Từ cà phê “Xin Chào” đến cà phê khởi nghiệp

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hy vọng một năm mới sẽ không còn hiện tượng cà phê “Xin Chào”, sẽ làm phong phú hơn Cà phê doanh nhân , làm sâu sắc hơn Cà phê khởi nghiệp. Con đường cải cách đã mở và đang chờ sự tăng tốc của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Từ cà phê “Xin Chào” đến cà phê khởi nghiệp
Một buổi Cà phê doanh nhân do VCCI tổ chức

Nói lại chuyện buồn

Năm 2015 để mưu sinh, công dân Nguyễn Văn Tấn đã xin mở quán cà phê “Xin chào” trên đất huyện Bình Chánh TP HCM. Quyền “mưu cầu hạnh phúc” được Bác Hồ dẫn chiếu đến trong Tuyên ngôn độc lập gần thế kỷ trước chưa kịp thực thi thì người dân thân phận ấy đã vướng vòng lao lý của cái tưởng như là hiện tượng nhưng thực chất đã khá phổ biến, kéo dài dai dẳng trong gần vài chục năm qua “Hình Sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính”. Ông bị khởi tố, truy tố và chuẩn bị hầu Tòa về tội kinh doanh trái phép với vi phạm “vặt” như mở quán sớm mấy ngày so với qui định mà theo cách nói của ông Phó Giám đốc công an TP HCM thì “vụ án này nhỏ như cái móng tay”!

Nếu không có sự phản ánh kịp thời của báo chí, nếu không có phản ứng kịp thời của một số vị trong các cơ quan Đảng, Nhà nước gồm cả cơ quan hành pháp, tư pháp và cả sự chỉ đạo kiên quyết của Thủ tướng CP có thể người dân thân phận ấy giờ vẫn đang ngồi “bóc lịch”. Nhưng lịch sử không chấp nhận chữ “nếu”. Hoàn cảnh đất nước buộc không thể không thay đổi và thay đổi thì phải sâu sắc, toàn diện. Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (Nghị quyết 35/NQ-CP) đã được ban hành, trong đó nhấn mạnh việc cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, không được Hình Sự hóa các quan hệ kinh tế, hành chính, buộc cả hệ thống cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương phải thay đổi cách thức phục vụ. Cùng với các Nghị quyết 19/NQ-CP lấy thước đo đổi mới, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh theo các tiêu chí, cách thức do Ngân hàng thế giới xây dựng thì Nghị quyết 35/NQ-CP lấy thực tiễn doanh nghiệp làm căn cứ để đặt mục tiêu, tìm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, trong đó có mục tiêu rất cụ thể là đến năm 2020 Việt Nam phải có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động.

Để nhân rộng niềm vui

Kể từ sau sự kiện quán cà phê “ Xin Chào”, hàng loạt các biện pháp khá kiên quyết, tập trung và khá hệ thống đã được triển khai, trong đó phải kể đến việc “cải cách” các điều kiện kinh doanh (ĐKKD), một việc được khởi xướng, được “đào đi xới lại” trong hơn 20 năm qua kể từ khi ban hành Luật Doanh nghiệp 1999 nhưng chưa thành công với câu nói chua chát “ cắt bỏ giấy phép con tựa như chặt đầu Phạm Nhan, chặt được đầu này mọc trăm đầu khác”.

Đến nay, tuy chưa thể đánh giá việc cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách ĐKKD thành công ra sao nhưng thông qua việc Chính phủ yêu cầu cắt giảm từ 1/3 đến 1/2 các ĐKKD đang tồn tại, Bộ Công Thương đề nghị cắt giảm hơn 687 ĐKKD, Bộ NN&PTNT gần 300 ĐKKD và thủ tục hành chính, Bộ Xây dựng gần 40% ĐKKD cùng các bộ khác như Y tế, Giao thông vận tải… đã cho thấy xu hướng này là khó có thể đảo ngược cho dù vẫn còn đó một số hoài nghi, cảnh giác.

Điểm sáng tiếp theo là không khí dân chủ hơn trong quá trình tham gia cải thiện môi trường kinh doanh. Tiếng nói cộng đồng doanh nghiệp được lắng nghe nhiều hơn, có hệ thống hơn, thực chất hơn, mặc dù vẫn còn đó một thực trạng nhức nhối của tệ nạn tham nhũng vặt khi hơn 66% doanh nghiệp sẵn sàng bôi trơn cỗ máy chính quyền và đáng buồn hơn khi chỉ có 10% trong số bôi trơn đó là do gợi ý từ phía cán bộ công chức, còn lại là do doanh nghiệp “tự nguyện” bôi trơn.

Với Chính phủ, năm 2017 đã có hơn 5.000 kiến nghị của DN, người dân được các bộ ngành xem xét, trong đó có hơn 1000 kiến nghị của DN đã được giải quyết. Đã có những tín hiệu tốt về hiệu quả đối thoại chính quyền - doanh nghiệp... các mô hình đối thoại phong phú, đa dạng, độc đáo trong đó có mô hình “Cà phê doanh nhân”, nơi gặp gỡ giữa các lãnh đạo địa phương với cộng đồng doanh nghiệp, một hình thức đối thoại thường xuyên, khá thực chất trong không khí trao đổi thẳng thắn nhưng không căng thẳng, giản dị nhưng không qua loa.
Điểm sáng thứ ba là phong trào khởi nghiệp đang được triển khai trên diện rộng với sự vào cuộc khá nhiệt tình, bài bản, từ Chính phủ đến doanh nhân, từ lớp doanh nghiệp cựu binh đến lứa thanh niên trẻ tuổi khao khát sáng tạo, dấn thân. Trên con đường gian khó đó, một mô hình mới xuất hiện - mô hình “Cà phê khởi nghiệp” dành cho những doanh nhân chấp nhận thất bại, chấp nhận mạo hiểm để được dấn thân, được sáng tạo bởi không sáng tạo nghĩa là thua cuộc. Và như đã nói, cần lắm một Chính phủ kiến tạo cho một nền kinh tế sáng tạo; còn nếu không được như vậy thì đúng là “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”!

Cả nước đang phấn khởi trước cảnh “lò đang cháy”; Chống tham nhũng là một việc tất yếu mà Nhà nước phải làm, nếu muốn phát triển. Nhưng còn một việc khác phải lo không kém: trồng rừng. Đã là rừng thì phải xanh. Để có rừng xanh tràn đầy sức sống, ngồn ngộn gỗ tốt, chất lượng kiến tạo của Nhà nước là quyết định.
Chúng ta hy vọng sẽ không còn hiện tượng cà phê “Xin Chào”, sẽ làm phong phú hơn Cà phê doanh nhân, làm sâu sắc hơn Cà phê khởi nghiệp. .

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật