Nhìn thấu tương lai 10 nghìn năm qua kính Hubble

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những số liệu thu được qua kính viễn vọng không gian Hubble về sự di chuyển của các ngôi sao trong cụm sao Omega Centauri cho phép các nhà khoa học dự đoán được đặc điểm trạng thái của những tinh thể này sau hàng nghìn năm nữa, trang mạng của công trình nghiên cứu này cho biết.
Nhìn thấu tương lai 10 nghìn năm qua kính Hubble
Ảnh: NASA. ESA

Omega Centauri là cụm sao trong chòm sao Centaurus thuộc hệ Ngân hà (Via Lactea) và là cụm sao hình cầu lớn nhất trong hệ này được biết đến từ trước tới nay.

Cụm sao này, vốn từng được các nhà thiên văn từ thời xa xưa quan tâm đến, có gần 10 triệu ngôi sao chuyển động theo đường tròn quanh một trọng tâm.

Việc đo đạc chính xác những chuyển động của các ngôi sao trong cụm tinh cầu khổng lồ này có thể giúp hiểu rõ sự hình thành của chúng như thế nào trong thời kỳ sơ khai của vũ trụ, đồng thời lý giải được rằng, liệu hố đen có kích thước nặng gấp khoảng 10 nghìn lần Mặt trời có ẩn sau những ngôi sao này không.

Bản phân tích những hình ảnh lưu trữ có được trong 4 năm bởi một máy quay được cải tiến Advanced Camera for Surveys của kính viễn vọng Hubble đã cho phép các nhà thiên văn thuộc viện nghiên cứu khoa học kính viễn vọng đến từ Baltimore (Maryland, Hoa Kỳ) tiến hành đo đạc các thông số chuyển động của hơn 100 nghìn ngôi sao trong cụm sao Omega Centauri. Kết quả là các nhà khoa học thu được một khối lượng dữ liệu lớn nhất về sự chuyển động của các ngôi sao bên trong cụm sao này.

Các nhà thiên văn đã sử dụng ảnh do kính viễn vọng Hubble chụp lại được trong thời gian từ năm 2002 đến 2006. Trên cơ sở đó họ đã dựng thành một đoạn video clip để có thể “nhìn thấy” sự dịch chuyển của các ngôi sao trong thời gian 10 nghìn năm tới.

Jay Anderson, đồng tác giả của công trình nghiên cứu này nói:"Điều này đòi hỏi phải có các chương trình máy tính cấu hình cao và phức tạp cho phép nhận biết được những thay đổi nhỏ nhất về vị trí của các ngôi sao diễn ra trong vòng 4 năm. Nhưng suy cho cùng thì chính “con mắt” tinh của Hubble mới là chìa khóa cho phép đo được những thông số chuyển động của các ngôi sao trong cụm sao này”.

Roeland van der Marel, một đồng nghiệp của Jay Anderson, nói thêm rằng, với sự trợ giúp của Hubble thì trong 3 – 4 năm có thể thu được những số liệu về sự chuyển động của các ngôi sao chính xác hơn so với những loại kính viễn vọng mặt đất quan sát mất trong 50 năm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật