Giấy chủ quyền nhà đất: Thay đổi liên tục gây khó cho dân

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sáng 10-8, đoàn giám sát cải cách thủ tục hành chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Trần Thế Vượng dẫn đầu đã làm việc với UBND TP.HCM và các sở ngành liên quan.
Giấy chủ quyền nhà đất: Thay đổi liên tục gây khó cho dân
ảnh minh họa

Báo cáo với đoàn giám sát, ông Nguyễn Thanh Nhàn, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, cho biết hiện thủ tục thu hồi đất vẫn còn gay go. Nhiều khu đất doanh nghiệp sử dụng lãng phí, không hiệu quả lẽ ra phải thu hồi ngay nhưng theo quy định muốn thu hồi đất phải thanh tra, lấy ý kiến các bên liên quan, công bố kết luận thanh tra...

Trong thời gian này có nhiều chuyện “phức tạp” xảy ra và đôi khi khó thu hồi hoặc không thu hồi được. Sở đã kiến nghị vấn đề này nhưng chưa được cơ quan thẩm quyền xem xét hoặc chưa được trả lời thỏa đáng.

Theo phó giám đốc Sở Xây dựng TP Đỗ Phi Hùng, người dân còn bức xúc việc cán bộ trễ hẹn, yêu cầu bổ túc hồ sơ nhiều lần, bắt nộp những giấy tờ không có trong quy định và còn sai sót trong quá trình thụ lý hồ sơ. Ông Hùng nói dù thời gian cấp phép xây dựng hiện nay chỉ có 15 ngày (so với quy định là 20 ngày), giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình 15 ngày (quy định 30 ngày)... nhưng thời gian hoàn tất các thủ tục trên mới là “con đường gian nan”.

Từ năm 2004 đến nay đã bốn lần thay đổi quy định về cấp giấy chủ quyền nhà đất và cũng bấy nhiêu lần thay đổi màu giấy. Ban đầu là giấy hồng theo nghị định 60, sau đó chuyển sang giấy đỏ khi nghị định 181 có hiệu lực.

Năm 2005, Chính phủ quy định thêm một loại giấy hồng (giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình - PV), đến năm 2006 khi Luật nhà ở có hiệu lực thì có thêm mẫu giấy hồng mới và nay “từ hồng đã chuyển sang đỏ”. Ông Hùng cho rằng mỗi lần đổi như vậy gây phiền hà, tốn kém cho dân và cán bộ phải giải thích rất nhiều để người dân hiểu, thông cảm.

Bà Ngô Minh Hồng, giám đốc Sở Tư pháp TP, nói theo quy định mới, mỗi lần mua bán, chuyển nhượng nhà đất người dân phải đổi sang giấy mới, khác với quy định cũ là chỉ cập nhật vào trang 4 giấy chủ quyền. Cách làm này gây tốn kém cho xã hội, khiến nguồn gốc nhà đất bị đứt khúc vì người nhận chuyển nhượng sau cùng không biết được chủ cũ là ai. Bà Hồng mong các cơ quan thẩm quyền nên đánh giá lại vấn đề này.

Ông Lê Minh Trí, phó chủ tịch UBND TP, cho biết sắp tới TP sẽ mở rộng mô hình “một cửa liên thông” ở các lĩnh vực khác để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho dân. Ông kiến nghị đoàn giám sát đề nghị các cơ quan thẩm quyền công bố rộng rãi dự thảo các nghị định, thông tư...với thời gian phù hợp để các địa phương tham gia góp ý, phản hồi, tránh tình trạng quy định ban hành nhưng khi áp dụng thực tế lại gặp vướng mắc.

Ngoài ra, các hướng dẫn nên ban hành cùng lúc với luật, nghị định để quy định được áp dụng đồng bộ, tránh tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật