Nhọc nhằn tu nghiệp sinh tại Nhật

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những lao động trẻ ở nhiều nước châu Âu sang Nhật Bản theo các chương trình huấn nghệ được gọi là “tu nghiệp sinh” thay vì “lao động xuất khẩu”. Các tu nghiệp sinh này sống và làm việc như thế nào trên đất Nhật?
Nhọc nhằn tu nghiệp sinh tại Nhật
Lao động nước ngoài biểu tình đòi quyền lợi ở Nhật
Ba mùa hè trước có sáu phụ nữ Trung Quốc đặt chân tới thành phố Hiroshima, họ là một phần trong số hàng chục ngàn tu nghiệp sinh được đưa tới Nhật Bản hàng năm với lời hứa hẹn sẽ được đào tạo nghề, lương cao và cơ hội thăng tiến khi trở lại quê nhà. Chương trình “huấn nghệ cho công nhân nước ngoài” này tuy được chính phủ Nhật Bản phê duyệt và hỗ trợ, nhưng vẫn bị công luận chỉ trích dữ dội. Các phụ nữ Trung Quốc tại Hiroshima cho biết, họ phải lao động 16 giờ mỗi ngày trong một nhà máy lắp ráp điện thoại di động, hưởng lương dưới mức lương tối thiểu và không được đào tạo nghề gì cả. Cô Zhang Yuwei, 23 tuổi, vận hành máy in bàn phím điện thoại, than thở: “Đầu thì đau nhức, cổ họng khô rát”. Nơi cô làm việc lúc nào cũng đầy khói độc đến mức các quản đốc yêu cầu công nhân người Nhật không được đến chỗ cô. Zhang bị đuổi việc hồi tháng trước sau khi chủ nhà máy phát hiện cô và 5 nữ công nhân đồng hương đã than phiền với một người hoạt động xã hội về tình cảnh đáng thương của mình. Hiện thời, một luật sư Nhật Bản đang giúp nhóm công nhân này khởi kiện ông chủ cũ, đòi khoản tiền lương còn nợ và tiền bồi thường lên tới 207.000 đô la Mỹ.

Những nhà hoạt động nhân quyền nói rằng công nhân nước ngoài đã trở thành nguồn lao động giá rẻ và bị bóc lột nặng nề ở một đất nước có dân số già đi nhanh nhất và tốc độ sinh sản thấp nhất thế giới. Do hoàn toàn đóng cửa với việc nhập cư nên Nhật Bản phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, nhất là lao động ở các nông trại cực nhọc mà lương thấp hay trong các nhà máy nhỏ do các gia đình quản lý. Ông Shoichi Ibusuki, một luật sư về nhân quyền có văn phòng ở Tokyo, cho biết: “Tình trạng đối xử tệ với tu nghiệp sinh dường như đã lây lan rộng”.

Hiện thời có khoảng 190.000 tu nghiệp sinh từ khắp các nước châu Á - là những công nhân di cư ở độ tuổi đôi mươi - đang làm việc trong các nhà máy và nông trại ở Nhật Bản. Về lý thuyết, họ được đưa đến đất nước này để học hỏi chuyên môn kỹ thuật theo một chương trình viện trợ quốc tế mà chính phủ Nhật phát động vào thập niên 1990. Đối với các doanh nghiệp, chương trình huấn nghệ do chính phủ tài trợ tồn tại một lỗ hổng luật pháp cho việc thuê mướn công nhân nước ngoài. Các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng, do thiếu sự bảo hộ về pháp lý, lực lượng lao động hợp tác này đã bị đẩy vào những điều kiện làm việc dưới tiêu chuẩn, thậm chí nguy hiểm chết người. Số liệu của chính phủ Nhật Bản cho thấy, từ năm 2005 đã có ít nhất 127 tu nghiệp sinh t‌ử von‌g, bình quân cứ 2.600 tu nghiệp sinh thì có 1 người chết - một tỷ lệ mà các chuyên gia đều cho là quá cao đối với lớp người trẻ tuổi hầu hết đã qua được những cuộc kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt trước khi tham gia chương trình.

Năm 2009, Bộ Tư pháp Nhật Bản phát hiện hơn 400 trường hợp đối xử sai trái với các tu nghiệp sinh ở các công ty khắp nước Nhật, từ việc không trả lương đúng quy định của pháp luật cho đến việc buộc tu nghiệp sinh làm việc trong những điều kiện nguy hiểm. Mới tháng này, các thanh tra lao động ở miền Trung Nhật Bản xác định Jiang Xiaodong, 31 tuổi, tu nghiệp sinh từ Trung Quốc, đã bị t‌ử von‌g vì tim ngừng đập do lao động quá sức gây ra.

190.000 tu nghiệp sinh từ khắp các nước châu Á đang làm việc tại Nhật Bản

Dưới áp lực của các tổ chức bảo vệ nhân quyền và hàng loạt vụ kiện cáo ở tòa án, chính phủ Nhật đã bắt đầu xử lý một số vụ lạ‌m dụn‌g chương trình tồi tệ nhất. Liên hiệp quốc cũng thúc giục Nhật Bản bãi bỏ chương trình huấn nghệ này. Sau khoảng một năm “huấn nghệ”, trong đó họ được nhận một khoản thu nhập vừa đủ sống dưới mức lương tối thiểu, tu nghiệp sinh được phép làm việc thêm hai năm nữa theo nghề chuyên môn và được hưởng lương theo luật định. Nhưng thực tế, công nhân nước ngoài hiếm khi được trả những mức lương đó. Trên giấy tờ, mức lương cam kết vẫn có sức hấp dẫn công nhân di cư. Nhiều người trong số họ là từ vùng nông thôn Trung Quốc, nơi thu nhập ròng tính theo đầu người chỉ vào khoảng 750 USD/năm. Để được tham gia chương trình, các tu nghiệp sinh tương lai phải đóng các khoản phí cao gấp nhiều lần số thu nhập đó, phải đóng tiền ký quỹ cho công ty môi giới xuất khẩu lao động ở địa phương, nhiều khi phải cầm cố nhà cửa để rồi tài sản bị tịch thu nếu tu nghiệp sinh bỏ việc trước thời hạn hoặc gây rắc rối cho chương trình. Tổ chức hợp tác huấn luyện quốc tế Nhật Bản, gọi tắt là Jitco - cơ quan điều hành chương trình, nói rằng, họ biết một vài công ty lạ‌m dụn‌g chương trình này và họ đang tiến hành các bước cần thiết để xóa bỏ những trường hợp tồi tệ nhất.

Do thiếu sự bảo hộ về pháp lý, các tu nghiệp sinh nước ngoài đã bị đẩy vào những điều kiện làm việc dưới tiêu chuẩn.

Cô Zhang cho biết, để giành được một chỗ trong chương trình cô đã phải trả 8.860 USD cho một công ty môi giới ở tỉnh Hà Bắc quê hương cô. Cô được phân công về một nhà máy của công ty Modex-Alpha, chuyên lắp ráp điện thoại di động cho hãng Sharp và các tập đoàn điện tử khác. Cô Zhang cho biết chủ nhà máy yêu cầu cô phải nộp hộ chiếu và xếp cô ở chung với 5 tu nghiệp sinh khác trong một căn hộ chật chội và không có lò sưởi. Theo đơn kiện của cô Zhang, trong năm đầu tiên, cô làm việc tám giờ mỗi ngày và mỗi tháng được nhận 660 đô la Mỹ sau khi trừ nhiều khoản - tương đương 3,77 USD/giờ, chưa bằng một nửa mức lương tối thiểu ở thành phố Hiroshima. Hơn thế nữa, cô chỉ được nhận 170 USD, số tiền còn lại công ty thu giữ làm khoản tiền tiết kiệm và họ chỉ trả cho cô sau khi cô Zhang thúc ép họ phải thanh toán hết. Trong năm thứ hai, lương tháng của cô tăng lên khoảng 1.510 USD - tức 7,91 USD/giờ, vẫn còn thấp hơn mức lương tối thiểu 8,56 USD/giờ của ngành điện tử ở Hiroshima. Và mỗi tháng chủ công ty chỉ trả cho cô 836 USD sau khi trừ tiền ăn ở và các chi phí khác. Và khi tiền lương tăng thì giờ làm việc của cô Zhang cũng tăng tương ứng, có khi lên tới 16 giờ mỗi ngày, từ 5 đến 6 ngày mỗi tuần.

Trong một phần nỗ lực của chính phủ Nhật Bản làm trong sạch chương trình huấn nghệ này, bắt đầu từ ngày 1/7 vừa qua, lần đầu tiên mức lương tối thiểu và các biện pháp bảo hộ lao động khác đã được áp dụng cho các tu nghiệp sinh năm thứ nhất. Chính phủ cũng cấm việc thu giữ hộ chiếu của tu nghiệp sinh. Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng, thay đổi văn hóa của chương trình này là điều rất khó.

Khó khăn kinh tế cũng là một yếu tố. Các tập đoàn lớn như Toyota hay Mazda đã di chuyển phần lớn công việc sản xuất sang Trung Quốc để tận dụng lợi thế lao động rẻ, nhưng các doanh nghiệp nhỏ thì không thể làm như vậy dù họ vẫn bị áp lực phải giảm chi phí sản xuất. Kimihiro Komatsu, nhà tư vấn lao động ở Hiroshima nhận định: “Nếu các doanh nghiệp này thuê mướn công nhân Nhật Bản, họ phải trả nhiều tiền. Các tu nghiệp sinh thì chỉ nhận được lương tối thiểu. Cho nên Nhật Bản không thể ngừng chương trình này”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật