Cháu nội cao tuổi nhất của cụ Phan Bội Châu (I)

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều tướng lĩnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã ngạc nhiên khi biết đồng đội của mình - Đại tá Phan Thiệu Cơ chính là cháu nội của nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu.
Cháu nội cao tuổi nhất của cụ Phan Bội Châu (I)
Đại tá Phan Thiệu Cơ.

Đến thăm Đại tá Phan Thiệu Cơ nhân dịp ông cùng gia đình đi trao học bổng ở Nghệ An và hiến tặng bộ ấm trà cùng một hộp đựng mực của cụ Phan Bội Châu cho Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên - Huế trở về, rất vui mừng vì thấy ông vẫn tráng kiện, hào sảng như xưa. 

Đứa cháu may mắn nhất

Theo lời kể của nhiều người thân thích trong gia tộc họ Phan, ông Cơ là người giống cụ Phan Bội Châu nhất: Dáng vóc cao lớn, vạm vỡ, mặt vuông, mắt sáng, tính tình phóng khoáng, hoạt bát và thích kết giao.

"Tôi là cháu nội cao tuổi nhất, sinh ra sau 4 năm lúc ông nội tôi bị thực dân Pháp bắt ở Quảng Đông, dẫn độ về nước, kết án và giam lỏng ở Bến Ngự (Huế). Tôi cũng là đứa cháu may mắn nhất của gia tộc họ Phan được cận kề bên ông nội cho đến ngày ông qua đời ở Huế. Thời gian đó cũng là lúc Pháp đốt "trại cày" của cha tôi (Phan Nghi Đệ) ở Cự Đại, Truông Băng. 9 tháng tuổi thì được mẹ ẵm lên thăm cha ở nhà tù Lao Bảo, Quảng Trị. Từ lúc 6 tuổi mới được gặp và ở bên ông nội. Cái tên "Thiệu Cơ" của tôi theo ý ông nội là lấy ở câu "Khắc thiệu cơ cầu", nghĩa là con cháu phải giữ nếp nhà" - Ông nói sang sảng.

Vài nét về gia tộc họ Phan


Phan Thiệu Cơ nói vui là ông có 1 ông nội và 2 bà nội. Ông là con trưởng của cụ Phan Nghi Đệ (1901 - 1946), con trai đầu người vợ thứ của cụ Phan Bội Châu. Ông Cơ kể rằng: Cụ Phan Bội Châu vốn có chí hoạt động cách mạng, muốn trì hoãn việc lập gia đình, nhưng là con trai độc nhất trong một gia đình đã bốn đời có con trai một, nên thân sinh ông - cụ Phan Văn Phổ, bắt ông phải cưới vợ sớm. 
  Bà Phan Bội Châu tên thật là Thái Thị Huyên, con ông Thái Văn Giai. Ông Thái Văn Giai là một nhà nho, sống tại thôn Đức Nam, làng Diên Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, và là bạn học của ông Phan Văn Phổ. Bà Thái Thị Huyên sinh năm 1866, lớn hơn chồng một tuổi. Hai ông bà được gia đình đính hôn lúc còn nhỏ tuổi và làm lễ cưới năm 1888.

Cưới vợ được tám năm, Phan Bội Châu vẫn chưa có con mà thân phụ ông muốn có cháu bồng nên bà Thái Thị Huyên (chánh thất, vợ cả) đã cưới bà thứ thất (vợ nhỏ) cho chồng năm 1896. Bà thứ thất của Phan Bội Châu tên là Nguyễn Thị Em. Năm 1901, bà thứ thất sinh được một con trai, năm 1904 bà chánh thất (bà Huyên) cũng sinh thêm một trai nữa.

Theo tục lệ xưa, tuy con bà chánh thất sinh sau, nhưng được làm anh, còn con bà thứ thất sinh trước, lớn tuổi hơn, lại phải làm em. Để khẳng định tôn ty trong gia đình, Phan Bội Châu đặt tên con bà chánh thất (nhỏ tuổi hơn) là Phan Nghi Huynh, con bà thứ thất (lớn tuổi hơn) là Phan Nghi Đệ theo đúng câu "Nghi huynh nghi đệ", nghĩa là "anh xứng đáng ra anh, em xứng đáng ra em".

Phan Bội Châu vốn không có chí khoa cử sĩ hoạn, nhưng để có điều kiện hoạt động cách mạng, ông dự kỳ thi hương tại trường thi Nghệ An năm Canh Tý (1900) và đỗ giải nguyên (thủ khoa).

Sau đó Phan Bội Châu vào Huế mượn cớ theo học trường quốc tử giám để tìm cách liên kết nhân tài. Cuối năm 1904 (Giáp Thìn), Phan Bội Châu xin phép trường Quốc Tử Giám về quê ăn Tết, thật sự là rời Huế để chuẩn bị qua Nhật Bản hoạt động.

Trước khi ra đi năm 1905, Phan Bội Châu đã tự viết hai tờ giấy ly dị vợ, giao cho hai bà để phòng thân, rủi công việc của ông bị bại lộ, nhà cầm quyền có thể đến làm phiền hai bà thì hai bà trưng giấy ly dị để khỏi bị liên lụy.  

Ông Phan Thiệu Cơ sinh năm 1930 tại Nam Thanh, Nam Đàn, Nghệ An. Hiện đang sống tại Bình Thạnh, TP.HCM. Cấp bậc: Đại tá QĐNDVN, nguyên cán bộ tuyên huấn Cục Chính trị Miền; Phó Tổng biên tập Báo Quân Giải Phóng; Chính uỷ sư đoàn 271; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Bình Thạnh 2 nhiệm kỳ (1989 - 1999).

(Còn tiếp)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật