Không cần tiền vẫn mua được nhà: Sợ sập bẫy lãi suất

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo chuyên gia, trong mọi trường hợp, ngân hàng luôn nắm đằng chuôi, còn người vay có thể rơi vào bẫy lãi suất, đối mặt nguy cơ bị xiết nhà.
Không cần tiền vẫn mua được nhà: Sợ sập bẫy lãi suất
Ở nhiều dự án, chủ đầu tư tung các chương trình bán hàng khuyến mại để kích cầu. Ảnh: VnExpress

Trước hiện tượng chủ đầu tư một số dự án căn hộ ở Hà Nội tung ra chương trình khuyến mại để khách có thể mua nhà với 100% vốn ngân hàng với điều kiện người mua thế chấp chính căn hộ tại dự án và thêm một bất động sản khác, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cảnh báo người mua nhà có thể gặp rủi ro.

Theo vị chuyên gia, bất kỳ chính sách nào loay hoay ra sao cũng về đúng chính sách của ngân hàng. Chẳng hạn, trường hợp hỗ trợ lãi suất đến 0% thường chỉ hỗ trợ trong thời gian ngắn ban đầu, còn sau đó lãi suất lại cao hoặc thả nổi.

Tương tự, trường hợp hỗ trợ lãi suất ưu đãi 7-8% trong khoảng thời gian nhất định  sẽ được ghi vào chi phí tiền vay, trong đó chủ đầu tư cũng phải cùng gánh vác.

"Kể cả có cho vay tới 100% giá trị căn hộ thì thực tế ngân hàng cũng không trả đến 100%. Trong trường hợp này, chủ đầu tư phải có chính sách riêng, cam kết cụ thể với ngân hàng, tức là chủ đầu tư vẫn gánh trách nhiệm chính. 

Hay đối với cách vay thông thường, phổ biến hiện nay là 70% giá trị căn hộ, chủ đầu tư cũng phải có trách nhiệm. 

Tóm lại, ngân hàng luôn nắm đằng chuôi và những biện pháp trên đều là thủ thuật, chủ đầu tư và ngân hàng luôn có sự thống nhất với nhau về cơ chế", ông Nguyễn Văn Đính giải thích.

Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam khẳng định, khi cho vay, ngân hàng phải chắc chắn nắm được tài sản hay thế chấp khác của người vay, không bao giờ chịu rủi ro, thiệt thòi.

Đối với khách hàng, nguy cơ rơi vào bẫy lãi suất là rất lớn. Bởi như phân tích ở trên, lãi suất ưu đãi chỉ duy trì trong thời gian ngắn ban đầu, sau đó tăng lên, thậm chí nguy hiểm hơn là thả nổi. Khi lãi suất biến động chiều hướng tăng, thu nhập người vay giảm, không đủ khả năng trả nợ vay thì họ phải đối mặt với nguy cơ bị ngân hàng xiết nhà.

"Điều này là chắc chắn. Anh không đủ tiền thì phải chấp nhận", ông Nguyễn Văn Đính nói.

Vị chuyên gia về bất động sản cho biết, thời gian qua tình trạng khó khăn về thanh khoản diễn ra ở một số dự án khó bán và một số dự án cá biệt, còn nhiều hàng tồn, thông thường là các dự án cao cấp giá cao, trong đó lợi nhuận của chủ đầu tư rất khủng, dự án dù ở vị trí không phải đắc địa cho lắm nhưng vẫn được đẩy lên dạng nhà cao cấp, hệ quả là bị ế.

"Trong vài năm trở lại đây, nhà cao cấp bị tiêu thụ chậm, tất nhiên dạng nhà này vẫn có thị trường, vẫn có nhu cầu nhưng lượng không phổ thông. Khách hàng có khả năng thanh khoản loại nhà cao cấp trong xã hội vẫn có vì hàng năm vẫn xuất hiện một đội ngũ có thu nhập cao có nhu cầu ở nhà cao cấp, tuy nhiên tỷ lệ đó không phải quá nhiều.

Trong khi đó, chủ đầu tư lại tính toán không kỹ, đưa ra sản phẩm nhiều hơn so với nhu cầu nên sản phẩm bị tiêu thụ chậm. Bởi sốt ruột về mặt vốn nên chủ đầu tư phải tìm mọi cách, từ chiết khấu, giảm giá lớn, tới hỗ trợ cho vay tới 100% giá trị căn hộ...", ông Nguyễn Văn Đính lý giải.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật