Sôi động lễ hội mùa xuân các dân tộc tỉnh Gia Lai

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 23/2, tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã tổ chức lễ hội mùa xuân các dân tộc tỉnh Gia Lai. Đây là năm đầu tiên mà Gia Lai tổ chức lễ hội mùa xuân với sự tham gia của nhiều dân tộc anh em như:Jrai, Banar, Tày, Nùng, H’Mông, Thái…
Sôi động lễ hội mùa xuân các dân tộc tỉnh Gia Lai
Những thiếu nữ dân tộc Thái vừa múa vừa nhảy Sạp trong lễ hội mùa xuân.

Theo đó, việc tổ chức Lễ hội mùa xuân các dân tộc tỉnh Gia Lai 2018 nhằm hướng đến mục tiêu bảo tồn những di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc hiện đang sinh sống và xây dựng trên mảnh đất Gia Lai tươi đẹp.

Qua đó, tạo thêm một không gian du xuân vui tươi, lành mạnh trong dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất cho nhân dân trên địa bàn và du khách. Sự kiện này còn là thông điệp kết nối cộng đồng, tăng cường tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc đang cùng “chung lưng, đấu cật” xây dựng và bảo vệ vùng đất biên cương phía tây của tổ quốc.

Lễ hội mùa xuân các dân tộc tỉnh Gia Lai 2018 là sự hội tụ của nhiều hoạt động văn hóa trình như: Cồng chiêng Tây Nguyên; múa khèn của người H’Mông (định cư ở xã Ya Hội, huyện Đak Pơ); múa xòe và hát giao duyên của người Mường, múa cấp sắc và hát then, đàn tính của người Tày, người Nùng (định cư ở xã Ia Lâu, huyện Chư Prông); Múa sạp của người Tày, Nùng, Mường, Thái…nghề dệt truyền thống của người Sán Chỉ (định cư ở xã Lơ Ku, huyện Kbang); Trình diễn nặn tò he, viết thư pháp đầu xuân của người Kinh… cùng các trò chơi dân gian vui nhộn như: ném còn, trèo cây lấy thưởng, giã gạo, cà kheo, kéo co…

Sau đây là chùm ảnh lễ hội các dân tộc tỉnh Gia Lai được PV báo Pháp Luật Plus thực hiện:

Một tiết mục biểu diễn đàn Tính của thanh niên dân tộc Tày.

Ngoài giao lưu trong các trò chơi, thanh niên các dân tộc anh em còn thể hiện nét âm nhạc đặc sắc của dân tộc mình, làm sôi động lên âm vang mùa xuân nơi đây và cũng góp phần gìn giữ nét văn hóa của ông cha để lại.

Một tiết mục nhảy sạp của thanh niên Tày, Nùng trong buổi khai hội.

Không những đem nét văn hóa của dân tộc mình ra giao lưu mà các thanh niên còn giao lưu, giao duyên với các bạn trên quê hương mới. Từ sự giao thoa văn hóa, sự giao duyên của các dân tộc anh em làm đặc sắc thêm dòng chảy văn hóa của dân tộc Việt trên Tây Nguyên.

tiết mục Cồng, chiêng của đồng bào Jrai, Bana tại lễ hội.

Giữa âm vang tươi mới của mùa xuân, vang lên một khúc tấu chiêng, một chuỗi tiếng cồng như mời gọi chúa xuân, sắc xuân và âm hưởng mùa xuân về với núi rừng Tây Nguyên.

Thiếu nữ Banar múa theo tiếng cồng, chiêng.

Ngoài giao lưu văn hóa, giao duyên, thi thố về văn nghệ... mà mọi người còn được sẻ chia nhưng món ăn đặc sắc của văn hóa các đồng bào khác nhau sinh sống trên Tây Nguyên. Đến đây ai cũng được hòa vào không khí của mùa xuân, của lễ hội.

Ném Còn là trò chơi của đồng bào phía Bắc, trò chơi này đã theo chân họ vào Tây Nguyên.

Đồng bào phía Bắc vào quê hương thứ 2 ở Tây Nguyên đã mang theo tất cả những phong tục, tập quán của dân tộc mình, đem vào hòa chung với văn hóa của các dân tộc anh em trên Tây Nguyên. Nét đẹp văn hóa đó được các dân tộc anh em đón nhận và lưu giữ.

Mùa xuân, mùa của lễ hội khắp nơi trên đất nước ta, Tây Nguyên với một số dân tộc phía Bắc vào gọi là vùng đất mới, là quê hương thứ 2. Nhưng ở nơi đây các dân tộc bản địa và các dân tộc anh em di cư đến đã sống, làm việc và giao thoa văn hóa một cách tự nhiên, hòa thuận và mang đậm phong cách truyền thống, góp phần vào dòng chảy văn hóa trên Tây Nguyên nói riêng và văn hóa Việt đa dang nhưng đậm đà bản sắc dân tộc nói chung.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật