Thời gian khó của Ánh Tuyết

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Câu chuyện của ca sĩ Ánh Tuyết kéo dài từ một cô bé bán cơm ở chợ Hội An cho đến một giọng ca ngọt ngào trầm lắng với những "Thiên thai" và "Buồn tàn thu" hôm nay.
Thời gian khó của Ánh Tuyết
Ca sĩ Ánh Tuyết.

Ánh Tuyết tự nhận chị không có tuổi thơ, bởi những mặc cảm và thua thiệt. Chị nói mình là con gái duy nhất trong gia đình có 5 anh em, chắc do con cầu con khẩn nên ngày bé “đẹt” lắm. Vừa “đẹt” lại vừa đen, 14 tuổi mà nhìn cứ như trẻ mới lên 10. Mẹ chị hay thở dài bảo: “Người ta có năm có mười thì tốt. Mình có một thì xấu”.

Có lần, bị bạn bè bắt nạt, chị về nhà mách mẹ. Cứ lí nhí trong miệng, mẹ chị không nghe được, lại nọc ra đánh cho một trận vì cái tội... nói nhỏ. Từ đó, Ánh Tuyết càng ít nói hơn. Nhưng bù lại, chị có tài bắt chước mọi thứ rất nhanh và một giọng hát thiên phú. Nhưng chừng đó, không làm dịu những thua thiệt của chị so với bạn bè.

Năm 1973, chị đoạt giải nhất ở cuộc thi Tiếng hát Hướng đạo sinh được tổ chức tại Sơn Trà với bài Quê hương của nhạc sĩ Hoàng Giác.

Cứ tưởng giải nhất sẽ mở ra cho chị một cơ hội âm nhạc. Nhưng, ở cái thành phố nhỏ Hội An, sau những tràng pháo tay trong đêm diễn thì mọi thứ lại trở về với nếp sống bình thường. Không hoa, không người hâm mộ, chỉ là những lời khen kiểu “Con Tiếc “mèo” hát hay rứa!”.

Tên thật của chị là Trần Thị Tiếc, sau này khi làm giấy tờ, người ta mới ghi nhầm tên chị ra Trần Thị tiết. Mẹ chị, người phụ nữ nhiều gian truân, một tay chắt chiu cho chồng cho con, nhiều lần mua nhà rồi dắt con ra đường ở vì tính ngẫu hứng của bố chị, đã đặt tên cho con gái mình như thế. Tiếc gì, thì chỉ có mình mẹ chị hiểu.

Trước đây, đã nhiều người khuyên mẹ chị không nên lấy bố chị. Mà cái thời đó, nhiều nhạc sĩ tên tuổi mê mẹ chị lắm. Dẫu sao, bà cũng là hoa khôi Điện Bàn. Nhưng bà chọn ông, chọn là bởi mê cái tính nghệ sĩ và thương cả hoàn cảnh côi cút của ông. Thế thôi.

Do hoàn cảnh riêng bắt buộc chị nghỉ học khá sớm. Nghỉ là vì “Con gái là con người ta”. Tiếc “mèo” phải nghỉ học để phụ mẹ gánh cơm ra chợ bán. Chỉ có các anh em trai của chị là được theo học tiếp. Bán cơm ở chợ, Tiếc “mèo” còn có thêm biệt danh nữa là Tiếc “cơm”.

Chị kể những ngày ấy, mình phải thường xuyên dậy từ lúc 4 giờ sáng để hâm thức ăn, gánh cơm ra chợ bán. Vì khách hàng chỉ là anh xe ôm, chị bán rau nên cần phải ăn sớm.

Có hôm giật mình tỉnh dậy, nhìn đồng hồ đã 6 giờ sáng, chị cuống cuồng gánh cơm đi. Vô tình, chị thấy những bạn học cũ của mình đang tung tăng đến trường. Lại mặc cảm, lại nép mình vào sau lưng Chùa Ông, để ứa nước mắt dõi theo bước chân của bạn.

Một lần, chị đã luýnh quýnh làm đổ cả gánh cơm, gia tài của cả nhà chị vào thời điểm đó. Sau sự cố ấy, chị đã gạt mặc cảm sang một bên, và ngày ngày lại trĩu nặng đôi quang gánh theo mẹ ra chợ.

32 năm sau, thời điểm hiện tại, chị vẫn không thể quên hình ảnh cái thau nhôm trước mặt mình với ngổn ngang chén bát nơi chợ quê. Lần đang rửa bát ấy, bạn chị đi ngang, gọi khẽ: “Tiếc ơi! Đi học mi!”. Vậy là như người mơ ngủ, chị đứng dậy và đi theo bạn. Cho đến lúc mẹ chị gọi giật lại và nói: “Con đi học no hay đi bán cơm no?”. Nước mắt chị lại chảy dài.

Về sau, chị cũng được mẹ cho đi học lại. Nhưng nếu học chính quy thì chị phải chịu học kém bạn mình một lớp. Vậy là chị chọn học bổ túc cho đỡ mặc cảm.

Mẹ chị dẫu từng là văn công múa hát phục vụ trong chiến khu nhưng vẫn không thích con gái mình theo nghiệp cầm ca. Đơn giản, những lần chứng kiến cảnh các đoàn cải lương về Hội An diễn, mẹ chị đã hiểu rõ cảnh “cơm hàng, cháo chợ, ngủ vỉa hè” của người nghệ sĩ. Nhưng rồi hoàn cảnh bắt buộc mẹ chị phải đồng ý cho con mình theo nghiệp diễn.

Năm 1978, chị gia nhập Đoàn Ca múa nhạc Quảng Nam - Đà Nẵng với rất nhiều hoài bão. Nhưng, để cầm micrô và biểu diễn chẳng hề đơn giản chút nào.

Cùng năm đó, Trường Âm nhạc Huế vào Đà Nẵng tuyển sinh và nhanh chóng chị thuyết phục được Hội đồng giám khảo ngay từ những câu hát đầu tiên. Trường đồng ý nhận chị theo học. Tuy nhiên, Đoàn lại nhất định không chịu để chị đi.

Một thời gian sau, Đoàn Ca múa nhạc Quảng Nam - Đà Nẵng giải tán nhóm tốp ca, nơi Ánh Tuyết đang phục vụ. Mọi thứ dường như đã khép lại trước mặt chị.

May mắn là người anh cả của chị thương em gái, vội vã mang toàn bộ giấy tờ ra Huế trình bày với Ban giám hiệu nhà trường. Thông cảm với hoàn cảnh của chị, cộng với sự thuyết phục của chất giọng, Ban giám hiệu đồng ý cho chị nhập học, khi mà khóa học đã khai giảng được một tháng.

Ra Huế học, nhà nghèo nên hành trang của chị chẳng có gì. Đang băn khoăn với nhiều thứ phải lo, thì một cơ hội đến với chị rất tình cờ.

Một đêm, chị theo một chị bạn cùng nghề đi xem biểu diễn. Đột nhiên, một ca sĩ do bận nên không đến diễn được. Ông trưởng đoàn hớt hải chỉ chị hỏi: “Cô ni hát được không?”. “Được lắm chứ răng không?”, người bạn đi cùng chị đáp. Vậy là hát.

Ban nhạc đầu tiên không tin lắm vào khả năng của chị, hỏi rất lạnh lùng: “Cô hát được cái gì?”. “Dạ, em hát được Lịch sử một chuyện tìnhNhạc rừng, chị ái ngại đáp. Vào thế bí, ban nhạc đành miễn cưỡng dạo đàn.

Nhưng khi, “Cúc cu, cúc cu... Chim rừng ca trong nắng...” vang lên, thì khuôn mặt của các thành viên trong ban nhạc đã giãn ra. Nhẹ nhõm, Ánh Tuyết càng hát hay hơn. Khán giả đêm ấy thì quá đỗi ngạc nhiên trước một giọng ca lạ.

Ngay sau đêm diễn ấy, rạp Hưng Đạo, trung tâm ca nhạc lớn nhất cố đô Huế đã mời chị về diễn. Ánh Tuyết nhanh chóng trở thành một "sao" tại Huế. Hàng nghìn khán giả hâm mộ chị, nhưng Ánh Tuyết cứ nhớ mãi hình ảnh của một nữ khán giả lạ.

Đêm đó, chị diễn xong. Vừa bước ra khỏi rạp Hưng Đạo, thì chị thấy một khán giả nép sau cánh cửa rạp gọi khẽ để xin gặp mình. “Tui thích giọng của Ánh Tuyết dữ lắm, nhưng tui chỉ xin gặp Ánh Tuyết xíu thôi. Tui không muốn làm ảnh hưởng đến danh dự của Tuyết”, nữ khán giả nói. “Răng rứa chị”, Ánh Tuyết hỏi. “Vì tui làm cái nghề kỳ lắm”. “Nghề gì?”. “Tui làm gái dưới đò mà, Tuyết ơi!”.

Chị khóc, khóc vì tình cảm của khán giả dành cho mình, khóc cả cho thân phận của người phụ nữ kia. “Mà em biết không, chị ấy đẹp lắm nghe, nước da trắng như bông bưởi, giọng thì nhỏ nhẹ. Mình đề nghị giúp chị một số tiền, nhưng chị nhất định không chịu. Chị chỉ cần gặp mình thôi”, Ánh Tuyết kể.

Như một thói quen, mỗi lần tết đến, chị lại về quê và tham gia biểu diễn. Lần về tết năm 1979, chị vụt lớn và ra dáng thiếu nữ rất nhanh. Tiếc “mèo” ngày xưa trở thành cô gái ưa nhìn.

Cũng trong chương trình ca nhạc năm ấy, nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ đã chính thức đặt nghệ danh cho chị là Ánh Tuyết. Nhưng, lúc này, mọi người đã quen gọi chị là “Ôi, mê ly”. “Về quê, mình vẫn ra chợ phụ mẹ bán cơm. Chứng kiến cảnh những người ở chợ gọi mình là “Ôi, mê ly” về đó kìa, mới biết hạnh phúc thế nào. Bản thân người nghệ sĩ chỉ cần có vậy. Chị không cần gì hơn đâu”, chị nói rất xúc động.

Năm 1983, chị đoạt Huy chương Vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Nhưng cũng ngay trong năm này, gia đình chị gặp sự cố lớn về kinh tế. Cha mẹ và anh em chị phải dắt díu nhau vào Đà Lạt để tìm kế sinh nhai.

Bản thân chị thì lặn lội xuống Sài Gòn tìm một cơ hội. Xuống Sài Gòn, vẻn vẹn với chiếc xe đạp mini cũ và 1.000 đồng mà mẹ chị phải vét hết tiền nhà mới đủ đưa cho chị. Những ngày kiếm cơ hội ở thành phố, chị bắt đầu thấm thía với những mánh khóe sau sàn diễn.

Và khi vét hết tiền túi chỉ đủ mua nổi ổ bánh mì gặm trước lúc diễn, chị đã quyết định trở về lại Hội An. Trên hành trình về lại quê, chị có ghé Nha Trang thăm một người bạn. Bạn chị đề nghị chị gia nhập Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng tỉnh Khánh Hòa.

Ngay khi chị đồng ý, ông trưởng đoàn Hải Đăng đã lập tức lên kế hoạch đón gia đình chị về Nha Trang và làm hộ khẩu, cấp nhà cho chị. Mà Ánh Tuyết ngoài hát, có nghĩ gì đến chuyện nhà cửa.

Vậy là chị cứ hát hết mình, thờ ơ chuyện ưu đãi. Kết quả khi rời đoàn Hải Đăng chị chẳng có gì cho riêng mình. Nhưng chị đã mang về cho đoàn một huy chương vàng Hội thi Ca múa nhạc toàn quốc năm 1985.

Năm 1990, chị lại quyết định vào Sài Gòn một lần nữa.

Một giọng ca lạ, người từng đoạt rất nhiều huy chương vàng trong các cuộc thi toàn quốc giờ phải chịu cảnh đi bộ qua rất nhiều sân khấu để gõ cửa xin hát. Đơn giản là bởi “Để hát được hoặc có tiền hoặc phải có thân thế và cuối cùng là thế thân. Nhưng ba cái ấy mình đều không có và không làm được. Biết làm sao bây giờ”, chị đúc kết.

Con đường từ Công viên Đầm Sen tới ký túc xá Trần Hưng Đạo nơi chị đang ở nhờ, như dài ra, bởi Ánh Tuyết không có tiền đi xe ôm hoặc xe đạp mà chỉ đi bộ vì những đêm ngồi đợi không được hát. Những ngày tủi nhục với chị. Đã có lúc, chị nghĩ mình nên tìm một nghề khác, không theo nghiệp hát nữa. Nhưng với chị, ngoài ca hát thì chị chẳng biết làm nghề gì.

Năm 1993, chị về quê, rồi một cơ may lại đến với chị. Sau những ngày ở quê, chị trở lại Sài Gòn thì lập tức được mời tham dự đêm nhạc của Văn Cao.

Chị nói năm đó, đêm nhạc Văn Cao mọi người đến chủ yếu để nghe ông nói và nhìn thấy ông, rồi mới đến để nghe ca sĩ hát. Vậy mà khi Ánh Tuyết hát Thiên thaiBuồn tàn thu, thì sáng hôm sau báo giới cả nước đều khen ngợi giọng ca của chị.

Sau đêm diễn ấy, nhiều hợp đồng mời thu âm được gửi đến chị. Nhưng, những ngày hạnh phúc ấy sớm qua mau, bởi Ánh Tuyết rất kén sân khấu. Chị nói là chị thích hát theo ngẫu hứng, chứ không phải vì tiền. Thích nơi nào thì hát nơi đó.

Hai năm sau, chị lập gia đình. Chồng chị là anh kỹ sư người Pháp. Chị lấy anh là bởi nhìn anh hiền và có trách nhiệm. Thôi thì chuyện ca hát chưa đến đâu, phải lo chuyện gia đình trước đã, chị nhủ vậy. Mẹ chị, người đàn bà gian truân một đời đã rất sốt ruột khi thấy đứa con gái duy nhất đã bước sang tuổi 35 mà vẫn phòng không. Tổ chức đám cưới xong, tổng cộng vốn liếng của hai vợ chồng không nhiều và phải đi ở nhà thuê.

Cưới xong thì chị mang thai, anh lại phải trở về Pháp lo việc gia đình. Chị ở bên này chuẩn bị sinh con, vắng chồng. Vốn liếng vợ chồng chị dành dụm được chị chăm chút chờ ngày sinh. Ngờ đâu, một người bạn lại rỉ tai xin chị cho mượn toàn bộ số tiền đó. Thương bạn, chị cũng đưa.

Số tiền ấy không được hoàn trả trọn vẹn lại như lời cô bạn đã hứa. Oái oăm hơn, chiếc xe là phương tiện đi lại duy nhất của chị cũng bị mất. Chị trắng tay hoàn toàn. Cái thai ngày mỗi lớn, chị vẫn phải lọ mọ đi về kiếm nơi diễn để dành tiền cho ngày sinh.

Đi hát thêm vài năm, chị dành dụm được một số vốn và bắt đầu mở Công ty ATC. “Mở rất liều, được ăn cả ngã về không. Chứ mình có biết gì về kinh doanh đâu”, Ánh Tuyết nói. Vậy mà thành công.

Rồi lần lượt phòng trà ATB được chị đưa vào kế hoạch kinh doanh của mình, tiếp đến là quán cà phê ATB. Mà chắc cũng chẳng có ai như chị, kinh doanh phòng trà chủ yếu là vì thích chứ chẳng tính nhiều đến lợi nhuận.

Lẽ tất nhiên của cuộc đời là qua cơn giông bão thì đến ngày nắng xanh. Nhưng, để nghị lực có thể biến thành hồn nhiên mà bước đi trước giông bão như chị không nhiều. Hồn nhiên mà đi, đơn giản chỉ là bởi “Cô bé Tiếc “mèo” năm xưa, khi bán cơm nơi cái chợ quê ấy, luôn hy vọng vào tương lai”.

(Theo Công An Nhân Dân)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật