Nga đâm sau lưng Iran để độc chiếm Syria?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nga và Israel được cho là đã đạt một thỏa thuận bí mật nhằm đẩy các lực lượng của Iran ra khỏi khu vực biên giới Nam Syria.
Nga đâm sau lưng Iran để độc chiếm Syria?
Làm chủ Trung Đông giúp Nga ngăn chặn các mối đe dọa từ xa

Thỏa thuận ngầm với Israel?

Truyền thông Israel những ngày qua liên tiếp đưa tin về việc nước này và Nga đã đạt một thỏa thuận bí mật nhằm đẩy các lực lượng của Iran ra khỏi khu vực biên giới Nam Syria

Tờ Thời báo Israel dẫn thông tin của kênh truyền hình Hadashot cho biết theo thỏa thuận chung này, Israel sẽ chấp nhận việc lực lượng ủng hộ chính phủ Syria quay trở lại vùng biên giới trên Cao nguyên Golan, để đổi lấy sự đảm bảo của Nga rằng sẽ không có lực lượng nào của Iran hay Hezbollah tại khu vực này.

Nguồn tin cho biết thêm rằng Nga cũng sẽ kêu gọi tất cả các binh lính nước ngoài rời khỏi Syria, trong đó không chỉ có các lực lượng của Iran hay nhóm Hezbollah của Lebanon, mà cả của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Lực lượng quân cảnh của Nga tại Damascus, Syria

Thỏa thuận này được cho là đã được thông qua trong một cuộc điện đàm hôm 25/5 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman và người đồng cấp Nga Sergei Shoigu.

Theo kế hoạch, ông Lieberman dự kiến đến Moscow trong ngày 31/5. Người đứng đầu lực lượng tình báo quân đội Israel Tamir Heiman cùng các quan chức quốc phòng khác sẽ tháp tùng ông Lieberman tới Moskva trên chuyến bay dự kiến rời Israel vào ngày 30/5. Phía Israel cho biết cuộc họp tại Moscow được tiến hành theo đề nghị của ông Shoigu trong cuộc điện đàm hôm 25/5.

Theo truyền thông Israel, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov dường như cũng đã khởi động tiến trình đẩy lui các nhóm quân của Iran và Hezbollah với phát biểu hôm 27/5 rằng chỉ có quân đội Syria mới nên hiện diện ở biên giới giữa Syria và Israel.

Đây cũng được coi là thông điệp ông Lavrov muốn nhắn gửi rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều không được chào đón tại đó.

Về phần mình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu trên kênh tin tức Hadashot rằng “Israel không quan tâm đến các thỏa thuận từng phần mà quan tâm đến việc quân đội Iran phải rút khỏi tất cả các mảnh đất của Syria”.

Pháo binh của Israel tại Golan nã đạn sang phía Syria

Cũng theo truyền thông Israel, thỏa thuận "bí mật" giữa nước này và Nga còn bao gồm một điều khoản về quyền của Israel trong việc tiếp tục hành động chống lại các hoạt động quân sự của Iran ở Syria.

Kênh Hadashot dẫn một nguồn tin Israel cho rằng vấn lề liên quan tới Tổng thống Syria as‌sad là của cộng đồng quốc tế cũng như các nhà nước Arab. Israel không thể sắp xếp cho cả thế giới bởi vì cần phải bảo đảm an ninh của bản thân nước mình trước.

Hất cẳng Iran?

Nếu thông tin về thỏa thuận bí mật trên là đúng thì Nga chính là bên hưởng lợi nhiều nhất khi khẳng định được sự hiện diện hợp pháp của mình tại Syria, trong khi khiến Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và các đồng minh của Mỹ bị đuối lý.

Ngày 28/5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh: “Tôi vẫn chưa thấy Washington chuẩn bị một kế hoạch bao gồm việc rút lực lượng Mỹ khỏi khu vực của họ ở At-Tanf. Như tôi từng nói, khu vực này được thiết lập dựa trên những lý do không thể hiểu nổi, xét theo một góc nhìn thiết thực về mặt quân sự”.

Bên cạnh đó, thỏa thuận giúp Nga tránh thế đối đầu với Israel, đồng thời kiểm soát sự hiện diện của đồng minh Iran tại Syria. Tất nhiên, Nga vẫn đảm bảo cho các lực lượng Iran và đồng minh của Iran tại các khu vực khác, ngoài miền Nam Syria như đã thỏa thuận với Israel.

Tuyên bố của Nga về việc kiềm chế Iran và các lực lượng ủy nhiệm trung thành với họ được truyền thông Israel diễn giải như một sự đồng cảm trước những mối lo ngại của Tel-Aviv về các hoạt động của Iran tại vùng biên giới phía Bắc Israel.

Phát biểu trước chuyến thăm của Bộ Quốc phòng Lieberman sẽ đến Moscow, ông Chagai Tzuriel, Giám đốc điều hành Bộ Tình báo Israel, cho biết ông tin tưởng các sự kiện vừa qua đã thuyết phục các nước như Nga rằng việc để cho Iran hiện diện quân sự trên khắp Syria là không thỏa đáng.

Theo ông Tzuriel, nếu cơ hội không được nắm bắt và các lực lượng do Iran hậu thuẫn không bị đẩy lùi, thì “chúng ta sẽ phải chạm trán với Iran”.

Israel khẳng định quyền được tấn công Iran tại Syria

Theo giới phân tích, việc Nga gần đây kêu gọi các lực lượng nước ngoài rời khỏi Syria có thể khiến liên minh "tế nhị" giữa Nga và Iran thay đổi đáng kể.

Sau hội đàm với Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Sochi, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18/5 cũng đã cam kết: “Do tiến trình chính trị đang có sự khởi đầu hết sức tích cực, các lực lượng vũ trang nước ngoài sẽ rút khỏi lãnh thổ Syria”. Alexander Lavrentiev, đặc phái viên của Tổng thống Putin tại Syria sau đó cho biết các lực lượng này bao gồm cả Iran.

Các quan chức Iran tỏ ra khá giận dữ trước tuyên bố của Tổng thống Putin. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghasemi cho rằng: “Không ai có thể buộc Iran làm điều gì đó đi ngược lại ý chí của mình”. Thứ trưởng Ngoại giao Syria ngày 23/5 đã cố gắng xoa dịu căng thẳng, nói rằng sự rút quân của Iran, hoặc của đồng minh Hezbollah, “thậm chí còn không nằm trong chương trình nghị sự cần thảo luận”.

Nhà phân tích Julien Barnes-Dacey thuộc Hội đồng Đối ngoại châu Âu cho biết: “Nga đang chơi trò đưa đẩy đầy tinh tế giữa các đồng minh khác nhau trong khu vực”. Theo ông, việc Nga tuyên bố loại bỏ lực lượng nước ngoài là muốn gửi một thông điệp tới Iran rằng sẽ có những hạn chế đối với ảnh hưởng của họ tại Syria.

Nga được cho là muốn ngăn cản bất kỳ cường quốc nào tăng cường ảnh hưởng tại Trung Đông. Một quốc gia nào đó, một khi đã kiểm soát được Trung Đông, sẽ có thể gia tăng ảnh hưởng tới phía Nam Caucasus - khu vực vùng đệm quan trọng đối với Nga - và gây ra mối đe dọa nước Nga.

Với lý do trên, giới phân tích phương Tây nhận định Nga muốn các cường quốc tại Trung Đông cạnh tranh lẫn nhau, ngăn chặn bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào thiết lập ảnh hưởng tại Nam Caucasus.

Tuy nhiên, các nhà phân tích Iran lại cho rằng những tuyên bố về sự chia rẽ giữa Nga-Iran đã bị thổi phồng, đồng thời nhấn mạnh Tehran không quan tâm đến việc duy trì sự hiện diện lâu dài tại Syria.

Mohammad Marandi - nhà phân tích chính trị tại Đại học Tehran - khẳng định: “Iran cảm thấy ổn khi rút quân khỏi Syria. Đây không phải là nơi đầu tiên họ đặt chân tới, và nếu Mỹ cùng các đồng minh của mình không tạo ra một mớ hỗn độn tại Syria thì Iran đã chẳng có mặt ở đây lúc này”.

Còn nhà phân tích người Nga Vladimir Sotnikov cho rằng Moscow không muốn làm tổn hại “mối quan hệ đối tác chiến lược” với Iran. Ông Sotnikov cho rằng dù Iran không phải là một đối tác dễ chịu với Nga, song hai nước sẽ không phá vỡ mối quan hệ chặt chẽ của mình.

Theo nhà phân tích Nga, "các lực lượng nước ngoài" mà Tổng thống Putin ám chỉ chính là những quốc gia không nhận được sự cho phép rõ ràng của Tổng thống as‌sad, và những quốc gia này không bao gồm Iran.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật