Nguyễn Tư Nghiêm và tranh con giáp

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trải qua hơn 75 năm cầm cọ, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã sáng tác hàng ngàn bức tranh, trong đó có nhiều tác phẩm giá trị, đã được trao tặng những giải thưởng lớn...
Nguyễn Tư Nghiêm và tranh con giáp
Tranh con giáp của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm

Độc đáo tranh con giáp

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm một trong những cánh chim đầu đàn, có những đóng góp lớn lao, góp phần tôn vinh nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông là một trong nhóm “Tứ kiệt Hội họa Việt Nam” thế hệ thứ hai: “Sáng - Liên - Phái - Nghiêm”.

Trong phiên đấu giá tại Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn’s (Hà Nội) có chủ đề “Những tác phẩm hội họa đặc biệt của hai bộ tứ trụ hội họa Việt Nam: “Trí - Lân - Vân - Cẩn”, “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái” vào ngày 30/7/2017, tranh “Con Giáp” (bột màu 29x33cm) của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm được nhà sưu tập Lê Đình Chiến sở hữu với mức giá 16.000 USD (gấp đôi với giá khởi điểm).

Tranh con giáp của Nguyễn Tư Nghiêm ra đời từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Đầu tiên, ông vẽ nhằm để tặng bạn bè trong dịp Tết, hoặc đôi khi bán cho cửa hàng lưu niệm lấy tiền mua vật liệu sáng tác. Hầu hết 12 con giáp của ông được thể hiện bằng chất liệu bột màu, với những hình thái dũng mãnh, uyển chuyển, ngộ nghĩnh... Mỗi con vật tiêu biểu cho tính cách của con người.

Cách xử lý bố cục ấn tượng, ngay từ đầu dụng ý của Nguyễn Tư Nghiêm là chỉ đặt một đối tượng duy nhất, ông lược bỏ hoàn toàn yếu tố ngoại cảnh để con vật tràn lấp trong khung hình, chuyển động như các họa tiết điêu khắc trong đình làng cổ - một họa pháp nổi bật. Mặt khác, nét vẽ được cô đọng, tĩnh từ tư thế tới nội dung. Tất cả biểu lộ một loài vật trung thành, thông minh, có cảm xúc đồng điệu với con người, gắn liền với đời sống người Việt hàng ngàn năm nay.

Chẳng hạn ở bức tranh chú chó, họa sĩ khắc họa chú chó trong tư thế canh gác vững chãi, bốn chân đứng thẳng, đuôi dựng cao, đôi mắt khuất trong bóng tối. Hình thái trong tác phẩm có sự cách điệu rõ nét, họa sĩ giản lược hình ảnh thật, phân lập đối tượng thành các khối chuyển động theo nhịp.

Họa sĩ Đỗ Phấn . Được trực tiếp nghe họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm giảng giải về những tranh con giáp mới thấy kiến thức về vận hành vũ trụ và nhân sinh theo quan niệm nho gia của ông hết sức mạch lạc tinh tường. Ông đã áp dụng kiến thức ấy vào hầu hết tác phẩm của mình một cách nhuần nhuyễn đến không còn dấu vết.

Người xem chỉ có thể cảm nhận được một không khí nhiệm mầu lung linh tỏa sáng bên ngoài tác phẩm của ông mà không thể giải thích. Nói cách khác, ông đã cung cấp cho chúng ta một thế giới để yêu thương, trân trọng, khoan hòa và can đảm sống.

Tấm gương lao động nghệ thuật

Trải qua hơn 75 năm cầm cọ, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã sáng tác hàng ngàn bức tranh, trong đó có nhiều tác phẩm giá trị, đã được trao tặng những giải thưởng lớn, như: Giải nhất Triển lãm Duy nhất (Salon Unique - 1944); Giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc các năm 1948, 1951, 1957, 1990; Giải thưởng chính thức Triển lãm quốc tế Sôphia (Bungari - 1985)… Năm 1996, Nguyễn Tư Nghiêm đã được trao tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật” đợt I.

Đến tận những năm tháng cuối đời, khi đã ngoài 90 tuổi, Nguyễn Tư Nghiêm vẫn là tấm gương lao động nghệ thuật bền bỉ, sáng tác không mệt mỏi. Tranh của ông thể hiện những nét đặc trưng rất riêng biệt, hòa quyện của văn hóa dân gian với kỹ thuật tạo hình độc đáo của hội họa hàn lâm châu Âu, sự kết hợp giữa quá khứ và hiện đại.

Đặc biệt, trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tư Nghiêm, ông còn được biết nhiều đến Tranh con giáp trên giấy dó. Đó là hình ảnh những đàn gà, đàn lợn, rồng ổ, mèo ngoạm cá, voi, ngựa, dê, chó... mang đậm nét điêu khắc dân gian đi vào tranh ông tự nhiên như hương đồng gió nội, như ngày một lấp dần khoảng cách yêu cầu thẩm mỹ mới của thời đại.

Nhà nghiên cứu phê bình Mỹ thuật Nguyễn Hải Yến kể lại: Nhớ lại mấy chục năm về trước, cứ đến những ngày cuối tháng Chạp Âm lịch, bộ tứ nghệ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái lại gặp nhau ở quán cà phê Lâm số 60 Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội, bàn chuyện ăn Tết. Câu chuyện của họ thật giản dị, không có mục ăn mà chỉ có mục thưởng thức hương vị Tết xưa.

Một lần, tôi cũng được hân hạnh ngồi nghe các vị thưởng thức hương vị Tết trong cái rét ngọt Hà Nội những ngày cuối Đông ảm đạm. Ấy vậy mà mọi người đều trăn trở nhớ tiếc những vẻ đẹp xưa trong ký ức dội về. Hình dung bức tranh quê ấm áp dung dị từ ký ức nghệ sĩ tuôn trào trên tranh đã trở nên gần gũi.

Bà Hải Yến nhớ rõ: Bộ sưu tập tranh con giống lớn nhất của Nguyễn Tư Nghiêm được công bố vào mùa Xuân năm Mậu Thìn 1988 tại Hà Nội gồm 42 tác phẩm sáng tác vào những năm 60, 70, 80. Đầy đủ tất cả các con vật của 12 cung: Tý (chuột), Sửu (trâu), Dần (hổ), Mão (mèo), Thìn (rồng), Tị (rắn), Ngọ (ngựa), Mùi (dê), Thân (khỉ), Dậu (gà), Tuất (chó), Hợi (lợn) bằng bột màu. Kích thước bức tranh vừa phải cỡ 36x50cm, hồn nhiên, thanh thoát, biến ảo, đôi chút đủng đỉnh nhàn tản như chính cuộc sống trong tâm thức Nguyễn Tư Nghiêm vậy.

Còn họa sĩ Thu Giang vợ của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm cho biết, mặc dù là bậc thầy hội họa, cặm cụi vẽ tranh nhưng hễ có ai đến xin là cho hết… Hơn 20 năm làm vợ họa sĩ, bà đã sưu tập cho chồng kho tàng tranh lên tới hơn 300 bức. Những bức tranh ông vẽ tặng hoặc đặc biệt thích, ông luôn đề rõ góc trái, mặt chính tác phẩm, bằng bút vẽ: "sưu tập Thu Giang". Đó vừa là khẳng định tình cảm sở hữu, vừa là "nhắc nhở" bà phải giữ, không được bán, dù ai trả giá nào. Với bà, đó là di sản không của riêng ai mà thuộc về thế hệ mai sau.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật