ADB: Kinh tế châu Á tăng trưởng mạnh nhưng đối mặt nguy cơ tiềm ẩn

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tỏ ra lạc quan về tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á trong hai năm 2018 – 2019 nhưng vẫn rất thận trọng về những nguy cơ mới có thể ảnh hưởng đến sự phát triển này.
ADB: Kinh tế châu Á tăng trưởng mạnh nhưng đối mặt nguy cơ tiềm ẩn
Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng 7,1% trong năm 2018, dẫn đầu khối ASEAN (Graphic: Bangkok Post)

Trong bản báo cáo 2018 Asian Development Outlook công bố vào tháng 4/2018, ngân hàng này nói kinh tế châu Á có thể đạt tỷ lệ tăng trưởng 6,1% trong năm 2017. Con số dự báo trong năm 2018 là 6% và năm 2019 là 5,9%.

ADB nói nhu cầu nội địa và tăng trưởng xuất khẩu đã thúc đẩy các nền kinh tế châu Á tăng trưởng mạnh hơn con số dự kiến. Nhưng chủ nghĩa bảo hộ của Hoa Kỳ và nguy cơ leo thang của chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc vẫn là nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của châu lục.

Việt Nam dẫn đầu tăng trưởng của ASEAN

Khối ASEAN sẽ đạt tỷ lệ phát triển trung bình 5,2% trong năm 2018 và năm tới, tương đương với con số của năm 2017.

Việt Nam là lá cờ đầu trong tăng trưởng với tỷ lệ 7,1% trong năm 2018 và 6,8% trong năm 2019. Tiếp theo là Campuchia (7% trong hai năm), Myanmar (6,8% và 7,2%), Lào (6,8% và 7%), Philippines (6,8% và 6,9%).

Indonesia và Malaysia là nhóm đứng giữa. Brunei, Singapore và Thái Lan là những nước có tỷ lệ tăng trưởng thấp trong khối ASEAN.

ADB dự báo khu vực Nam Á sẽ dẫn đầu phát triển kinh tế của cả châu lục với tỷ lệ 7% trong năm nay và 7,2% trong năm tới.

Nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc sẽ tăng trưởng với tốc độ khá là 6,6% và 6,4% trong hai năm 2018 – 2019.

Ông Stephen Groff - Phó Chủ tịch ADB phụ trách khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương - cho rằng tăng trưởng kinh tế châu Á rất ấn tượng trong hai năm 2018 - 2019 (Ảnh: ADB)

Lạc quan thận trọng trước nguy cơ lơ lửng

Cuộc họp thường niên lần thứ 51 của ADB diễn ra trong tuần này tại Manila, Philippines. Ông Stephen Groff – Phó Chủ tịch phụ trách Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương của ADB – nói rằng ngân hàng này tỏ ra “lạc quan một cách thận trọng” về sự phát triển của các nền kinh tế châu Á trong hai năm sắp tới vì những nguy cơ tiềm ẩn có thể tổn hại đến sự phát triển này.

Vị phó chủ tịch lâu năm nhất phụ trách khu vực này không gọi căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc là “chiến tranh thương mại” bởi hai gã khổng lồ vẫn đang tiến hành các thảo luận song phương. “Các nền kinh tế châu Á không lo ngại về những hệ quả tức thì do cuộc đối đầu thương mại này gây ra. Nhưng về lâu dài, những biện pháp hạn chế của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Trung Quốc có thể làm nền kinh tế này phát triển chậm lại và hệ quả có thể đến với châu lục” - ông Groff phát biểu với báo chí ngày 8/5 tại Manila.

Ông Groff tiếp tục phân tích: “Chúng tôi đã thực hiện các nghiên cứu và phân tích cách đây một năm và thấy rằng sự suy giảm 1% trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể làm tỷ lệ tăng trưởng của các nước đang phát triển ở châu Á suy giảm 0,3%. Bất cứ sự suy giảm bất ngờ nào của nền kinh tế Trung Quốc, cũng sẽ làm giảm tăng trưởng của cả khu vực”.

Trong khi đó, cuộc họp Bộ trưởng Tài chính của khối ASEAN+3 – bao gồm các nước ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc – diễn ra tại Manila trong tuần cũng tỏ ra lo ngại về tình trạng nợ ở khối tư nhân và khu vực nhà nước của các nền kinh tế châu Á.

Công nhân xây dựng tại một công trường xây dựng ở Bắc Kinh. Nợ của khu vực doanh nghiệp Trung Quốc chiếm 159% GDP, nhưng ADB cho rằng không cần lo lắng khi tính đến quy mô của nền kinh tế và mọi chuyện "đang được kiểm soát tốt" (Ảnh: CNN)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Thái Lan Veerathai Santiprabhob cho rằng cần thiết lập cơ chế giám sát nợ bởi con số nợ của một số nước đã đạt mức rất cao và đáng lo ngại. “Chúng ta cần kiểm soát nợ công và kể cả nợ của khu vực tư nhân để đảm bảo rằng tình trạng này không ảnh hưởng kinh tế toàn cầu” - ông Veerathai nói với báo chí.

Yasuyuki Sawada – nhà kinh tế chính của ADB – nói rằng nợ công và nợ vay tiêu dùng cá nhân của châu Á “có nguy cơ ít rõ ràng hơn” do quy mộ của các nền kinh tế.

Nợ doanh nghiệp của Trung Quốc đạt tỷ lệ 159% GDP trong năm 2016. Nợ tiêu dùng cá nhân của Hàn Quốc đạt con số kỷ lục 1.300 tỷ USD trong năm 2017 và Malaysia đạt tỷ lệ 84,3% trong năm 2017. Ông Wasada nói “nếu áp dụng điều chỉnh lãi suất và siết chặt chính sách tiền tệ quá nhanh thì có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu”.

Ông Wasada cũng nói rằng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) theo dõi sát tình trạng này và châu Á “đang kiểm soát tốt mức nợ của mình”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật