Trâu có 8 chân, 4 tai, 2 đuôi: Hiếm gặp, khó sống

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhận định về trường hợp hi hữu con trâu 8 chân, 4 tai và 2 đuôi ở Quảng Ngãi, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này rất có thể là do vùng đất đó đã bị nhiễm Dioxin hoặc các chất độc trong nông nghiệp, môi trường ô nhiễm…
Trâu có 8 chân, 4 tai, 2 đuôi: Hiếm gặp, khó sống
Con trâu 8 chân, 4 tai và 2 đuôi.

Hiện tượng chưa từng gặp

GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam nhận định, đây là hiện tượng chưa từng gặp từ trước đến nay ở Việt Nam. Sau Giải Phóng Miền Nam, ở một số địa phương phía Nam thỉnh thoảng có xuất hiện những chuyện lạ như con bò 2 đầu ở Thừa Thiên Huế và con trâu 2 đầu ở TP.HCM. Hiện ở Công viên Đầm Sen (TP.HCM) còn có một phòng trưng bày những sinh vật quái lạ, hiếm gặp kiểu như thế này.

GS Võ Quý, Chủ tịch hội Sinh thái học Việt Nam cũng cho rằng đây là hiện tượng rất hiếm gặp. Con trâu có 8 chân, 4 tai và 2 đuôi thì cũng giống như một số trường hợp trẻ em song sinh bị dính nhau ở người. Những trường hợp này, đa số là do nhiễm chất độc Dioxin hoặc một loại độc tố cực mạnh nào đó. Trâu nhà mà đẻ ra có đến 8 chân là một hiện tượng rất lạ trong thế giới động vật, hiếm có trên thế giới và lần đầu tiên ở Việt Nam.

“Tôi đã từng khảo sát rất nhiều vùng bị chất độc hóa học Dioxin sau chiến tranh, phần lớn những trường hợp quái thai đều xảy ra ở vùng này, Quảng Ngãi cũng là vùng bị nhiễm chất độc hóa học Dioxin”, GS Võ Quý cho biết.

Khó sống


Theo các chuyên gia, khả năng để con trâu lạ này sống sót là rất khó. Từ trước đến nay, những con vật được coi là dị hình như thế này chỉ sống được trong khoảng vài ngày là chết.

GS Võ Quý cho rằng, nếu con trâu này vẫn ăn và bú sữa được như bình thường, nghĩa là bộ phận tiêu hóa bên trong cũng không bị dính vào nhau, thì nó có thể sống được lâu hơn. Tuy vậy, chắc chắn là tuổi thọ cũng không kéo dài.

Đồng quan điểm, GS.TS Đặng Huy Huỳnh cũng nhận định khả năng sống sót của trâu 8 chân là rất khó bởi đây gần như là do đột biến, các bộ phận không hoạt động bình thường. Ngay cả đối với con người, có sự can thiệp của y học hiện đại thì khả năng sống sót của những em bé bị dính đôi cũng là rất nhỏ. Trường hợp này xảy ra ở các loài vật nuôi thì xác xuất còn nhỏ hơn nhiều.

Theo các chuyên gia, để biết được nguyên nhân chính xác của hiện tượng hi hữu này thì cần phải có những nghiên cứu toàn diện. Cần biết chính xác con trâu mẹ được nuôi như thế nào, sống trong môi trường nào, quá trình giao phối ra sao, môi trường sống có ô nhiễm không… thì mới khẳng định nguyên nhân là do biến đổi gen hay do môi trường.

“Tuy nhiên, ngay cả khi nguyên nhân được xác định là do biến đổi gen, biến dị trong tế bào thì nó cũng phải do tác động nội sinh và ngoại sinh mới tạo ra con vật như vậy. Nghĩa là kiểu gì cũng phải có yếu tố môi trường”, GS.TS Đặng Huy Huỳnh khẳng định.

Môi trường sống có độc tố


Nhận đinh về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lạ này, các chuyên gia cho biết có rất nhiều khả năng, song cũng có thể “khoanh vùng” những khả năng dễ xảy ra nhất. GS.TS Đặng Huy Huỳnh cho rằng, Minh Long là một huyện miền núi của Quảng Ngãi, dọc theo dãy Trường Sơn, nên rất có thể vùng này đã bị nhiễm chất độc hóa học.

Các chuyên gia kiến nghị, sở KH&CN, TN&MT Quảng Ngãi cần vào cuộc để có nghiên cứu cụ thể về hiện tượng này. Trường hợp con vật không sống được thì phải có các biện pháp bảo quản để tiếp tục nghiên cứu làm rõ nguyên nhân tại sao. Trường hợp con trâu bị chết thì phải giữ lại mẫu vật. Từ việc nghiên cứu ở con trâu lạ, cần phải nghiên cứu cả đất đá, cây cối, môi trường sống… ở vùng đó. Xem các loại động vật khác ở vùng đó có bị ảnh hưởng không, tác động đến con người như thế nào…

GS Võ Quý khẳng định: “Cần phải xem vùng đó có nhà máy nào xả thải không, có thuộc tâm điểm rải chất Dioxin không, việc sản xuất nông nghiệp vùng đó thế nào, có lạ‌m dụn‌g quá nhiều thuốc trừ sâu hay không… Tôi cho rằng môi trường vùng đó thế nào cũng có vấn đề, có độc tố, cần phải tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật