NSƯT Thu Hà và những u uẩn của nhan sắc

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chị vẫn đẹp một cách lạ thường. Dẫu năm tháng và những thăng trầm của cuộc sống đã dội vào cuộc đời chị, thì Thu Hà vẫn mang gương mặt không có tì vết của thời gian. Chị đang trở lại sân khấu, một sự trở lại sân khấu, một sự trở lại đầy hứa hẹn cho những vai diễn mới với những nhịp đập đang hồi sinh trong tâm hồn chị.
NSƯT Thu Hà và những u uẩn của nhan sắc
Thu Hà

Và thực sự thì Thu Hà đang trở lại. Dù để chuẩn bị cho sự trở lại của mình, Thu Hà cũng đã mất rất nhiều thời gian. Sự an hoà và bình yên trong chị hôm nay được khơi nguồn từ một cuộc đời nhiều giông gió. Nên khi ngồi với chị, một người đàn bà đã đi qua ngưỡng cửa 40, tôi vẫn thấy vẻ bình yên đang đầy trong mắt chị. Những bão tố, những muộn phiền dường như chưa bao giờ làm cho đôi mắt nâu sâu thẳm của chị thôi những lấp lánh. Với những người phụ nữ xinh đẹp, cuộc đời vẫn thường nhiều bất trắc, huống hồ một phụ nữ xinh đẹp làm nghệ thậut, thì sự bất trắc đó càng khắc nghiệt hơn. Chậm rãi nhưng đó là sự lựa chọn của chị. Qua khúc quanh rồi đời sẽ chảy bình yên. Thu Hà vẫn luôn tin như vậy.

Có thể nói, Thuận Khanh trong vở “Ngàn năm tình sử” của đạo diễn Doãn Hoàng Giang đã đánh dấu bước trở lại của Nhà hát kịch Hà Nội, dấu mốc để nhà hát kịch đỏ đèn sau hai năm án binh bất động. Cách đây mấy tháng, sân khấu Idecaf Sài Gòn cũng đã dựng rất thành công vở diễn này. Nên đối với các nghệ sĩ Nhà hát kịch Hà Nội, quả thực đây là một vở diễn nhiều áp lực. Nhưng với Thu Hà, chị dường như không mấy quan tâm đến điều đó.  Chị nói, có lẽ tôi là người duy nhất ở nhà hát không chịu áp lực bởi vai diễn. Nên Thu Hà đã thăng hoa trên sân khấu bằng bản năng của một người làm nghệ thuật và bằng cả sự trải nghiệm của chính mình. Một sự hóa thân hoàn hảo. Dù chỉ là một vai diễn điểm xuyết, không xuất hiện quá nhiều trên sân khấu, nhưng Thuận Khanh đã làm nền cho nhân vật anh hùng Lý Thường Kiệt về một mối tình bi thiết trong lịch sử. Nhiều người đã khóc vì xem chị diễn. Ở tuổi 40 để hóa thân vào một cô gái 16 tuổi, với những rung động đầu đời về một tình yêu đẹp với chị quả là không mấy dễ dàng. Nhưng Thu hà đã thành công. Người xem lại được gặp chị, một Thu Hà của 20 năm về trước, như một đoá hoa rừng đang toả hương giữa làng sân khấu Việt bằng tài năng và niềm đam mê của chính mình, một vẻ đẹp tỏa ra từ nội lực của chị.

Năm 17 tuổi, một cô gái miền sơn cước Tuyên Quang mang vẻ đẹp hoang dại của một đoá hoa rừng xuống Hà Nội mang theo giấc mơ được làm nghệ thuật. Ngày đó, chị chỉ nhìn thấy ánh hào quang, lung linh của sân khấu chứ chưa thực sự hiểu gì về nghề. Nhưng nét đẹp dịu đàng, tinh khôi và có gì đó mong manh của chị đã lọt vào mắt xanh của đạo diễn Trần Phương. Thu Hà đã trúng tuyển cả kịch lẫn múa, nhưng chị chọn kịch, trở thành người trẻ nhất của Đoàn kịch Quân khu II. Đoá hoa rừng cứ thế toả hương giữa Thủ đô, một thứ hương bền bỉ, không màu mè, xa hoa.



Con đường nghệ thuật của Thu Hà được trải đầy hoa. Sau hai mươi năm nhìn lại, Thu Hà vẫn cho rằng, mình là người may mắn khi vừa tốt nghiệp khoá đào tạo diễn viên kịch, chị được đầu quân về Nhà hát kịch Hà Nội. Nhưng điểm khởi đầu của cho sự toả sáng của chị không phải là sân khấu kịch mà là nghệ thuật thứ bảy. Một công chúa Quỳnh Hoa có vẻ đẹp mong manh dễ vỡ trong “Đêm hội Long Trì”, đạo diễn Hải Ninh, cô sinh viên Mai ngơ ngác đã bị lừa vào cạm bẫy tình trong “Canh bạc”, đạo diễn Lưu Trọng Ninh và nàng tiểu thư Nga mạnh mẽ, dám trả giá cho lòng khao khát yêu và dám yêu trong “Lá ngọc cành vàng”, đạo diễn Vũ Châu. Với điện ảnh, hai lần liên tiếp Thu Hà được đội vòng nguyệt quế khi bước lên nhận giải diễn viên xuất sắc nhất của Liên hoan phim lần thứ 9, 10. Chị bị đóng khung trong những vai diễn tiểu thư, công chúa đài các cao sang. Nhan sắc và tài năng của chị cũng không thoát khỏi cuộc săn tìm của các đạo diễn dòng phim thị trường đang nổi lên rầm rộ trong những năm đó. Đã có thời gian, chị vào Sài Gòn, sống trong khách sạn, ăn cơm bụi để đi đóng phim kiếm tiền. Nhưng rồi, dù tuổi trẻ và sức lực có dẻo dai đến mấy, chị cũng cảm thấy mỏi mệt. Thời gian đó chỉ kéo dài 4 năm, cho một loạt những phim thị trường được đông đảo công chúng mến mộ. Thu Hà đã cùng với thế hệ diễn viên thời chị làm nên một cơn sốt phim trong khán giả... Cái được ít, cái mất cũng nhiều, giờ không thể ngồi cân đo đong đếm. Cái được của chị hồi đó là công chúng. Nói vậy, không có nghĩa là Thu Hà bị cuốn vào dòng phim thị trường. Chị vẫn dành những khoảng lặng cho nghệ thuật chân chính với mỗi vai diễn là một số phận đầy ám ảnh. Đoạn đời đó, đã xa lắm rồi, nhưng có lẽ đó là quãng đời nhiều vinh quang nhưng cũng nhiều cay đắng nhất của người đẹp lá ngọc cành vàng.



Và dưới ánh đèn sân khấu, Thu Hà đẹp rực rỡ, nhưng sức hút của vai diễn lại tỏa ra từ nội tâm. Nhưng Thu Hà quay trở lại sân khấu phía Bắc vào đúng thời điểm sân khấu đang rơi vào bình lặng, thậm chí gần như bị quên lãng. Nên chị không có nhiều cơ hội để tỏa sáng. Đến bây giờ, ngồi nhìn lại chặng đường đã đi của mình, chị vẫn cho rằng, với sân khấu, Thu Hà chưa có được những vai diễn nặng ký. Và những người làm nghệ thuật như chị ít nhiều thất bại khi chưa kéo được công chúng đến với rạp hát. Mặc dù Thu Hà được nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú từ những thành công của chị trong lĩnh vực này. Và rất sớm, nhưng phải đợi đến năm 2001, chị mới đủ tuổi để sở hữu danh hiệu cao quý đó. Với sân khấu, Thu Hà lại mang thêm hai vòng nguyệt quế, Huy chương vàng Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1995 và Huy chương bạc năm 1999 với Ba Sương trong Ăn mày dĩ vãng, Mến trong Thầy khóa làng tôi. Một gia tài đáng mơ ước cho những thế hệ trẻ làm sân khấu hôm nay. Dẫu đến bây giờ, sau 20 năm trở lại, chị vẫn trăn trở, chưa có một vai diễn để đời.



Có những khoảng lặng không mấy bình yên trong cuộc đời Thu Hà, có những thời đoạn tâm hồn mong manh của chị đã bị thương tổn. Thu Hà ném nỗi đau của mình vào trong từng vai diễn. Người đẹp lá ngọc cành vàng, ít xuất hiện trên sân kấu, màn ảnh, nhưng sự xuất hiện của chị mang dấu ấn mới, của n hững từng trải có phần nghiệt ngã. Chị đã thổi linh hồn sống vào những người đàn bà đa đoan nhưng thiệt thòi, để làm nên một Tân trong Đường đời, một Ái Trinh trong Cát bụi với cá tính thời thượng điển hình của phụ nữ hiện đại. Thu Hà đã từng nói, những vai diễn hay nhất của chị là những lúc chị đau khổ nhất. Người nghệ sĩ trong nỗi đau tột cùng, trong nỗi cô đơn không biết chia sẻ cùng ai, họ đã trút vào vai diễn. họ thăng hoa trong nỗi đau của chính mình. Với Thu Hà cũng vậy. Nhưng có một điều mà tất cả những người bạn lâu năm hay mới tiếp xúc với chị đều có cảm nhận, ở Thu Hà, một trái tìm hồn hậu, luôn mở cửa để đón chờ những nhịp đập ôn xao của cuộc sống. Sau những đổ vỡ, chị lại bình thản đứng lên, trong canh bạc cuộc đời, ngoài hành trang nhan sắc, tạo hóa còn ban cho Thu Hà một phần hồn nhạ‌y cả‌m, một bản lĩnh và nghị lực sống mạnh mẽ”. Một người bạn đã viết về chị như vậy.



Chị đã từng chọn cách lánh mình, ẩn vào đời bằng những niềm vui bình dị. Và hạnh phúc lại gõ cửa trái tim người đàn bà đẹp. Dẫu muộn mằn, nhưng đó là hạnh phúc của chị. Tôi cảm giác, đối với Thu Hà, bây giờ không có gì quan trọng bằng mái ấm và tiếng cười của cậu hoàng tử xinh đẹp. Bởi một người đã phải nếm trải quá nhiều mất mát như chị, hơn ai hết hiểu được cái giá của hạnh phúc va sự bình yên quý giá như thế nào. Có cái gì đó mâu thuẫn khi chị vẫn dành đam mê cho sân khấu và tìm kiếm những vai diễn để đời, nhưng chắc hẳn chị sẽ không bao giờ đánh đổi sự bình yên và hạnh phúc hiện tại cho hào quang của sân khấu. Thu Hà bây giờ là vậy. Chị bảo: “Tôi đã trả giá quá nhiều, đã hy sinh quá nhiều để có một Thu Hà của hai mươi năm về trước”. Nên Thu Hà của hôm nay, hơn ai hết, thấu nhận được cái giá của hạnh phúc, và biết dung hòa cuộc sống để cho tâm mình được bình an. Chỉ có sân khấu đang làm chị hồi sinh. Nhưng đó sẽ là sự hồi sinh của một nhan sắc đã đến độ chin, đã có một bến đỗ bình an. Và chúng ta sẽ chờ đợi sự tỏa sáng của chị trên sân khấu trong một ngày rất gần.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật