Chiêm ngưỡng linh phẩm “Hồn thiêng sông núi“

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sáng ngày 10/9, Trung tâm Gỗ Nghệ thuật Âu Lạc (Quảng Nam) đã giới thiệu bộ tác phẩm điêu khắc dâng lên đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội mang tên “Linh phẩm Hồn thiêng sông núi”.
Chiêm ngưỡng linh phẩm “Hồn thiêng sông núi“
Chiêm ngưỡng linh phẩm "Hồn thiêng sông núi"

Đây là bộ sản phẩm của hai nghệ nhân nổi tiếng Trần Thu và Nguyễn Viết Linh được chế tác từ nguyên liệu gỗ nguyên khối, lấy ý tưởng từ lịch sử dân tộc Việt ngàn năm vừa hào hùng, lại vừa có ý nghĩa sâu sắc với tinh thần đoàn kết cộng đồng, miền ngược với miền xuôi, là huyết mạch cội nguồn trăm họ.

Bộ Linh phẩm “Hồn thiêng sông núi” của ông bao gồm 9 sản phẩm (Cửu độc Huyền), là câu chuyện về lịch sử, văn hoá, triết học, đạo học và là mảnh vỡ của tinh hoa văn hoá cội nguồn. Bắt đầu là câu chuyện về cội nguồn với tác phẩm mang tên “Đồng Bào” với quả trứng hình elip đặt trên đế vuông tượng trưng cho trời-đất, vừa thể hiện giao hòa âm dương của linh phẩm. “Đồng Bào” được chạm nổi phù điêu chim phượng, miệng ngậm Lạc thư và phù điêu rồng được chạm trổ tỉ mỉ từ vảy, vây, móng, mắt… Bên trong linh phẩm được khoét rỗng và được trang trí nhiều sắc màu, muốn nhìn được bản đồ nước Việt trên đỉnh trứng phải quì gối xuống nhìn xuyên qua một lỗ nhỏ, lúc đó việc chiêm ngưỡng tác phẩm sẽ tiến hành như một lễ nghi, gọi là “kiến sơn hà xã tắc”.

Những truyền thuyết Lạc Long Quân, Âu cơ và nguồn cội dân tộc Việt Nam được nghệ nhân thổi hồn vào sản phẩm điêu khắc “Đồng Bào”.

Điểm nhấn lớn nhất trong buổi ra mắt Linh phẩm là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiếc áo choàng phong sương và đậm chất nghệ sỹ. Hình ảnh Bác trong dáng vẻ đăm chiêu nhưng thư thái, khắc khổ mà minh triết. Chân dung Bác sống động trong từng khối, nét tinh tế, như lột tả được vẻ đẹp tâm hồn cao quý của một lãnh tụ vĩ đại…

Hình ảnh Bác trong chiếc áo choàng phong sương... 

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đương đại trong tà áo dài truyền thống và cũng chính là hình ảnh Mẹ Âu Cơ trong buổi đầu lập Quốc được thể hiện trong tác phẩm “Việt nữ”. Trên tay Việt nữ là Quốc hoa Dân tộc, chính giữa quốc hoa là tượng hình bọc trứng - điểm khởi nguyên của con Lạc cháu Hồng. Đôi chân trần Việt nữ là hàm ý của sự dấn thân, nhưng vẫn thanh khiết trong trí huệ, tình yêu thương và sáng ngời đức hạnh. Bục Việt nữ là bộ hoa văn công – dung – ngôn - hạnh, là chuẩn mực của người phụ nữ trong mọi thời đại. 

Nhị độc Huyền nữ và hình ảnh người phụ nữ Việt Nam 

Hồn nhiên như tư duy con trẻ, nhưng chứa chất đầy ắp thông điệp về tinh thần tự tôn, truyền thống hòa hiếu…của dân tộc ngàn đời nằm trong tác phẩm “Thiên Thư”. Bọ ngựa là hình ảnh gần gũi với trẻ con vùng nông thôn Việt Nam, được biết đến với cái tên ngộ ngĩnh “ngựa trời” - trong cấu trúc độc đáo của tạo hoá. Không biết từ đâu mà trong dân gian truyền rằng, khi nhìn thấy ngựa trời thì quệt cho 1 cục vôi để ngựa mang về trời. Từ đó trong suy nghĩ trẻ thơ, bọ ngựa là ngựa của ông Trời. Truyền thuyết thánh Gióng làm tâm hồn trẻ thơ có sự liên tưởng giữa ngựa trời và ngựa của thánh Gióng lúc bay về trời.

"Thiên thư" và truyền thuyết Thánh Gióng...

Từ cách nghĩ, cách nhìn, cách liên tưởng rất đỗi hồn nhiên ấy mà tác phẩm “Thiên Thư” lần nữa khẳng định tinh thần độc lập dân tộc, truyền thống đánh giặc ngoại xâm vốn in sâu trong tâm thức từ thuở lên 3 của con dân đất Việt, như là 1 quy luật tất yếu của lịch sử - mà Sách Trời đã định. Đó là hình ảnh cậu bé tóc chỏm trái đào ngồi lật lại “Thiên Thư” trong sự bình thản hồn nhiên, bên cạnh là cành tre thân thuộc mà Thánh Gióng còn muốn mang theo sau khi hoàn tất sứ mệnh với người dân nước Văn Lang.

Tác phẩm “Thiên Thư” là 1 xâu chuỗi lịch sử đánh giặc ngoại xâm từ thuở An Dương Vương (Nỏ thần) đến triều đại của Lý Thường Kiệt, thần Kim Quy (Lê Lợi), và đến thời đại Hồ Chí Minh - với chiến thắng Điện Biên Phủ, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Tac phẩm "Độc bình"... 

Tác phẩm “Hoàn Kiếm” với rùa thần nhân lúc đất nước đã thái bình tìm vua Lê đòi kiếm được đánh giá là minh triết và lịch lãm trong tư duy của hai nghệ nhân Trần Thu và Nguyễn Viết Linh. Theo truyền thuyết, Vua Lê Lợi nhờ thanh bảo kiếm mà đánh đuổi được giặc Minh, giữ yên bờ cõi. Lúc nhà Vua dạo chơi bên hồ, Rùa thần hiện lên trong sóng gió, Nhà Vua tưởng là thuỷ quái rút bảo kiếm vung tay định chém, nhưng lạ thay, thanh bảo kiếm bất thần rơi xuống nước, Rùa thần ngậm kiếm lặn sâu: Đột nhiên Nhà Vua ngộ ra thiên ý “lúc nước loạn thì dùng pháp trị, lúc thái bình thì dùng đức trị”… Lẽ nào nhà Vua anh minh lại không hoàn trả cả bao kiếm chăng? Hình ảnh chiếc bao kiếm chạm rồng cuộn trong sóng nước trôi theo Rùa thần là thể hiện cái đạo trị quốc của tổ tiên ta. Rùa còn là biểu tượng của trường thọ, sự trường tồn, là bề dày văn hoá của dân tộc.

"Hoàn kiếm" và hình tượng thần Kim Quy ... 
“Không một đối tượng, không một lĩnh vực cốt lõi nào thiếu vắng. Từ huyền sử đến sử ký, từ vật biểu đến thần minh. Từ lạc thư đến tam tài, từ văn minh mẫu hệ đến văn minh nông nghiệp. Từ chí sĩ đến nghệ sỹ, từ trẻ tới già, từ trai tới gái. Từ đạo lập quốc tới đạo cứu quốc,  từ đạo trị quốc đến đạo dưỡng quốc, cuối cùng con người là chiếc cầu nối giữa thiên với địa, xưa với nay, thịnh với suy, sinh với diệt…Tất cả nguyện vào nhau 1 cách tinh tế, chính xác trong từng ý nghĩa và nghệ thuật biểu đạt. Mỗi tác phẩm khi đứng riêng lẻ là độc huyền cầm không dây, khi hợp lại thì thành linh phẩm cửu huyền cầm, ngân lên khúc nhạc tình dân tộc, chở bao khát vọng cội nguồn - tri ân hồn thiên cổ”, nghệ nhân Trần Thu tâm sự.

Ngoài ra, bộ linh phẩm “Hồn thiêng sông núi” còn tạo những bất ngờ này tới bất ngờ khác với các tác phẩm còn lại như “Tre Việt”, “Điều chưa nói”, “Thanh âm ngày hội”, “Vệ nữ”, “Đại bình kiến quốc”…
Linh vật "Thanh âm ngày hội "..
Đại Bình kiến quốc 
Độc huyền Tre Việt.. 

Sau buổi giới thiệu này, Linh phẩm Hồn thiêng sông núi sẽ được gửi ra Hà Nội tham gia đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật