Bí quyết “giữ lửa“ của NSND Mẫn Thu

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bà vui khi nghe chồng “thổ lộ”: “Hôm nào bà đi vắng, ăn cơm không phải bà nấu, tôi ăn không thấy ngon”. Hay nghe các cháu thủ thỉ: “Bà nấu ăn hợp khẩu vị, cháu ăn được nhiều hơn”.
Bí quyết “giữ lửa“ của NSND Mẫn Thu
Ảnh minh họa

 

Người bà “say” tuồng

NSND tuồng Mẫn Thu sinh ra và lớn lên trên quê hương quan họ (thôn Trát Bút, xã Hàm Sơn, Yên Phong, Bắc Ninh). Thế nhưng liền chị quan họ ấy lại bén duyên với nghệ thuật tuồng.

Là diễn viên của Đội tuồng Bắc từ năm 1959 (nay là Nhà hát tuồng Trung ương), NSND Mẫn Thu đã gặt hái nhiều thành công và tâm đắc với nhiều vai diễn truyền thống như Đào Tam Xuân, Triệu Tử Long, Đào Phi Phụng Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Ngũ biến...

Nghỉ diễn cũng đã hơn 10 năm, nhưng hàng ngày trong ngôi nhà ở khu tập thể Nhà hát tuồng Trung ương, NSND Mẫn Thu vẫn không dứt khỏi tuồng.

Bà tâm sự: “Các cháu diễn viên trẻ bây giờ hay gọi tôi bằng “bà” và mỗi lần nghe các cháu tập hát, thấy chỗ nào chưa đúng, chưa hay, “máu nghề” nổi lên tôi lại sang góp ý. Tôi vẫn còn “say” tuồng lắm...”

Thỉnh thoảng, Nhà hát tuồng tổ chức thi tài năng trẻ, giọng hát hay, khôi phục lại những vở tuồng cổ... đều mời bà tham gia giảng dạy, cố vấn.

Tuy con, cháu ba không ai theo nghiệp tuồng, nhưng mọi người trong nhà vẫn nghe, xem và ủng hộ cho môn nghệ thuật này, đó là niềm hạnh phúc lớn đối với NSND Mẫn Thu.

Giữ hạnh phúc gia đình bằng cơm dẻo, canh ngọt

2 người con (1 trai, 1 gái) trưởng thành và đã có gia đình riêng, 4 đứa cháu nội, ngoại đều ngoan ngoãn, người phụ nữ ấy thấy ấm lòng với hạnh phúc bình dị của mình. Mà bí quyết của bà thì rất giản dị.

Hiện tại, vợ chồng bà đang sống cùng gia đình người con trai. Hàng ngày, bà là người lo việc bếp núc để chồng con luôn được thưởng thức cơm dẻo, canh ngọt.

Bà vui khi nghe chồng “thổ lộ”: “Hôm nào bà đi vắng, ăn cơm không phải bà nấu, tôi ăn không thấy ngon”. Hay nghe các cháu thủ thỉ: “Bà nấu ăn hợp khẩu vị, cháu ăn được nhiều hơn”.

Bao nhiêu năm qua, bà vẫn thấy người phụ nữ giữ hạnh phúc gia đình là luôn chu đáo việc bếp núc, không để bếp lạnh lẽo. Bữa ăn không cần sơn hào hải vị, miễn sao mọi người trong gia đình đều cảm thấy ngon miệng. Có như thế gia đình mới giữ được không khí quây quần, ấm cúng.

Bà học được từ mẹ chồng đức hy sinh, chịu thương, chịu khó, yêu thương chồng, con hết lòng. Bà nhớ lại: “Ngày trẻ, cả vợ cả chồng cùng đi diễn, con cái trông cậy hết ở ông bà. Hạnh phúc của vợ chồng tôi là có ông bà nội chăm các cháu từng bữa ăn, giấc ngủ nên có thể toàn tâm toàn ý với công việc”.

Giờ đây, bà sẵn sàng ủng hộ, tạo điều kiện cho các con thực hiện tốt công việc của mình. Mọi việc nội trợ, chăm sóc các cháu, bà đảm nhiệm hết. Bà chỉ mong mình có thật nhiều sức khỏe để chăm sóc con, cháu nhiều hơn.

Một điều mà bà học được ở những người thầy, người bạn diễn là đức tính giản dị, thương người. Đó cũng là điều mà bà dặn dò con gái khi về nhà chồng: “Con đi lấy chồng phải biết sống theo nếp ăn, nếp ở nhà chồng. Điều quan trọng là sống giản dị như đúng con người của con, yêu thương mọi người thì con sẽ nhận lại được sự yêu thương của mọi người”.

Bà thường tâm sự với con dâu và con gái, để giữ sự yên ấm trong gia đình thì quan trọng vẫn do người phụ nữ. Theo bà, “nghệ thuật” của người vợ để giữ được trái tim của người chồng, để gia đình hạnh phúc đó là sự dịu dàng, mềm mại, luôn biết lấy nhu để thắng cương.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật