Hàng hóa TG tháng 12/2017: Giá tăng, dầu WTO vượt 60 USD

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vinanet - tháng, giá nhìn chung tăng, đặc biệt là kim loại và dầu.
Hàng hóa TG tháng 12/2017: Giá tăng, dầu WTO vượt 60 USD
Ảnh minh họa

Năng lượng: Giá dầu tăng mạnh, dầu WTI cuối tháng vượt 60 USD/thùng

Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 12, trên sàn London, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 2/2018 tăng 58 US cent (1%), lên 60,42 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 23/6/2015, giá dầu WTI vượt mức 60 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 3/2018 cũng tiến 71 US cent (1,1%), lên 66,87 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, dầu WTI tăng 3,3% và dầu Brent tăng 0,6%. Cũng trong phiên 29/12, giá dầu sưởi ấm giao tháng 1/2018 tăng 2,34 US cent (tương đương 1,1%) lên 2,0755 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít), mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 27/2/2015. Trong khi đó, giá khí đốt tự nhiên giao tháng 2/2018 cũng cộng 3,9 US cent (tương đương 1,3%) trong phiên cuối tuần.

Giá dầu phiên cuối tuần còn được hỗ trợ bởi báo cáo mới nhất từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho hay, số giàn khoan đang hoạt động của Mỹ đã giảm nhẹ trong tuần qua. Bộ Năng lượng Mỹ mới đây cho biết kho dầu thô dự trữ ở nước này giảm 4,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 22/12. Việc Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu dầu thô cũng góp phần nâng giá dầu lên. Tuy nhiên, trong năm qua, tổng số giàn khoan tại Mỹ đã tăng 271 giàn lên 929 giàn. Sản lượng dầu của Mỹ đã tăng gần 9,2% so với đầu năm 2017, và nhiều chuyên gia dự đoán sản lượng của nước này sẽ vượt mốc 10 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay, con số chỉ đứng sau Saudi Arabia và Nga.

Trong tháng 12 nhìn chung cả 2 loại dầu thô chủ chốt này đều ghi nhận diễn biến tích cực, với dầu WTI tăng 5,3% trong tháng, còn dầu Brent tăng 5,2. Trong quý 4, 2 loại dầu tăng lần lượt 17% và 16%, còn trong năm 2017 tăng lần lượt 12,5% và 18%. Giá dầu sưởi ấm đã tăng 5,4% trong tuần qua, tăng 10% trong tháng 12, tăng 15% trong quý 4 và tăng 22% trong năm 2017. Giá khí đốt tự nhiên lần lượt tăng 11% trong tuần, giảm 2,4% trong tháng 12, giảm 1,8% trong quý 4 và giảm 21% trong năm 2017.

Giá dầu biến động phần lớn do tác động của báo cáo dự trữ dầu thô Mỹ mới công bố, cho thấy sản xuất đang chững lại trong khi nguồn cung dầu thô dự trữ cũng thấp hơn. Theo số liệu của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) lượng dầu thương mại dự trữ giảm 4,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 22/12 xuống còn 431,9 triệu thùng. Thêm vào đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng quyết định sẽ gia hạn thỏa thuận giới hạn sản lượng dầu mỏ cho tới hết năm 2018.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều người dự đoán rằng số lượng giàn khoan của Mỹ sẽ tiếp tục tăng và thậm chí đạt ngưỡng kỷ lục trong năm 2018. Điều này đi ngược hoàn toàn so với kế hoạch của OPEC khi họ đang cố gắng cắt giảm sản lượng và tái cân bằng thị trường đến hết năm 2018.

Kim loại quý: Giá vàng tăng

Phiên giao dịch cuối tháng, giá vàng giao ngay tăng 0,67%, lên 1.303,37 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 2/2018 cũng ghi thêm 12,1 USD (0,93%), lên 1.309,30 USD/ounce. Đồng USD giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng và bất ổn chính trị vẫn còn tiếp diễn trên toàn cầu đã hỗ trợ đắc lực cho giá vàng trong phiên vừa qua. Tính chung trong tháng 12, giá vàng tăng nhẹ khoảng 20 USD.

Giá vàng tăng đã giúp xoa dịu những lo ngại về tác động của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất đối với thị trường kim loại quý.

Tính chung trong cả năm 2017, giá vàng gia ngay tăng 13%, trong khi vàng giao sau tăng 12%, là năm giao dịch tốt nhất của giá vàng kể từ năm 2010.

Diễn biến của giá vàng thường đi ngược với xu hướng dịch chuyển của đồng USD. Vàng hưởng lợi trong năm nay khi đồng bạc xanh chứng kiến năm tồi tệ nhất kể từ năm 2003, do căng thẳng địa chính trị liên quan tới CHDCND Triều Tiên, cáo buộc Nga can thiệp vào chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump và tỷ lệ lạm phát của Mỹ duy trì ở mức thấp.

Tuy vậy, theo nhà phân tích Georgette Boele từ ABN Amro, thị trường vàng có nguy cơ bị tổn thương trong năm 2018 do sự phục hồi của đồng USD cũng như lợi suất trái phiếu.

Trong nhóm các kim loại quý, palađi có mức tăng giá mạnh nhất trong năm qua với 57%. Trong khi đó, bạc và bạch kim lần lượt đón nhận mức tăng 6% và 3% trong cả năm 2017.

Kim loại cơ bản: Giá cao kỷ lục 8 năm

Phiên giao dịch cuối tháng, giá đồng và nhôm trên sàn London giảm nhẹ nhưng vẫn quanh mức cao nhất kể từ năm 2009. Trên Sàn Kim loại London (LME), giá đồng kỳ hạn 3 tháng chốt phiên cuối năm giảm 0,6% xuống còn 7.247 USD/tấn. Trước đó, vào ngày 28/12, giá kim loại này có lúc tăng lên 7.312,50 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 1/2014. Tương tự, giá nhôm đóng cửa giảm 0,7% xuống còn 2.268 USD/tấn. Trước đó, giá kim loại này chạm kỷ lục 5 năm ở 2.290,50 USD/tấn.

Tính chung cả năm 2017, giá đồng đã tăng 31%, mạnh nhất kể từ 2009, trong khi giá nhôm tăng mạnh 34%. Chính sách cắt giảm sản lượng và tái cơ cấu nguồn cung của Trung Quốc cũng như nhu cầu tăng mạnh tại nước này đã giúp giá hai kim loại này tăng mạnh trong năm qua.

Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ kim loại công nghiệp lớn nhất thế giới, chiếm gần một nửa nhu cầu đồng và nhôm toàn cầu, dự kiến sẽ đạt lần lượt 23 triệu tấn và 62 triệu tấn trong năm 2018.

Giá đồng tăng mạnh sau khi Trung Quốc đề xuất quy định cấm nhập khẩu kim loại phế liệu từ cuối năm 2018, khiến nhà đầu tư kỳ vọng nước này sẽ đẩy mạnh nhập khẩu kim loại tinh luyện và sản phẩm của chúng.

Trong khi đó, giá nhôm tăng mạnh trong năm qua nhờ sản lượng của Trung Quốc sụt giảm khi chính phủ nước này mạnh tay đóng cửa các cơ sở trái phép và nhiều nhà máy cũ gây ô nhiễm. Tuy nhiên, trong những tuần qua, nhà đầu tư bắt đầu lo ngại về tương lai kim loại này khi lượng nhôm dự trữ tại các nhà kho có đăng ký với sàn SHFE lên cao kỷ lục, trên 750 nghìn tấn.

Về những kim loại cơ bản khác, giiá chì giảm 1,5% trong phiên cuối tháng xuống 2.487,5 USD/tấn nhưng tăng 23% trong năm qua, mức tăng cao nhất từ năm 2009. Vào tháng 10, giá kim loại này đã lên cao nhất 6 năm ở 2.620,5 USD/tấn do nhu cầu của các nhà sản xuất pin tăng cao trong khi nguồn cung và kho dự trữ sụt giảm.

Trên Sàn giao dịch hàng hóa kỳ hạn Thượng Hải (SHFE), giá đồng giao tháng 3/2018 tăng nhẹ lên 55.580 nhân dân tệ/tấn (8.542,09 USD/tấn). Tương tự, giá thép thanh giao tháng 5/2018 tăng 0,77% lên 3.794 nhân dân tệ/tấn (583,10 USD/tấn).

Nông sản: Giá giảm

Phiên giao dịch cuối tháng, cả đường, cà phê và cacao đều tăng, nhưng tính chung tháng 12 cả 3 loại nông sản này đều giảm giá.

Phiên giao dịch cuối tháng, giá đường thô giao tháng 3 tăng 0,16 US cent tương đương 1,07% lên 15,16 US cent/lb, trong phiên có lúc giá chạm mức cao nhất 4 tuần là 15,18 US cents/lb.

Đường thô đã tăng giá 11% trong 9 phiên vừa qua từ mức thấp nhất của tháng 12, nhưng tính chung cả năm mặt hàng này vẫn giảm giá mạnh nhất trong vòng 6 năm, giảm 22,4%. Hợp đồng này kết thúc năm 2016 ở mức giá 19,51 US cent/lb.

Đường thô đã từng chạm mức giá thấp nhất năm nay vào tháng 6 khi chỉ 12,53 US cent/lb.

Sản lượng đường củ cải của Nga dự báo sẽ đạt kỷ lục cao mới.

Đường trắng giao tháng 3 phiên cuối tháng tăng 0,9 USD tương đương 0,2% lên 394,70 USD/tấn, tính chung cả năm 2017 giảm 25%.

Cà phê arabica phiên cuối tháng tăng 1,4 US cent tương đương 1,12% lên 1,262 USD/lb, nhưng cả năm đã giảm 8%. Robusta giao tháng 3 tăng 3USD tương đương 0,2% trong phiên lên 1.718 USD/tấn do USD giảm giá, nhưng tính chung cả năm 2017 giảm 20% do sản lượng tăng ở Việt Nam.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật