Hàng giả gây thiệt hại lớn nhưng vẫn chỉ xử lý hành chính

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các chuyên gia cho rằng hàng giả, hàng nhái gây thiệt hại kinh tế rất lớn nhưng vẫn chỉ bị xử lý hành chính nên khó có thể chặn đứng do lợi nhuận cao.
Hàng giả gây thiệt hại lớn nhưng vẫn chỉ xử lý hành chính
Ảnh minh họa

Ý kiến này là của ông Vũ Xuân Bính, Phó Trưởng phòng Chống hàng giả(Cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương), đưa ra tại Hội thảo Nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ giữa phía Việt Nam và Hàn Quốc sáng ngày 10-5 tại TPHCM.

Theo ông Vũ Xuân Bính, trong năm 2017, cơ quan chức năng đã xử phạt 72,8 tỉ đồng với 4.799 vụ hàng giả và vi phạm SHTT, giá trị hàng vi phạm lên đến trên 518 tỉ đồng, trong đó nhiều nhất là số vụ giả mạo chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì, chiếm 3.518 vụ.

Tuy nhiên ông Bính cho rằng, tình trạng hàng gian, hàng giả và vi phạm SHTT vẫn còn nhức nhối và dai dẳng vì nguồn nhân lực quản lý thị trường còn hạn chế, lực lượng quản lý thị trường thiếu thiết bị chuyên dụng và kho bãi...

"Đặc biệt, lợi nhuận từ buôn bán hàng giả rất cao nên nhiều đối tượng bất chấp việc xử lý vi phạm", ông Bính cho biết.

Ông Vũ Xuân Bính khẳng định hành vi làm hàng nhái gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng nhưng chỉ bị xử lý vi phạm hành chính.

"Chúng tôi đã đề xuất xử lý Hình Sự hành vi này nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi. Mặc dù quy định điều chỉnh hành vi này đã được đưa vào Bộ Luật Hình Sự năm 2015, song vẫn bị rút ra", ông Bính cho biết.

Theo ông Bính, "tự bảo vệ" vẫn là biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để nâng cao hiểu biết và khả năng nhận diện thương hiệu của người tiêu dùng đối với hàng hóa của doanh nghiệp

Tiến sĩ Jaeheon Lee, Trung tâm dịch vụ sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KISTA), cho biết từ năm 1960, quốc gia này đã triển khai chính sách, ban hành luật bảo về quyền sở hữu trí tuệ để khuyến khích đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài.

Bà Jaeheon Lee cũng nhận xét năng lực chấp hành sở hữu trí tuệ của Việt Nam vẫn còn hạn chế.

Hiện tại, ở thị trường Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đăng ký bằng sáng chế, nhất là trong lĩnh vực dược phẩm, điều này gây khó khăn khi Việt Nam muốn tiếp cận công nghệ đầu nguồn.

"Doanh nghiệp Hàn Quốc bắt đầu chuyển hướng sang đầu tư lĩnh vực công nghệ thông tin, dự đoán việc tranh chấp về sở hữu trí tuệ sẽ tăng lên", chuyên gia này dự báo.

Tiến sĩ Yusun Park, chuyên gia thuộc Hiệp hội xúc tiến sáng chế Hàn Quốc (KIPA), nhận định Pháp Luật Việt Nam quy định về sở hữu trí tuệ khá rộng, vì thế khuyến khích Việt Nam nên thiết lập hệ thống đăng ký và xử lý trực tuyến các khiếu nại liên quan đến vấn đề này.

Liên quan đến vụ việc chuỗi Mumuso ở Việt Nam được cho là bán hàng Trung Quốc, Tiến sĩ Yusun Park và ông Sungho Anh (đại diện Bộ Công thương Hàn Quốc) đã lên tiếng khẳng định doanh nghiệp này chỉ đăng ký thương hiệu mà không hề sản xuất tại Hàn Quốc.

Mumuso ghi tiếng Việt rất nhỏ chữ "Made in China" trên sản phẩm, ghi hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Hàn, hình thức đóng gói tương tự sản phẩm Hàn Quốc, và đó là điều "dễ gây ra nhầm lẫn". 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật