Hải Phòng: Dự án 10 năm chưa được giao mặt bằng

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Được chấp thuận đầu tư xây chợ đầu mối, nhưng gần 10 năm qua, Cty TNHH Tiền Thảo vẫn chưa được bàn giao hết mặt bằng khiến doanh nghiệp chán nản muốn bỏ dự án.
Hải Phòng: Dự án 10 năm chưa được giao mặt bằng
Ảnh minh họa

Năm 2008, ông Vũ Đức Tiền, GĐ Cty TNHH Tiền Thảo (trụ sở tại TP Móng Cái, Quảng Ninh) được “gợi ý” đầu tư về quê (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) xây dựng 1 chợ dân sinh nhằm giải quyết bài toán chợ cóc, chợ tạm ở khu vực 4 xã: Đại Hà, Tân Trào, Đoàn Xá, Ngũ Đoan.

“Giật gấu vá vai”... làm chợ

Hưởng ứng tinh thần đầu tư “về nguồn”, ông Tiền đã bán 1 nửa tài sản tại Móng Cái và huy động thêm của anh em, bạn bè về Kiến Thụy đầu tư xây chợ. Để trải thảm đỏ, UBND huyện Kiến Thụy đã nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục đề xuất TP Hải Phòng về dự án này. Ngày 15/6/2009, UBND TP Hải Phòng có thông báo 230 về chấp thuận chủ trương xây dựng dự án chợ dân sinh Đại Hà. Quy mô dự án là chợ loại II với 198 điểm bán hàng cố định và một số điểm cho các hộ kinh doanh không cố định ngoài trời.

Ngày 03/01/2013, UBND TP Hải Phòng có quyết định giao đất số 24 cho Cty TNHH TM-DV Tiền Thảo thuê trên diện tích giai đoạn I là hơn 13.000 m2 với thời hạn 50 năm. Sau khi có quyết định thuê đất, Cty Tiền Thảo đã phối hợp cùng UBND huyện Kiến Thụy tiến hành đền bù GPMB. Đến tháng 11/2015, sở Xây dựng Hải Phòng đã cấp phép xây dựng giai đoạn I cho dự án. Theo đó, dự án chợ dân sinh Đại Hà sẽ gồm 01 khu nhà điều hành, các dãy ki-ốt bán hàng và khu vực chợ chính trung tâm hơn 13.000 m2.

Sau khi có Giấy phép xây dựng, Cty TNHH Tiền Thảo đã tiến hành xây dựng khu nhà điều hành, các dãy ki-ốt và các điểm cho các hộ kinh doanh bán hàng. Ngoài ra, cty cùng đã thi công 5.000m2 đường xung quanh chợ và đường nội bộ, cống thoát nước, trạm điện... Ông Tiền cho biết, trong khi chờ thành phố giao đất đợt II, Cty đã làm tạm một số ki-ốt trong khuôn viên quy hoạch để bà con tiểu thương vào trong chợ họp, không họp chợ khu vực ngoài đường nhằm đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan khu vực. Tổng kinh phí đầu tư đến nay khoảng gần 50 tỷ đồng. 100% nguồn kinh phí này đều do doanh nghiệp tự bỏ hoặc huy động các đối tác góp vốn.

Hiện, chợ Đại Hà đã có trên 300 hộ kinh doanh trong chợ, các hộ đều hoạt động ổn định, mỗi gia đình thu nhập từ 5 – 10 triệu đồng/tháng. Đây không chỉ là chợ đầu mối của khu vực 4 xã lân cận mà còn là chợ đầu mối đầu tiên của cả huyện Kiến Thụy chuyên về hải sản và nông sản.
Một tiểu thương kinh doanh tại đây cho biết, từ ngày có chợ Đại Hà, hoạt động kinh doanh của gia đình bà khá ổn định. Trước đây, thay vì phải chở hàng đi giao các đầu mối thì nay các mối buôn đều tập trung về chợ thu mua. Cứ sáng sớm, tất cả các đầu mối đều tập trung về đây để tỏa đi các nơi. Từ ngày có khu chợ, dân các xã quanh đây có điều kiện buôn bán kinh doanh thuận lợi. Chưa kể, trước đây chợ họp ven đường vừa nhếch nhác lại thường xuyên xảy ra tai nạn.

Vi phạm vì thiếu mặt bằng

Thiếu mặt bằng nên dự án chợ Đại Hà cứ triển khai... chắp vá. Theo quy hoạch, dự án sẽ sử dụng mặt bằng với diện tích hơn 15.000 m2. Thế nhưng hiện tại, UBND huyện Kiến Thụy mới bàn giao được trên 13.000 m2 nên dự án không thể triển khai theo đúng quy hoạch. Chưa kể dự án bị “án ngữ” bởi hơn 2.000 m2 đất xen kẹt với đường 402. Doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện Kiến Thụy, UBND TP Hải Phòng về việc bàn giao diện tích đất giai đoạn II và diện tích đất xen kẹt.

Cũng vì thiếu mặt bằng nên khi tiến hành xây dựng, cty Tiền Thảo đã san gạt và xây lấn ra vị trí đất xen kẹt (diện tích này chưa hoàn tất thủ tục giao đất). Chính vì thế, sở TNMT Hải Phòng đã ra quyết định xử phạt Cty 20 triệu đồng với hành vi này. Thêm nữa, Sở Xây dựng Hải Phòng xử phạt các lỗi không đủ các cấp phép xây dựng ở 1 số hạng mục như nhà kho, dãy ki-ốt số 3... lên đến trên 200 triệu đồng.

Ông Tiền cho biết, để hoàn thiện một số công trình, Cty buộc phải vừa tiến hành xây dựng vừa chờ giấy phép bởi vậy mà không thể tránh khỏi vi phạm. Tuy nhiên, Cty đã chấp hành nộp phạt đầy đủ và dừng các hạng mục theo yêu cầu của các cơ quan chức năng để chờ hoàn tất các thủ tục.

“Với mong muốn đóng góp đầu tư về quê hương, tuy nhiên đã gần 10 năm qua dự án không thể có được mặt bằng tổng thể. Hiện, chúng tôi đã kiệt quệ vì dự án cứ phải triển khai lay lắt. Nếu trong thời gian gần nhất, các cơ quan chức năng không bàn giao hết được mặt bằng, Cty xin được “trả” dự án cho huyện”, ông Tiền ngán ngẩm.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật