Thi vào lớp 10 ‘khốc liệt’ hơn vào đại học

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm nay dự báo sẽ căng thẳng vì tỉ lệ chọi của các trường được dự báo cao hơn các năm.
Thi vào lớp 10 ‘khốc liệt’ hơn vào đại học
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 dự báo sẽ căng thẳng hơn các năm. Ảnh: Thu Dịu.

Tỉ lệ chọi cao ngất ngưởng

Qua các mùa tuyển sinh hàng năm vào lớp 10, có thể thấy tỉ lệ chọi vào của nhiều trường THPT còn cao hơn vào trường đại học. Điều này đã tạo áp lực rất lớn cho phụ huynh, học sinh và các trường THPT trên địa bàn TP. Hà Nội.

Nhìn lại năm học 2016-2017, trường THPT chuyên Sư phạm (Đại học Sư phạm Hà Nội) và THPT Hà Nội –Amsterdam khi tỉ lệ “chọi” đạt ngưỡng 1/10; trường THPT chuyên Ngoại ngữ Hà Nội (Đại học Quốc gia Hà Nội) tỉ lệ chọi là 1/9,2; chỉ tính riêng tỉ lệ chọi vào chuyên Toán của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng đạt ngưỡng chọi 1/10… Năm học 2018-2019, số lượng học sinh vào lớp 10 tăng đột biến, thêm tới 24.000 em so với các năm, chủ yếu do tăng dân số cơ học vào năm đẹp (học sinh có năm sinh là năm 2003 năm con "dê vàng"). Trong khi, hàng năm Hà Nội cũng chỉ đảm bảo được 60% học sinh vào trường công lập, 40% học sinh phải học hệ ngoài công lập hoặc giáo dục thường xuyên, học nghề... Như vậy, tỉ lệ chọi của các trường THPT công lập và trường chuyên năm nay sẽ “khốc liệt" hơn các năm.

Ngay từ đầu năm học lớp 9, em Nguyễn Đức Anh, trường THCS Láng Thượng (Đống Đa- Hà Nội) đã có lịch học thêm dày đặc. “Sáng em học ở trường, chiều và tối em học thêm môn Ngữ văn và Toán các trung tâm. Lịch học quá nhiều và áp lực ở kỳ thi sắp tới cũng khá căng thẳng nên em chỉ mong có một ngày được nghỉ ngơi để giảm bớt lo lắng thi cử”, Nguyễn Đức Anh .

Trong khi đó, phụ huynh luôn mong muốn con học ở những trường chất lượng để có môi trường học tập tốt. Chính việc này, cũng khiến cho áp lực thi cử càng trở nên nặng nề đối với các em học sinh và phụ huynh. Chị Lê Thị Thúy (Thanh Xuân- Hà Nội) có con đang học lớp 9 : “Ngay từ đầu năm tôi đã xác định con phải vào trường công lập để con có một môi trường học tập tốt và chi phí ở mức vừa phải. Ý định ban đầu của gia đình cho con vào trường THPT Nhân Chính, nhưng thấy sức học của con khó có thể vào trường này, nên quyết định quyết nộp hồ sơ vào trường THPT Trần Hưng Đạo”.

Trước những áp lực thi cử của học sinh, cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên trường THPT Văn Hiến (Hà Nội) khẳng định: “Dù năm nay, lượng thí sinh thi vào lớp 10 tăng so với các năm, nhưng không có nghĩa các em mất đi cơ hội học tập của mình. Tuy nhiên, phụ huynh nào cũng muốn con mình vào trường tốt và có điểm thi cao. Nguyên nhân là do xã hội đánh giá năng lực của học sinh qua những điều đó và phụ huynh kỳ vọng quá lớn vào con mình”.

Phụ huynh đừng tự tạo áp lực

Ngoài những áp lực thi cử, học sinh còn phải chịu áp lực từ chính phụ huynh của mình. Nhiều phụ huynh đã chọn những trường vượt quá năng lực và tạo nên những gánh nặng không đáng có cho các em.

Ông Nguyễn Quốc Bình, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức : “Nhiều phụ huynh đặt mục tiêu kỳ vọng vào còn quá nhiều, mong muốn con học ở những trường chuyên, trường chất lượng cao vì được đầu tư cơ sở vật chất, cơ hội giao lưu quốc tế… Tuy nhiên, một số phụ huynh không biết năng lực của con mình ở đâu. Do đó, học sinh phải tập trung ôn luyện quá nhiều để đạt được mục tiêu của cha mẹ đề ra và tạo nên áp lực không đáng có”.

“Tôi cũng đã trải qua công tác ở nhiều mô hình giáo dục khác nhau, đội ngũ giáo viên và chất lượng giáo dục của các trường gần như nhau, trường nào cũng có giáo viên tâm huyết với nghề, với học sinh. Do vậy, phụ huynh muốn chọn trường cho con không nhất thiết phải vào những trường chuyên, trường chất lượng cao nhằm giảm áp lực thi cử cho học sinh”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, phụ huynh muốn con vào học trường nào cần dựa vào năng lực thực sự của con mình, điều kiện kinh tế của gia đình và thuận tiện cho việc đi học của các em. Đặc biệt, phụ huynh cũng cần phải dựa vào thế mạnh đào tạo của từng trường để chọn trường phù hợp với năng lực của các em.

Nhiều năm nay, áp lực tuyển sinh lớp 10 thường dồn lên những trường công lập nội đô, đặc biệt là những trường chất lượng cao, trường chuyên… Lý do là những trường nội đô thường tập trung ở khu dân cư đông đúc. “Để giảm bớt căng thẳng trong tuyển sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng có chủ trương có các trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, việc này cũng chỉ giải quyết được một phần nhỏ bởi cơ sở vật chất của các trường hạn hẹp. Ngành giáo dục cần phải quy hoạch mạng lưới trường học, đáp ứng nhu cầu trường lớp cho lượng dân cư đông đúc. Bên cạnh đó, phụ huynh có thể lựa chọn những trường ở xa khu dân cư đông đúc nhưng có chất lượng đào tạo tốt để giảm gánh nặng thi cử cho con”, ông Bình nhấn mạnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật