Mật ngọt trên đỉnh Mã Pì Lèng

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giữa Thu, ở mảnh đất cực bắc của tổ quốc, trời như cao và xanh hơn. Nắng sớm trải dài trên những rặng núi đá trùng điệp. Trên đoạn đường hơn 20 km từ huyện Đồng Văn sang Vèo Vạc, qua đỉnh Mã Pì Lèng, chợt thấy những thảm bạc hà xanh ngắt mọc len lỏi tự nhiên trên các triền đá với những vạt hoa tím cánh nhỏ dịu dàng. Dưới kia, dòng Nho Quế như một sợi chỉ nhỏ uốn lượn lấp lánh…
Mật ngọt trên đỉnh Mã Pì Lèng
Ảnh minh họa

Nghe tôi kể đã từng lang thang ăn mèn mén ở phố cổ Đồng Văn, đi chợ tình Khau Vai ở Mèo Vạc, uống rượu ngô, ăn thắng cố ở cổng trời Quản Bạ…ông Phàn Giàng Páo - Phó Bí thư đảng ủy xã Sùng Chà, huyện Mèo Vạc vui ra mặt rồi vỗ vào vai tôi: "Nhà báo đi nhiều, biết nhiều, ăn được thắng cố, uống được rượu ngô, thế là sắp thành người Mông ta rồi… Bây giờ chỉ còn chưa biết mang cái khèn ra chợ tình thổi thôi… Chiều rồi, về nhà tôi uống rượu, rồi cần tìm hiểu cái gì tôi khắc nói cho mà biết."

Ngôi nhà 5 gian, mái lợp ngói máng đen, tường bằng đất nằm ở đầu bản, xung quanh có hàng rào đá bao bọc. Trước nhà là mảnh vườn với những cây mận, cây đào thân sù sì mốc thếch. Thấy Bố đưa khách về nhà, Sèo Mẩy cô con gái út vừa học xong cấp 3 ở trường huyện vội xuống bếp đun nước pha trà. Trong câu chuyện không đầu, không cuối, dần dà ông Páo cũng kể cho tôi nghe hết về lịch sử, phong tục tập quán của vùng cao nguyên đá, nơi ông sinh ra và lớn lên…

Đời sống của bà con Sùng Chà bây giờ thế nào? - Tôi hỏi. Nhấp một ngụm trà ông chậm rãi: Mấy năm trước, đời sống của bà con rất khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc. Nhưng bây giờ nhiều hộ gia đình đã có bát ăn bát để, mua được tivi, xe máy…Ấy cũng là nhờ có thiên nhiên ưu đãi rồi chính sách của nhà nước. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, ông giải thích: Cao nguyên đá Đồng Văn bao gồm 4 huyện vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang là Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn nằm trên độ cao gần 2000 m so với mực nước biển. Khí hậu ở đây vô cùng khắc nghiệt, mùa hạ thì nắng cháy khô hạn, mùa đông thì rét cắt da cắt thịt. Nhưng có một loài cây mọc tự nhiên khắp nơi, không ai gieo trồng lại có sức sống mãnh liệt và chỉ nở hoa vào dịp thu đông. Và dường như nó thách thức với đá, với rét, với khô hạn để tồn tại. Đó là những thảm bạc hà xanh tốt, với những cánh hoa nhỏ màu tím nhạt mọc xen kẽ với đá với tạo nên bức tranh thiên nhiên rực rỡ sắc màu. Hoa bạc hà chỉ to bằng đầu ngón tay út trong chứa các túi mật nhỏ li ti với hương thơm quyến rũ. Những con ong chăm chỉ, chắt chiu từng giọt mật, từng hạt phấn hoa về tổ tạo thành thứ mật đặc biệt: mật ong bạc hà. Loại mật này trong vắt, óng lên màu vàng xanh. Mùi mật thoang thoảng hương bạc hà thơm mát, vị ngọt êm dịu chứ không sắc đậm như các loại mật hoa khác. Sản phẩm đặc biệt này chính là là sự ưu ái tuyệt vời của thiên nhiên ban tặng cho con người ở cao nguyên đá và giúp bà con xóa đói giảm nghèo.

Trong câu chuyện với anh Mùa Mí Và một gia đình nuôi ong giỏi ở xã tả Lủng, Mèo Vạc được biết: Gia đình anh nuôi 30 đàn ong. Nếu thời tiết thuận lợi thì 5 đến 6 ngày có thể quay lấy mật một lần, mỗi lần quay một tổ ong trung bình cũng được khoảng một lít mật. Mỗi lít mật ong giá thị trường hiện nay khoảng từ 60 đến 70 ngàn đồng. Vì mùa hoa bạc hà thường kéo dài đến gần hết mùa Đông, nên tận dụng lợi thế của thiên nhiên, bà con chỉ nuôi ong lấy mật vào mùa hoa bạc hà. Người dân ở đây nuôi ong theo cách riêng, họ chỉ thu hoạch mật ong vào mùa hoa bạc hà. Hết mùa hoa, họ thả ong vào rừng để ong tự kiếm ăn và sinh đàn. Đến mùa hoa năm sau, họ lại vào rừng bắt ong về nuôi lấy mật. Loại mật ong tự nhiên nguyên chất này, từ lâu, đã trở nên đặc biệt quý đối với người tiêu dùng, lại càng quý khi mật ong nuôi công nghiệp tràn lan trên thị trường. Mật ong bạc hà của vùng cao Hà Giang trở thành sản phẩm hàng hoá có giá trị cao đem lại thu nhập cho người dân nơi đây.

Nói về tiềm năng và hướng phát triển trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Tuệ - Chủ tịch UBND huyên Mèo Vạc cho biết: "Nhận thấy thế mạnh của nghề nuôi ong lấy mật ở các huyện vùng cao núi đá, mấy năm qua, tỉnh Hà Giang đã có các chính sách hỗ trợ lãi xuất cho nhân dân vay vốn để phát triển đàn ong mật. Từ hình thức nuôi quảng canh, tự phát thì nay bà con đã dần có ý thức nuôi ong để phát triển kinh tế gia đình. Do đó, mấy năm trở lại đây, đàn ong mật của các huyện vùng cao tăng nhanh đáng kể. Nhiều hộ đã có 20 đến 40 đàn ong. Đến nay, 4 huyện vùng cao đã có trên 1 vạn đàn ong, tập trung chủ yếu vào hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc, mỗi huyện có trên dưới 4.000 đàn. Ngoài việc khuyến khích phát triển để tăng đàn, các ngành chức năng còn tổ chức cho đội ngũ cán bộ khuyến nông đến tận thôn bản phổ biến kỹ thuật nuôi ong cho bà con, giúp người nuôi ong vừa tăng sản lượng, vừa nâng cao chất lượng mật ong. Từ năm 2005, huyện Mèo Vạc đã thành lập HTX Tuấn Dũng và hỗ trợ HTX hướng dẫn cho bà con nông dân chuyển từ nuôi ong bằng đõ sang nuôi ong bằng thùng cầu, hướng dẫn cách lấy mật bằng cách quay cầu. Do vậy, chất lượng mật được nâng lên, đảm bảo nguyên chất, giữ được vị ngọt, thơm đặc trưng của mật ong bạc hà. Hợp tác xã đứng ra thu mua sản phẩm mật ong cho nhân dân các xã trong huyện và các vùng lân cận. Những hộ nuôi nhiều đàn, đến ngày quay mật, hợp tác xã cử người xuống tận nơi giúp quay và thu mua luôn mật ong thành phẩm. Đồng thời, HTX cũng đã xây dựng được đề án đăng ký nhãn mác cho sản phẩm với nhãn hiệu: "Đặc sản mật ong bạc hà - huyện Mèo Vạc", có mẫu chai đựng và hộp bảo vệ đúng quy cách. Cục sở hữu trí tuệ của Bộ khoa học và công nghệ đã cấp giấy đăng ký nhãn hiệu hàng hoá có mã số, mã vạch cho sản phẩm lưu hành trên thị trường. Hiện nay, ngoài sản phẩm mật ong nguyên chất đóng chai, huyện đang tiếp tục xây dựng dự án chế biến mật ong thành sản phẩm "Mật ong ngâm lòng đỏ trứng gà địa phương" và "Mật ong ngâm trứng gà và bột tam thất", để tạo ra sự đa dạng của "Đặc sản mật ong bạc hà - huyện Mèo Vạc" đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đây là bước đi thích hợp để sản phẩm từng bước mở rộng thị trường, vươn xa ra mọi miền đất nước.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật