Từ “Hoả sinh Thuỷ” đến trận phục thù của Thần Hạn hán

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nước là ngọn nguồn của sự sống, lửa làm chín thức ăn tạo trí khôn cho con người. Nhưng những tác động “chinh phục thiên nhiên” bất quy tắc bấy nay đã bộc lộ thành những biến động thảm khốc về thời tiết. Phá rừng, “đào sông xẻ núi, hoặc làm thuỷ điện tràn lan đã bộc lộ thành nguyên nhân của cả hạn hán lẫn lũ lụt. Chữ “thiên tai” dường như đã bị che khuất bởi từ “nhân họa”.
Từ “Hoả sinh Thuỷ” đến trận phục thù của Thần Hạn hán
Cháy rừng ở Nga.

Trận hạn hán thiên niên kỷ

Theo hãng thông tấn Nga RIA Novosti (1), hơn 700 người Moscow đã chết mỗi ngày, ông Adrei Selsovsky, đứng đầu ngành y tế của thủ đô nước Nga cho hay tại một cuộc họp báo vào những ngày nóng nhất giữa tháng Tám 2010. Nắng nóng bất thường và không khí ô nhiễm do cháy rừng, làm dân cư khó thở và chảy nước mắt đã dẫn đến thậm chí t‌ử von‌g cho các bệnh nhân tim mạch, đường hô hấp

Trẻ em là đối tượng gây lo lắng cho các chuyên gia y tế vì chúng chịu ảnh hưởng lớn nhất của cái nóng chưa từng có từ ngày nước Nga định hình cách đây một thiên niên kỷ, và lá phổi nhỏ bị “hun” trong một bầu không khí ngột ngạt, khét mùi cháy chưa từng được biết đến. Nhìn chung, cả thủ đô đã có hàng tuần hít phải khói độc, khí độc do cháy những cánh rừng trong tỉnh Moscow.

Và cảnh trong phim hợp tác Xô - Việt “Cóc kiện trời”, 1959.


Các kênh thông tin nước ngoài như Reuters, Guardian cho rằng, vì thủ tướng Putin không muốn người ta cho rằng các đám cháy đã trở thành một tai hoạ, các bác sĩ Nga đã bị doạ đuổi việc, nếu họ chẩn đoán nguyên nhân cho bệnh nhân phải đưa đi cấp cứu là do “nóng quá” hay “bị đột quỵ do nóng”, đài Tiếng vang Moscow (Echo of Moscow) xác nhận tin này (2).

Điều hẳn phải được rút ra trong đợt thiên tai khủng khiếp này, với người dân Nga, là “trời phạt”  đối với những hành động "chinh phục thiên nhiên” không cân nhắc hậu quả.

Nguyên nhân của cháy rừng ở Nga, theo viện trưởng viện các vấn đề nước trực thuộc viện hàn lâm khoa học Nga, Danilov – Danilian, là “quá trình tiêu diệt các đầm nước (boloto). Nó được bắt đầu từ thời Stalin và được tiếp tục dưới thời Khrushev và Breznev”.

Danilov – Danilian, từng là Bộ trưởng Môi trường và tài nguyên của Nga từ năm 1991 đến 1996, cho rằng các chính quyền trên đã làm khô cạn các đầm để cùng một lúc, khai thác nhiên liệu (than bùn – torph), mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp, và ... truyền bá ý thức hệ.

Hãng thông tấn Lenta.ru trích lời của Danilov – Danilian rằng, muỗi, rắn rết, ếch nhái ... từng bị cho là “đối tượng phản động”, và trên các đầm lầy không thể tiến hành các cuộc học tập chính trị và họp đảng, đoàn ...”(3)

Các nguồn tin ôn hoà hơn thì nhấn mạng rằng kể từ khi tìm được khí đốt ở phía Bắc nước Nga những năm 1950, việc rút nước khỏi các đầm lầy đã chấm dứt. Chính phủ Nga đã dự toán sử dụng trong ba năm từ 20 – 25 tỉ rúp (khoảng 800 triệu USD) để bơm nước trở lại vào các mỏ than bùn, cũng là các đầm lầy bị làm khô đã hơn nửa thế kỷ nay. 

Để so sánh, theo các nguồn chính thức của Nga, thiệt hại do đợt nắng nóng, cháy rừng vừa rồi được đánh giá là khoảng 450 tỉ rúp. thiệt hại này, theo các nhà quan sát, sẽ tăng lên, vì các quan đầu tỉnh (gubernator) của Nga đã vin vào lý do chữa cháy rừng và bơm nước đầy các đầm lầy để “xin” tiền ngân sách (4).

Các nhà bác học như Danilov – Danilian thì chỉ ra rằng lượng nước cần có để làm cân bằng độ ẩm của các đầm lầy như cũ sẽ nhiều hơn khối lượng nước mà dòng Vonga vẫn đổ ra biển hàng năm, thậm chí nhiều hơn cả lượng nước mà các dòng sông trên lãnh thổ châu Âu của nước Nga vẫn đổ ra biển (5). 

Những quân cờ đô mi nô của thần Khí hậu?


Cùng lúc, tại các nước châu Á như Trung Hoa, Pakistan, Ấn Độ, Bắc Triều Tiên ... lũ lụt hoành hành. Hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa. Chính phủ Pakistan cho rằng đây là trận lụt khủng khiếp nhất trong lịch sử nước này.

Còn cơ quan khí tượng thuỷ văn Trung Quốc cho rằng sau trận lụt được so sánh với thiên tai tương tự từng xảy ra ở đây mùa hè năm 1998, cướp đi hơn 4000 nhân mạng, nước này vẫn còn phải đối mặt với thời tiết vô cùng khắc nghiệt, thất thường trong thời gian tới. thiệt hại do thiên tai ở Trung quốc tính ở đầu tháng Tám là 52 tỷ nhân dân tệ (khoảng 5 tỷ euro) (6). 2,43 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 357 triệu USD) đã được Bắc Kinh chi cho công tác phòng chống lũ lụt và hạn hán (7).

Điều quan trọng hơn là một số nhà khoa học nước ngoài đã gắn hiện tượng nóng nắng bất thường ở Nga với lũ lụt ở châu Á.

Lụt ở Pakistan


Kevin Trenberth, chuyên gia phân tích của Trung tâm Khí tượng Hoa Kỳ (U.S. National Climate Centre) cho rằng: “ ... Nếu lưu chuyển khổng lồ của gió mùa hoành hành ở một nơi, hậu quả của nó sẽ bộc lộ cả ở những nơi khác”.

Ông cho rằng khi cháy rừng trở thành hiện tượng phổ biến, và không thể kiểm soát nổi, nhiệt độ không khí sẽ vượt xa giá trị trung bình của nó trong một thời gian dài. Như ở Nga vừa qua, dung sai này đã vượt quá ngưỡng 7 độ Celsius trong một thời kỳ khá lâu.

Không khí bị gió mùa đẩy lên lớp trên của khoảng không sẽ tìm đường đi xuống một vùng trời khác. Trong trường hợp nước Nga, sau khi khối gió mùa khổng lồ tạo nên tầng không khí mới trên bầu trời, các luồng áp suất cao được tạo ra, làm cho các đợt không khí nóng ào tới. Bên cạnh các tầng áp cao, không khí bắt đầu hạ xuống, cản trở các đám mây định hình.

Các hình thái lưu chuyển không khí này là thông thường, nếu không bị tăng cường bởi nhiệt độ cao của nước biển, mà một trong những nguyên cớ là hiệu ứng trái đất nóng lên.

Ví dụ, biển Bắc Ấn Độ đã ấm lên khoảng 2 độ Fahrenheit (khoảng 1,1 độ C) so với những năm 1970. Nước biển nóng làm thoát ra nhiều khí ẩm hơn lên thinh không, làm cho những cơn mưa gây bởi gió mùa tăng lên.

Trenberth còn chỉ ra sự liên hệ của hiện tượng El Nino gần đây như chu trình nóng lên của nước vùng nhiệt đới của khu vực trung tâm và phía tây của Thái Bình Dương, có thể cũng là nguyên nhân tăng nhiệt độ của nước biển Ấn Độ Dương.

Các chuyên gia có cùng một hướng tư duy với Trenberth có thể kể tên Jeff Masters, giám đốc về khí tượng của Trang điện tử Khí hậu ngầm (Weather Underground website), người cho rằng 2010 có thể là năm nóng nhất với nhiều nước, kể từ cuối những năm 1880.

Nhiều nhà bác học khác, như Rosanne D’Arrigo, giáo sư Đại học Tổng hợp Columbia, cũng gắn các thiên tai ở Nga và Pakistan như các đợt nóng, hạn hán, lụt lội vào dịp gió mùa, với hiện tượng nóng lên của quả đất.

Deke Arnt, đứng đầu Chi nhánh Giám định khí hậu của Trung tâm dữ liệu khí hậu Hoa Kỳ (National Climatic Data Center) cũng cho rằng các đám cháy có thể do các đợt gió mùa gây ra.

Càng nghèo, càng cơ cực

Gần đây, trời Moscow đã lạnh hơn, có mưa, nhưng người Nga luôn nhớ hơn rằng, than bùn dưới lòng đất luôn âm ỉ cháy để chờ dịp bùng lên. Vì đây đó trên đất nước Nga rộng lớn, nhiều cánh rừng đại ngàn vẫn đang bùng bùng cháy. Đã xuất hiện cả những dịch bệnh nhiệt đới như bệnh sốt do muỗi vùng sông Nile (!). 

An toàn lương thực quốc tế bị đảo lộn do tổng thống Putin đột ngột ra quyết định không xuất khẩu lúa mỳ (8). Nhiều nguồn tin phương tây tỏ ra sửng sốt trước quyết định này, vì Nga là một trong những nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên điều này cũng có thể đoán trước, vì vụ mùa vừa qua ở Nga, đến cả khoai tây cũng không mọc nổi. Truyền thông các nước đều lo lắng vì các biến động thị trường – giá cả do ảnh hưởng thiên tai liên tiếp trên toàn lục địa Á – Âu.

“Bà mẹ thiên nhiên đang xuống tay dữ dằn (Mother Nature is playing a very evil hand), và bao giờ cũng là những người nghèo phải khốn khổ, điêu linh nhất”, Peter McGuire, giám đốc của Công ty thị trường toàn cầu CWA Global Markets Pty nhận định trên tờ Bloomberg, chuyên phân tích các thông số biến động thị trường thế giới (9).

Ai đã “hô phong hoán vũ”?

Còn trung tâm dự báo khí tượng Trung Hoa cho biết nước này sẽ còn đối mặt, chí ít, với hiện tượng La Nina, ngược với El Nino mà ta đề cập ở trên. Nhưng vấn đề là nguyên nhân nào đã dẫn đến 28 tỉnh ở Trung quốc bị thuỷ thần (lũ lụt) thăm viếng, trong khi 2/3 tổng số thành phố lại bị “nữ thần hạn hán” ám ảnh?

Các nhà khoa học Trung Hoa nghiêng sang xu thế “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, không cho rằng hẳn mưa lụt đến từ “trời Tây”. Họ liệt kê một “núi” ẩn hoạ: mưa dai dẳng dẫn đến lở đất đá (10), nạn phá rừng từ thời “đại nhảy vọt” và xây dựng tràn lan các công trình thuỷ điện gây cả khô hạn lẫn lũ lụt (11). Các nhà quan sát nghĩ hiện tượng này là “nhân họa” hơn là thiên tai.

Đồng thời, sự kiện mực nước các sông Trường Giang/Dương Tử và sông Hán vừa qua cùng dâng cao ở mức báo động làm cho những nước láng giềng phía nam của Trung Hoa không khỏi liên tưởng đến hiệu ứng “thượng điền tích thuỷ hạ điền khan”, khi “vương quốc của thuỷ thần” các sông Hồng Hà và Mê Kông ngày càng bị cạn kiệt. 

Những nỗ lực “dời sông xẻ núi”, “hô phong hoán vũ”, làm nên các công trình thuỷ điện “siêu phàm” ở Trung Hoa, như đập Tam Hiệp, có tác động gây nghẽn dòng chảy tự nhiên của nước trong toàn vùng, theo các chuyên gia Việt Nam, “đã làm trầm trọng hơn mức độ cạn kiệt thiếu nước từ lưu vực phía Việt Nam” (12).

Thế cờ mới của Thần hạn hán?

Phân chia thế giới thành các biên giới quốc gia, biên giới biển ... là ý đồ của con người, đồng thời một số người đã luôn tìm cách thay đổi những địa giới này theo ý mình. Nhưng trên “bản đồ của ông Trời”,  thì mọi thứ chắc là khác. Ấy là nếu ta không nhớ đến những chuyện dân gian của các dân tộc về những trận hồng thuỷ và đại hạn.
 
 Trong mười bộ phim hoạt hình được ưa thích nhất ở Nga có kể tên phim “Cóc kiện trời” (tiếng Nga là Скоро будет дождь) (13). Bộ phim được các nhà điện ảnh Xô viết và Việt Nam xây dựng từ năm 1959 này thể hiện sự hoà quyện của trí thông minh với lòng dũng cảm.

Những đoạn Voi thương khóc bạn, nước mắt nó đủ cứu sống hai mẹ con cá Bống trong đầm khô cạn, Rắn thần dựng đuôi đỡ Gấu mẹ vụng về khỏi ngã từ trên trời xuống, các loài vật đoàn kết, đùm bọc nhau trong hoạn nạn, dũng cảm đấu tranh với các hung thần, Cóc dũng cảm đã phải khóc khi kể về sự cực khổ điêu linh của muôn loài do thiếu nước ... đã đi vào tâm tưởng nhiều thế hệ người Liên Xô cũ như những biểu hiện của nhân văn.

Nhờ những tác phẩm như phim “Cóc kiện trời”, các giai điệu như Yêu nhau cởi áo cho nhau, Se chỉ luồn kim, Trống cơm ... như vẫn quấn quít, ngân nga trong không gian hậu xô viết quanh. Khán giả cũng chìm vào những hoạ tiết từ tranh Việt cổ được thể hiện thật tinh tế trong phim.

Mụ Hạn hán rủ ông Trời “thấp cơ” đánh ván cờ “thiên tai”
Một nước “chiếu hết” của thần Hạn hán.


Thần Hạn hán “giam” nước trên mặt đất vào một cái “đập” ở gần Thiên môn (Cổng nhà trời)
Lên đến thượng giới, Cóc tố cáo sự “quan liêu, thiển cận” của ông Trời.

 
 Người xem kinh ngạc về sự hời hợt, nhu nhược mà phiêu lưu, của “ông Trời”. Người nước ngoài hẳn đã phấn khích khi xem đoạn con Cóc nhỏ bé dõng dạc dóng trống trên thiên đình, như để công báo nền độc lập giành được qua đấu tranh của một dân tộc bất khuất. Có chuyên gia Liên Xô từng gọi “đùa” màn kịch chiến chống quân Thiên đình trong phim là “tác chiến bằng ba thứ quân” của Việt Nam ...

Và chắc ai cũng nhớ đoạn khi ông Trời phân trần là đã hết cách, vì đánh cờ thua cả Nước dưới trần gian lẫn Mưa trên trời, Cóc hỏi: “Thế còn mây dông (туча)?”. Trời đã kinh ngạc vì trí khôn của Cóc, phán “Tuyệt vời (Замечательно)”. 

Cư xử trang nhã của “đoàn đại biểu” của Hạ giới trên thiên đình, sau khi đánh bại các thế lực xấu bằng cả sức mạnh và mưu trí, gợi nhớ câu Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời một đại diện quốc phòng – an ninh phương Tây, “Chiến lược của tôi là hoà bình”...

Nhưng các khán giả trẻ có thể dự liệu rằng, cả mây dông, mây mưa, mây tuyết ... sẽ trở thành đối tượng bị giam giữ trong ván cờ mới của “thần Hạn hán” vào đầu thiên niên kỷ này? Phim “Cóc kiện trời” cho thấy ông Trời giấu các đám mây ngũ sắc hình chim, thú, trong một bông sen lớn ...

Hôm nay, nhìn lại những thiên tai nào mà thực chất là “nhân họa” của thiên niên kỷ mới, hy vọng rằng tri thức, lòng dũng cảm, và niềm tin vào công lý, như trong chuyện dân gian Việt Nam, sẽ vẫn đồng hành cùng giới trẻ trong đấu tranh chống thiên tai, địch họa.

Chú thích:

  1.http://en.rian.ru/russia/20100809/160126534.htm

  2.http://www.echo.msk.ru/news/701634-echo.html

  3.http://www.lenta.ru/news/2010/08/11/fires/

  4. http://www.vremya.ru/2010/142/4/259596.html 

  5.http://media.rin.ru/news/256715/

  6.http://phapluatxahoi.vn/20100802080744855p1003c1036/trung-quoc-nguyen-nhan-khien-tham-hoa-sinh-thai-ngay-cang-tang.htm

  7.  www.nea.gov.vn/.../TrungQuốcđốimặthiệntượngthờitiếtthấtthường.aspx

  8.  http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2010/08/05/AR2010080502470.html

 9. http://www.businessweek.com/news/2010-08-06/mother-nature-playing-an-evil-hand-of-global-natural-disaster.html

10.  People’s Daily Online, August 09, 2010

11. http://shanghaiist.com/2010/08/11/gansu_landslide_another_manmade_dis.php

12.  http://dantri.com.vn/c20/s20-389754/nhieu-kha-nang-song-hong-tiep-tuc-lap-ky-luc-can-kiet-moi.htm

13. http://www.stopsnyato.ru/1535182_Skoro_budet_dozhd.html
http://www.afisha.ru/movie/196655/

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật