vật quý tại gò Hình Nhân của gia đình. Trước hết là bia mộ chí của tổ cô, có kích thước dài 39,7cm rộng 37cm, dày 11cm. Tuy bia đã bị đập mất phần trên và dưới, chữ quá mờ, nhưng mặt trước vẫn đọc được những chữ y như bản sao trên mâm đồng. Đây là tư liệu quan trọng nhất cần tìm. Từ tư liệu này có thể xác định được giá trị của những tư liệu phát hiện trước đó. Bên cạnh bia có những vật yểm: lọ sành da chu, cao 13cm. Có 9 viên đá màu và 9 đồng tiền yểm bên mộ chí. Trên lọ đậy một viên gạch, kích thước 15,5 x 13 x 3,5cm, có vài dòng chữ ở hai mặt. Chữ ở mặt trước, dòng giữa ghi: Đất Hình Nhân là linh địa, cấm vi phạm. Bên phải: Tiền nhân linh chấn yểm. Bên trái: Kế, Tổng Cẩn Trọng yểm (Tổng, Cẩn Trọng yểm kế tiếp). Tổng cộng có 2 lần chấn yểm. Có một hiện vật phát hiện ngoài dự kiến, đó là tấm la bàn bằng đá cẩm thạch, đã bị mẻ hai cạnh. Một bảo vật

Kể về vật báu này, anh Lợi cho biết, ở đầu nhà, lẫn trong đống đá tảng có một phiến đá nhỏ có chữ Hán và một viên đá tảng có 1 chữ lớn ở nhà cụ thân sinh, nơi dòng họ cư trú từ xa xưa. Khi các nhà khoa học đến nơi để nghiên cứu mới ồ lên thích thú bởi đó là chiếc la bàn đi biển, hình vuông, kích thước 17 x 17 x 7cm. Trên la bàn có chữ: Châm bàn chu hải khứ, Bùi Thị Hý. Nghĩa là bàn kim chỉ đường đi cho thuyền biển của Bùi Thị Hý. Nó có ghi chữ Bắc, Đông, mất chữ Nam, Tây. Giữa có một hõm rộng 1,4cm, sâu 1,5cm, giữa lỗ còn một lỗ nhỏ 2mm, khoét sâu xuống để đặt kim nam châm. Bàn của la bàn bằng đá cẩm thạch được mài nhẵn mặt trên.

 

Ngôi mộ của bà Hý nằm giữa một cái ao lớn.

Đây là hiện vật vô cùng quan trọng, nó chứng minh cho một người phụ nữ Việt Nam, tên là Bùi Thị Hý, ngay từ thế kỷ XV đã vượt sóng dữ biển Đông, giao thương với các nước. Những hiện vật nói trên không chỉ là bảo vật của gia đình mà còn là bảo vật của quốc gia, vì sao? Bởi lẽ Christophe Colomb (1450-1506) năm 1492, mới bắt đầu cuộc hành trình tìm đất mới, tức châu Mỹ, từ cảng Palot, Tây Ban Nha cũng với chiếc la bàn chỉ đường có nguyên lý tương tự khi mà Bùi Thị Hý đã 73 tuổi, trở về quê cha, xây chùa Viên Quang. Điều đó thể hiện tầm vóc lớn lao, ý chí kiên cường của một phụ nữ Việt.

Một buổi chiều mưa gió, tôi cùng anh Lợi ra mộ của bà Bùi Thị Hý. Đám đất ở giữa gò nằm trong lòng một cái ao lớn, có một con đường chạy ra. Nắm hương cắm thơm lừng giữa trời đất. Dưới gò, cứ như lời anh Lợi có rất nhiều đồ gốm cổ, chủ yếu phế phẩm vì xưa kia đây là tàn tích của một cái lò gốm cổ. Thật là sinh ư nghệ, tử ư nghệ.

Để hiểu sâu về dòng gốm cao cấp đặc biệt này và chủ nhân khai sinh ra nó là bà Bùi Thị Hý, cần ngược dòng lịch sử về thời quá khứ ở giai đoạn Lê sơ (1428 - 1504). Triều đình Lê sơ đã làm được nhiều việc lớn đó là những mốc son đậm nét trong lịch sử nước nhà. Khởi dựng bia tiến sĩ ở Văn miếu Quốc Tử Giám vào năm 1442 thời Vua Lê Thái Tông. Thời Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) thì tấm bản đồ đầu tiên xác định chủ quyền biên giới quốc gia Đại Việt được hoàn thành. Cùng đó là Bộ luật Hồng Đức, một bộ luật tiến bộ nhất và hoàn chỉnh nhất trong lịch sử Pháp Luật thời phong kiến được ra đời. Bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng được hoàn thành vào năm 1479 thời Vua Lê Thánh Tông. Hội Tao Đàn nhị thập bát tú gồm 28 ông tiến sĩ giỏi nhất nước do Vua Lê Thánh Tông làm chủ cũng được lập ra...

Tựu trung lại trong giai đoạn thời Lê sơ đất nước ở đỉnh cao, để lại trong lịch sử dân tộc nhiều bậc vua hiền, vua sáng, nhiều thành tựu rực rỡ về mọi mặt. Cuộc sống của nhân dân thanh bình, nền độc lập của nước Đại Việt được củng cố, có thể nói bấy giờ Đại Việt là nước cường thịnh nhất của cả khu vực Nam Trung Quốc...

 

Chiếc bình triệu đô ở bảo tàng Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính sự phồn vinh hưng thịnh của đất nước trong giai đoạn này đã được nhân dân ca ngợi và truyền tụng mà sử sách còn ghi như sau:

Đời vua Thái Tổ, Thái Tông,Thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng muốn ăn.

Một giai đoạn đất nước hòa bình, hưng thịnh về mọi mặt. Từ đó đã tạo cho nhiều ngành nghề có điều kiện vươn đến tầm cao tuyệt đỉnh. Một trong những nghề ấy là nghề gốm sứ, mà đỉnh cao là dòng gốm thần, gốm bác học Chu Đậu của nữ tài Bùi Thị Hý. Không phải đến thế kỷ XV người Việt Nam mới biết làm đồ gốm, mà đồ gốm của người Việt đã có từ rất xa xưa. Lúc con người biết làm ra lửa, đã nặn đất giúi vào đống lửa, lúc đầu có thể do"buồn chân, buồn tay" sau vì nhu cầu của cuộc sống mà nặn đồ vật. Đồ gốm thời kỳ văn hóa Hòa Bình cách ngày nay hàng vạn năm thô sơ, xù xì, rồi đồ gốm Bắc thuộc, gốm Lý, Trần... cứ thế mà cải tiến.

Nhưng phải đến thời Lê sơ thế kỷ XV thì đồ gốm mới thực sự lên đến tuyệt đỉnh mà cái nôi là gốm Chu Đậu - do bà Bùi Thị Hý đứng đầu. Những hình ảnh sang trọng, uy quyền nơi cung đình, phủ điện hay thanh bình, trù phú nơi thôn dã đã được thể hiện trên sản phẩm. Những nét đặc trưng như tàu lá chuối hoa cúc, hương đồng cỏ nội. Những tích vẽ kinh điển như con chim chích chòe đang thảnh thơi đi bộ hay đang sải cánh bay cao trên cánh đồng lộng gió. Những con cá tung tăng bơi lội dưới làn nước trong xanh tưởng còn quẫy mình tung bọt trắng xóa. Những con vịt, những con hạc, diều no căng như con tôm con cá nhỏ bên trong còn động cựa. Những con công, con phượng xòe cánh thướt tha. Những con nai đang gặm cỏ ngơ ngác dưới một trời mưa bụi, xôn xao chim én. Những con thuyền lớn rẽ sóng bạc tưởng còn mang trong mình phong vị mặn mòi của đại dương. Thật tĩnh tại mà thảnh thơi. Những điển tích, điển cố hay những cảnh đời thường được cổ nhân phóng bút, mà thành kiệt tác. Gốm

 

Sản xuất gốm Chu Đậu ngày nay.

Chu Đậu hội đủ những phẩm chất vàng ròng: Sáng như gương, trong như ngọc, trắng như ngà, mỏng như giấy, kêu như chuông...  chỉ với bàn tay và những công cụ thô mộc, điều mà ngày nay khoa học đưa người lên vũ trụ, kéo người xuống đáy đại dương, truyền ti tỉ sóng trong một giây cũng không thể làm được.

Gốm Chu Đậu là dòng gốm tiêu biểu cho tinh hoa gốm Việt nhưng đã bị thất truyền tới mấy trăm năm bởi chiến tranh Trịnh Mạc cuối thế kỷ XVI tàn sát bao nghệ nhân, hủy hoại bao bàn xoay, đập tan chiếc lò nung còn ngún khói. Sự hồi sinh dòng “gốm thần” mới chỉ độ mươi năm nay.

Năm 2000, anh Nguyễn Hữu Thắng, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO) sau khi biết thông tin về sự kiện trục vớt các con tàu đắm ở Cù Lao Chàm, đã bay ngay vào TP HCM. Anh Thắng bàn với anh Nguyễn Văn Lưu, lúc đó là Trưởng phòng Xuất nhập khẩu của HAPRO, đây là thời cơ vàng, phải nghiên cứu, làm dự án khôi phục nghề gốm Chu Đậu. Một năm sau đó, tháng 10/2001, Xí nghiệp gốm Chu Đậu ra đời. Dòng gốm Chu Đậu đã hồi sinh, sản phẩm gốm Chu Đậu lại được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như: Nhật, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Mỹ... nối lại và vươn xa hơn những cung đường mà tổ sư nghề gốm Bùi Thị Hý cách đây vài thế kỷ từng dày công tạo dựng

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật