Tái bản sách ‘Chơi chữ’ của Phùng Tất Đắc

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tác phẩm là cẩm nang về thuật chơi chữ, treo đối, làm thơ của người Việt xưa.
Tái bản sách ‘Chơi chữ’ của Phùng Tất Đắc
Bìa cuốn sách “Chơi chữ“.

Tập sách Chơi chữ của tác giả Phùng Tất Đắc, bút hiệu Lãng Nhân, được Nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư in lần đầu tại Sài Gòn vào năm 1961. Tác phẩm vừa được tái bản và giới thiệu đến thế hệ bạn đọc mới trong nước.

Với lần tái bản này, sau gần 60 năm ra mắt lần đầu, một vài từ ngữ trong sách không còn sử dụng trong thời nay. Nhưng để tôn trọng tác giả, ban biên tập sách vẫn tôn trọng nguyên bản, đôi chỗ đính thêm chú thích để người đọc hiểu hơn về các địa danh và phương ngữ được tác giả dùng.

Sách là một cẩm nang về thuật chơi chữ, treo đối, làm thơ của người xưa vào những dịp quan trọng trong đời sống người Việt. Người xưa chơi chữ để thể hiện trí tuệ, học vấn và đôi khi cũng chỉ để giải tỏa những buồn bực trong lòng trước gian truân, thời thế, trước tình cảnh cá nhân mà lời thường khó giãi bày, bộc bạch. Chơi chữ cũng là một biểu tượng được ca tụng, là thước đo trong giới nhà Nho. Như điều Lãng Nhân ghi trong sách có đoạn: “Chơi chữ đối với nhà Nho, cần phải có những yếu tố mà nhiều người không gom được đủ: Có học đã đành, nhưng còn phải có tài. Học có hàm sức, mới biết dùng chữ cho rành rẽ, dùng điển cho đích đáng, khiến câu văn ít lời mà nhiều ý. Tài có mẫn tiệp, mới lĩnh hội được mau lẹ những nét trội trong một cảnh huống, và diễn xuất một cách nhanh chóng, hồ như là tự nhiên".

Nhưng theo thời gian, thú chơi chữ từ thập niên 60 của thế kỷ trước chẳng còn mấy ai ưa chuộng. Đến nay, thú vui này dường như mất bóng trong đời sống người Việt. Tuy vậy, qua trang viết của Phùng Tất Đắc, độc giả có thêm một phần kiến thức, hình dung về thuật chơi này, có dịp tìm lại những bài thơ, câu đối “tập Kiều” trong quá khứ của cha ông. Để từ đó, mỗi người có thể nghiệm ra những ẩn ý sâu xa trong câu từ, ngôn ngữ tiếng Việt vốn giàu ý tứ.

Trong ghi chép của mình, Lãng Nhân sưu tầm, phân tích hàng chục bài chơi chữ khác nhau của nhiều người. Có khi là câu thơ bài vịnh của viên quan, lời đối của một nhà Nho hay thi sĩ nổi tiếng. Mỗi trích dẫn, Lãng Nhân đều căn cứ vào một câu chuyện, nguyên nhân ra đời bài chơi chữ. Sau đây là một ví dụ trong những ghi chép, sưu tầm đó của ông:

“Duy Tân bị đày, Khải Định lên kế vị. Dân đói, quan tham, bọn xu nịnh đua nhau làm tay sai cho Pháp. Một nhà Nho mượn cảnh vườn Bách thú để tả tình trạng ấy.

"Dưới dặng cây xanh, một dặng chuồng,
Mỗi chuồng nuôi một giống chim muông:
Khù khì vua cọp no nằm ngủ
Nhao nhác dân hươu đói chạy cuồng.
Lũ khỉ nhe răng bày lắm chuyện,
Đàn chim chẩu mỏ hót ra tuồng.
Lại thêm cầy cáo dăm ba chú
Hục hặc tranh nhau một nắm xương!

(Vịnh vườn bách thú)

Thơ tả chân thật đã như vẽ cảnh vườn Bách thú, nó là một bức tranh xã hội đương thời thu nhỏ lại, càng thu nhỏ càng rõ nét”.

Lãng Nhân tên thật là Phùng Tất Đắc, sinh năm 1907 tại Hà Nội. Thời niên thiếu ông học trường Bưởi, lớn lên ông có tư tưởng canh tân nhưng lại sống khá phong lưu. Năm 1954 Phùng Tất Đắc đưa gia đình di cư vào Nam và sau đó làm việc cho nhà in Kim Lai và Nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư. Tại đây in chủ yếu sách của ông và một số thân hữu như Đoàn Thêm, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Tạ Tỵ… Năm 1975 ông sang sống ở Cambridge (Anh) và mất năm 2008. Ngoài Chơi chữ, Lãng Nhân Phùng Tất Đắc còn có nhiều tác phẩm khác như: Trước đèn, Chuyện vô lý, Cáo tồn, Giai thoại làng nho, Hán văn tinh túy, Nguyễn Thái Học, Tôn Thất Thuyết…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật