Nỗi lo con bị ’bóng’

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bà Bảy rất lo khi thấy mấy đứa trẻ hàng xóm thường gọi con trai mình là "cô Hưng". Nhiều lần, bà cũng hoảng khi ngắm con trai mình đi cứ vắt vắt cái chân như mấy cô người mẫu tập đi trên đường thẳng, cái hông xuôi dẹp đong đưa, bàn tay để móng dài khẽ ve vảy...
Nỗi lo con bị ’bóng’
Ảnh minh họa

Hưng rất điệu, trong túi luôn có son dưỡng môi và geo vuốt tóc, chưa kể tới sữa rửa mặt, kem dưỡng da và nước hoa trong phòng tắm. Nhìn cái dáng con trai ngồi trên xe máy, bà Bảy cũng thấy bất thường: Hưng luôn cố gắng ngồi thẳng lưng, mông hơi cong cong, hai đầu gối chụm vào nhau như con gái mặc váy đi xe...

Hưng là con trai duy nhất, sau 3 chị gái. Bà Bảy sinh Hưng lúc gần 40 tuổi nên thể chất cậu từ nhỏ đã hơi yếu đuối, dáng người đến lúc 16-17 vẫn nhỏ nhỏ, gầy gầy. Nhưng điều đáng lo nhất của bà là càng lớn Hưng càng tỏ ra... ủy mị, nhẹ nhàng quá mức, không giống như mấy cậu thanh niên choai choai đang vỡ giọng, nhổ giò vùn vụt lớn trong xóm.

Từ bé, Hưng đã được bố mẹ và các chị rất chiều chuộng. Sống với 3 chị gái nên Hưng rất thành thạo các kỹ năng làm đẹp của các chị, có thể góp ý chị để tóc kiểu nọ, trang điểm kiểu kia, thậm chí các bà chị thi thoảng còn nhờ cậu "nhổ lông cách". Mặc dù đã bước sang tuổi 17, Hưng vẫn chưa vỡ giọng mà vẫn nói bằng giọng rất nhẹ nhàng, giàu âm sắc. Bà Bảy mỗi khi thấy Hưng nép người ngoài cánh cửa, thò đầu vào hỏi mẹ trước khi vào phòng rất ý tứ lại thấy gai gai trong người.... Những suy nghĩ đáng sợ len lỏi vào đầu bà và mọi người trong nhà nhưng tất cả đều sợ không dám nói ra...

Cũng có cảm giác như bà Bảy, vợ chồng chị Minh ở Trương Định, Hà Nội, cũng cảm thấy cậu con trai mình hình như "có vấn đề". Long, 15 tuổi, nhìn bề ngoài trông rất con trai nhưng lại có một sở thích đặc biệt "nữ tính" là vải vóc, kim chỉ, hạt đính... Quần áo mẹ mua cho, đến tay Long thế nào cũng bị biến thể bởi hàng đống cúc và hạt. Nhiều khi nhìn con trai say sưa cặm cụi ngồi dính cườm lên quần áo mà chị Minh cứ hình dung ra một cô con gái điệu đà. Long cũng ít tham gia những trò thể thao thể dục của bọn con trai mà hay dành thời gian để xem các chương trình thời trang, người đẹp trên TV... hoặc tự cắt quần áo váy vóc cho mấy con chó, con mèo nuôi trong nhà. Mặc dù chưa thấy có ai chỉ trích về sở thích của con trai nhưng chị Minh cứ lo lo, nhất là mỗi khi nghe những chuyện về người đồng tính. Chị loay hoay mãi với suy nghĩ không biết con mình có bị "gay" không và lo sợ rằng những sở thích khác lạ của con là những biểu hiện đầu tiên của bệnh đồng tính.

Sự yểu điệu của các cậu con trai khiến ông bố bà mẹ lo lắng bao nhiêu thì vẻ ngông nghênh, bạo dạn, ăn to nói lớn, cắt tóc ngắn, toàn mặc đồ con trai ở cô con gái cũng khiến cho gia đình chị Thảo, buôn bán ở chợ Hôm, cũng phiền lòng không kém. Con gái chị toàn theo các bạn trai đi đá bóng, học võ, trượt ván... nếu phải vào bếp phụ mẹ nấu ăn thì cô bé tỏ ra rất bất mãn và hoàn toàn không bao giờ mặc váy hay phấn son trang điểm. Nghe bố than thở: "Con gái con đứa gì mà ngổ ngáo, chẳng có tí nữ tính gì cả. Cứ thế thì ai dám rước!", con gái trả lời thẳng tưng: "Con cần gì thằng nào!", bố mẹ nghe chán luôn.  

Rất lo lắng về sự phát triển có biểu hiện khác thường của con, có phụ huynh thậm chí còn sợ con mình bị "ái nam ái nữ". Tuy nhiên, cuối cùng thì hầu hết các ông bố bà mẹ đều bộc lộ hy vọng rằng đó chỉ là một nét tính cách đặc biệt của con mình, đến tuổi trưởng thành sẽ hết. Nhiều người đã tìm đến các Trung tâm Tư vấn Sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên để xin các bác sĩ tư vấn vì hoang mang trước những biểu hiện bất thường của con mình.

Bác sĩ Nguyễn Phan Tự Lập, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn SKSS Minh Hạnh, phụ trách đường dây tư vấn sức khỏe 1088 Hà Nội, cho biết: "Số ca yêu cầu tư vấn về vấn đề giới tính tuổi vị thành niên hiện chiếm khoảng 30%. Đối với những vị phụ huynh tìm đến các chuyên gia xin tư vấn khi phát hiện những điều bất thường của con cái, bác sĩ Lập đánh giá đó là những ông bố bà mẹ rất quan tâm tới con cái. Bởi trên thực tế, đối với những trường hợp có dấu hiệu đồng tính, chính các em sẽ là người ý thức được sự khác lạ của mình và luôn cố gắng che giấu mọi người, đến khi quá bức xúc, chính các em sẽ là người gọi điện đến các trung tâm để tâm sự và xin tư vấn. Các em thường ở trong độ tuổi dậy thì hoặc đang trưởng thành, thường từ 14 đến 22 tuổi, nam nhiều hơn nữ và các em nam cũng tâm sự cởi mở hơn. Bác sĩ Lập cho biết: "Khi các vị phụ huynh cảm thấy con mình có những sở thích, tâm tính khác với giới tính, bố mẹ nên tìm hiểu kỹ xem đó là vấn đề về bệnh lý hay chỉ là vấn đề về nhận thức".

Đối với những trường hợp bệnh lý, các em này c‌ơ th‌ể có thể bị thiếu hoặc thừa hormone, một số loại men... dẫn đến những điều bất thường về giới tính. Phụ huynh nên đưa các em đến bệnh viện để kiểm tra toàn diện.

May mắn hơn nếu những em trai yểu điệu như thục nữ và các em gái thích "ăn sóng nói gió" như con trai thực ra chỉ là có một chút vấn đề về ý thức hoặc thiên về cá tính, sở thích đặc biệt. Ví dụ như trường hợp của Hưng, từ bé đã sống trong sự chiều chuộng, bao bọc của mẹ và 3 chị gái, cộng với thể chất yếu đuối có thể đã ảnh hưởng đến tính cách của cậu. Còn với Long, cậu bé lúc nào cũng tỉ mẩn với "nữ công gia chánh" thì có thể đó là sở thích đặc biệt, chưa nói lên điều gì đáng lo quá mức như mẹ em nghĩ.

Theo lời khuyên của chuyên gia, bố mẹ của các em đã chú ý hơn đến việc tâm sự, tìm hiểu kỹ suy nghĩ của con và hướng con đến những hoạt động phù hợp hơn với con mình. Hưng được bố "kèm cặp" nhiều hơn, nói chuyện, cùng xử lý các vấn đề của cánh đàn ông trong cuộc sống hàng ngày... Với Long, khi mẹ em gợi ý cho em theo học thiết kế thời trang như lời chuyên gia tư vấn, cậu bé rất hào hứng tham gia và tỏ ra rất có năng khiếu.

Tất nhiên, quá trình hướng dẫn cho các em có cá tính, sở thích khác thường so với giới tính của mình là một con đường khá dài và không dễ dàng, đòi hỏi người làm cha, mẹ phải thực sự quan tâm và thấu hiểu những tâm tư của con mình, là người bạn đồng hành của con trong những năm tháng trưởng thành.

K.N.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật