Thí sinh phải xem xét kỹ trước khi chọn ngành thi trong năm 2018

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong Quy chế tuyển sinh năm 2018 của Bộ GD&ĐT có khá nhiều điểm mới. Các thí sinh cần tỉnh táo phân tích, chọn lựa, để tránh nhầm lẫn.
Thí sinh phải xem xét kỹ trước khi chọn ngành thi trong năm 2018
Thí sinh thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2017 tại TPHCM.

Điểm mới được nhiều người quan tâm hiện nay chính là việc Bộ GD&ĐT không quy định chung ngưỡng đảm bảo chất lượng cho các trường như năm 2017 trở về trước.

Như vậy từ năm nay, các trường được trao quyền để tự xác định mức ngưỡng này tùy theo tình hình tuyển sinh thực tế.

Theo Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Cao đẳng Bách Việt, đây là tín hiệu đáng mừng vì như vậy các trường sẽ chủ động hơn rất nhiều so với trước kia.

Tuy nhiên, muốn làm tốt điều này đòi hỏi sự trung thực của các cơ sở giáo dục đại học để cung cấp thông tin chính xác nhất đến với thí sinh, phụ huynh. Nếu không sẽ xuất hiện trường hợp trường quy mô nhỏ nhưng vẫn tìm cách tuyển sinh thật nhiều, ảnh hưởng đến quyền lợi của người học.

“Ví dụ như năng lực đào tạo của trường đó chỉ khoảng 1.000 chỉ tiêu nhưng khi được giao quyền tự chủ, có thể người ta sẽ tuyển sinh nhiều hơn. Khi tuyển hơn như vậy thì điều kiện từ giảng viên đến cơ sở vật chất sẽ khó mà đảm bảo. Người học vào những trường như vậy nếu không đạt được chất lượng đào tạo như mong muốn thì coi như đã bị lỡ thời gian theo học tại trường đó”- Tiến sỹ Trần Mạnh Thành phân tích.

Cũng từ năm nay, việc xét tuyển của các trường dự kiến sẽ được thực hiện chi tiết hơn với quy định làm tròn điểm xét tuyển đến 2 chữ số thập phân.

Việc này sẽ giúp các trường tránh phải áp dụng nhiều tiêu chí phụ trong quá trình xét tuyển. Tuy nhiên, sẽ khá vất vả về khâu kỹ thuật nhằm giúp các trường có được sự ước lượng phù hợp nhất để gọi thí sinh nhập học cho sát với chỉ tiêu.

Một điểm mới đáng lưu ý khác là năm nay, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đại học phải công bố nhiều nội dung bắt buộc khi chốt đề án tuyển sinh. Trong đó, tất cả các trường đều phải công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Ông Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM cho rằng, đây là điểm sáng trong mùa tuyển sinh năm nay. Thế nhưng, thí sinh và phụ huynh cần hết sức lưu ý trong việc thu thập, xử lý thông tin từ con số thống kê mà các trường đưa ra.

Hiện nay vẫn còn tình trạng thí sinh nhầm lẫn giữa độ “hot” của ngành nghề đào tạo với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Nếu không đầu tư nghiên cứu từ sớm để đưa ra quyết định đúng đắn thì sự lãng phí trong giáo dục là khó tránh khỏi.

Theo phân tích của ông Phạm Thái Sơn, nếu thí sinh chỉ đánh giá tình hình dựa trên số liệu các trường công bố thì rất dễ chọn sai ngành, vào sai trường. Việc một ngành ở một trường nào đó có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm thấp hay cao chưa thể đánh giá chính xác tổng quan xu hướng ngành nghề.

“Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm ít của một số trường chỉ có thể phản ánh một điều là trường đó có thương hiệu về ngành đó hay không chứ không nói lên xu thế về ngành nghề được. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp tại các trường chỉ giúp cho sinh viên trong việc quyết định nên chọn trường như thế nào thôi chứ không phải là cơ sở chính để hỗ trợ thí sinh trong việc chọn ngành. Điều này rất quan trọng”- ông Phạm Thái Sơn cho biết.

Cùng suy nghĩ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lê Quan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia TP HCM cho rằng, vấn đề quan trọng nhất vẫn là sự tự lượng sức của thí sinh đối với các nguyện vọng mà bản thân muốn đăng ký.

Việc tham khảo các kênh tư vấn sẽ giúp thí sinh có thêm
nhiều thông tin trước khi đưa ra quyết định chọn trường, chọn ngành.

Thông qua nhiều kênh khác nhau như tham khảo thông tin các trường, tham gia các ngày hội tuyển sinh, nhờ chuyên gia, thầy cô tư vấn, thí sinh sẽ biết mình mạnh mảng nào, nên vào ngành nào để không bỏ cuộc giữa chừng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lê Quan cho biết: “Thí sinh phải xem xét thật kỹ để chọn đúng ngành học mà bản thân thực sự yêu thích. Tránh trường hợp chúng ta trúng tuyển đại học vào một ngành không yêu thích trong khi ngành yêu thích thì xếp vào thứ tự thấp hơn. Như vậy rất dễ dẫn đến việc các em không học lâu dài và sức học của các em sẽ khó theo kịp các bạn”.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trước ngày 20/3, các trường đại học sẽ phải công bố đề án tuyển sinh. Từ ngày 1/4, thí sinh sẽ bắt đầu đăng ký dự thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 và đăng ký xét tuyển đến hết ngày 20/4. Do vậy, đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc của cả thí sinh và phụ huynh ngay từ bây giờ

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật