Cuộc “giao duyên” giữa văn và họa

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Truyện Kiều” không chỉ là nguồn cảm hứng vô tận cho văn chương mà còn là nguồn cảm hứng của hội họa. Mới đây, một ấn bản mới của Truyện Kiều của Nhà xuất bản Văn học và Công ty sách Đông A vừa ra mắt, đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc.
Cuộc “giao duyên” giữa văn và họa
Ảnh minh họa

Ấn bản “Truyện Kiều” lần này có 15 tranh minh họa của 15 họa sĩ đương đại do họa sĩ Thành Chương tổ chức và tập hợp mở ra cho độc giả cái nhìn mới, cảm xúc mới, mang tới diện mạo mới cho tác phẩm kinh điển của văn chương Việt Nam.

Mỗi bản vẽ là một tác phẩm trọn vẹn

“Truyện Kiều” là tác phẩm nổi tiếng bậc nhất trong kho tàng văn học Việt Nam. Tác phẩm trở nên quen thuộc và đi vào đời sống của bao thế hệ người Việt. Trong ấn bản “Kiều” mới xuất bản của nhà sách Đông A, bạn đọc không chỉ được đọc áng văn chương của Đại thi hào Nguyễn Du, mà còn được thưởng thức các bức tranh của những họa sĩ đương đại nổi tiếng.

Nhiều người cho rằng, minh họa trong “Truyện Kiều” lần này giống như “văn bản thứ hai”. Mỗi họa sĩ khai khác theo cách riêng khiến mỗi bản vẽ là một tác phẩm trọn vẹn.

Nếu như minh họa “Chị em Thúy Kiều” của Đặng Tiến, màu sắc tạo hình tưởng thuần ca ngợi vẻ đẹp nhưng lại đánh đố người xem tìm cho được đâu là Kiều, đâu là Vân thì tranh minh họa “Mã Giám Sinh đưa Kiều về Lâm Truy” của Đặng Xuân Hòa tạo hình nhân vật đầy gai góc như phơi bày tâm can ngồn ngộn chua cay.

Minh họa cho đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích” tác giả Trần Văn Thảo lại dùng ít tông màu và phân mảng rõ rệt, hàm ý sự bế tắc hoặc dự báo chuỗi ngày chông gai sắp tới của Kiều; bản “Đêm thề nguyền của Kim - Kiều” của Đỗ Dũng, “Thúy Kiều và Từ Hải” của Đỗ Hoàng Tường, “Đoàn viên” của Thành Chương… từ phối màu, vẽ nét đều cho cảm nhận về đời sống hôm nay.

Họa sĩ Thành Chương bày tỏ: “Giá trị của “Truyện Kiều” với người dân Việt Nam đã được khẳng định, với ấn bản mới lần này, chúng tôi chỉ mong giữa văn và họa có sự gắn bó quấn quýt với nhau. Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, các họa sĩ đều có sự nhìn nhận, hiểu, vẽ tranh về “Truyện Kiều” với tinh thần, quan niệm của giai đoạn đó rất rõ”.

Cũng theo họa sĩ Thành Chương, với bộ tranh minh họa lần này, những họa sĩ của thời mở cửa mong muốn góp một cách nhìn mới gần gũi với thế hệ trẻ hơn, để qua “Truyện Kiều” ấn bản mới này thấy được chân dung tương đối của người họa sĩ và qua con mắt của họa sĩ sẽ thấy một cách thể hiện khác về “Truyện Kiều”.

Dấu ấn thế hệ đương đại

Những cuộc “kết duyên” giữa hai lĩnh vực này vốn là đề tài hấp dẫn. Trước đây, danh tác “Truyện Kiều” đã có nhiều danh họa vẽ minh họa và để lại nhiều dấu ấn. Năm 1942, 11 họa sĩ Việt Nam đã thực hiện 11 bức tranh in trong “Tập văn học kỷ niệm Nguyễn Du” với những họa sĩ lừng danh như Tô Ngọc Vân, Lê Văn Đệ, Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị, Trần Văn Cẩn, Tôn Thất Đào... Năm 1992, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin có in “Kiều” với minh họa của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, họa sĩ Nguyễn Đức Nùng và họa sĩ Bùi Xuân Phái…

Mỗi giai đoạn các họa sĩ đều có cách hiểu thể hiện khác nhau mang hơi thở, dấu ấn, quan niệm của đời sống thời đại đó. Lần này các họa sĩ đương đại thổi hồn cho “Truyện Kiều” với một màu sắc trẻ trung, tươi mới, mang một diện mạo mới, màu sắc tươi trẻ. Ấn bản này cho thấy phần nào diện mạo của mỹ thuật Việt Nam đương đại.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Các bức họa gợi thêm cách thẩm, cách cảm về một kiệt tác hơn 200 năm. Tôi cảm nhận được sự sâu lắng trong đó và tôi cũng thèm được thấy các bức vẽ khác về “Truyện Kiều”.

Với sự độc đáo, ấn tượng, “Truyện Kiều” mới xuất bản của nhà sách Đông A đã tạo nên một cuộc đối thoại thú vị, mới mẻ giữa “Truyện Kiều” và hội họa đương đại. Và đó cũng là cách “Truyện Kiều” tiếp tục đi vào cuộc sống của độc giả đương thời.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật