Năm nay, Việt Nam đã có 8 trận động đất

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo Nguyễn Hồng Phương, PGĐ TT Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, từ tháng 4 năm 2010 đến nay, ở Việt Nam đã xảy ra tới 8 trận động đất. Các trận động đất này có độ lớn dao động trong khoảng từ 2,3 đến 4,7 độ Rích te.
Năm nay, Việt Nam đã có 8 trận động đất
Ông Nguyễn Hồng Phương, PGĐ TT Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần

Ông Nguyễn Hồng Phương cho biết, tất cả các trận động đất này đều thuộc loại trung bình và nhỏ nên không gây thiệt hại về người và của trong vùng xảy ra động đất.

Trận động đất mạnh nhất được ghi nhận mặc dù có độ lớn 4,7 độ rích ter nhưng do có tâm chấn nằm ở ngoài khơi và độ lớn không đủ để gây nên sóng thần nên cũng không gây ra thiệt hại.

Tháng 10 vừa qua, đúng vào thời điểm các trận mưa và bão lớn đang hoành hành dữ dội, gây nhiều thiệt hại ở miền Trung, một trận động đất có độ lớn 3,8 độ rích ter đã xảy ra ở xã Công Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Mặc dù trận động đất không gây thiệt hại, nhưng đã có rất nhiều người lo lắng đặt câu hỏi: Liệu sự xuất hiện của trận động đất này có liên quan gì tới những trận mưa và cơn bão lũ tại miền Trung vào thời điểm đó hay không?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hồng Phương, PGĐ TT Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần giải thích: bản chất giữa các thiên tai địa vật lý (động đất, sóng thần) với các thiên tai khí tượng thuỷ văn (bão, áp thấp) là khác nhau. Trong khi mưa bão được hình thành bởi sự tương tác giữa các tầng không khí với môi trường nước của các biển và đại dương thì động đất được phát sinh bởi sự giải phóng ứng suất từ bên trong quả đất ra ngoài, thông qua những kẽ nứt của lớp vỏ cứng của nó (các đứt gẫy kiến tạo).

Về hệ thống cảnh báo sóng thần, ông Phương cho biết, hiện nay, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần Việt nam là thành viên chính thức của hệ thống cảnh báo sóng thần thế giới. Mỗi khi xảy ra động đất mạnh có khả năng gây sóng thần, các thông tin cảnh báo được truyền từ hai Trung tâm cảnh báo sóng thần quốc tế lớn nhất trong khu vực là Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình dương (PTWC) của Mỹ tại Ha Oai, và Trung tâm tư vấn sóng thần Tây Thái Bình dương (NWPTAC) của Cục Khí tượng Nhật bản, tới các Trung tâm cảnh báo của các quốc gia khu vực Thái Bình dương, trong đó có Việt Nam.

Hiện tại, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần Việt Nam nhận cá thông tin cảnh báo sóng thần qua 2 phương tiện, đó là đường fax của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần hoặc qua email của Ban lãnh đạo Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, bao gồm Giám đốc và hai Phó Giám đốc.

Ngay sau khi nhận được tin báo, việc báo tin động đất sẽ được triển khai tại Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần theo Quy chế của Chính phủ. Khi động đất xảy ra trên lãnh thổ hay lãnh hải Việt Nam có độ lớn vượt 3,5 độ rích ter, các bản tin được xây dựng và gửi cho các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm theo đường fax và điện thoại.

Theo đánh giá của ông Phương, do những nhược điểm về truyền số liệu động đất ghi được tại các trạm ghi động đất, tốc độ phân tích số liệu động đất còn chậm, gây ảnh hưởng tới việc xây dựng và phát kịp thời các bản tin thông báo động đất tới các cơ quan hữu quan.

Trao đổi với pv, Tiến sĩ Lê Huy Minh, Phó viện trưởng phụ trách (viện Vật lý Địa cầu - viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, số trận động đất ở Việt Nam năm nay nhiều hơn mọi năm, nhưng cũng không thể nói như vậy là do có biến động đặc biệt. Tiến sĩ Minh cũng cho biết, không thể dự báo được tình hình động đất trong thời gian sắp tới, vì không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới hầu như chưa bao giờ dự báo được. “Duy nhất có một lần Trung Quốc từng dự báo trước được một trận động đất, nhưng để làm được điều này rất kỳ công. Theo đó, họ phải theo dõi trong nhiều năm, áp dụng cả thiết bị khoa học và tổng hợp thêm theo dõi về hành vi của các con vật.” - Tiến sĩ Lê Huy Minh nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật