Nhức nhối nạn tảo hôn ở học sinh miền núi Thừa Thiên Huế

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Căn nhà được lợp bằng mấy tấm ván cũ nằm ở bìa rừng xã Hồng Quảng (H.A Lưới, TT-Huế) là của đôi vợ chồng trẻ Trần Thị L. và Hồ Văn T. (đều 21 tuổi), người đồng bào Tà Ôi.
Nhức nhối nạn tảo hôn ở học sinh miền núi Thừa Thiên Huế
Lực lượng quân y BĐBP tỉnh TT-Huế tuyên truyền người dân ở A Lưới về kế hoạch hóa gia đình.

Bỏ học lấy chồng

Khi chúng tôi đến, L. vừa cho con gái lớn 4 tuổi ăn cơm trưa vừa ru cho con nhỏ 1 tuổi ngủ. Bữa ăn của đứa con lớn là bát cơm nguội được nấu từ sáng ăn với xì dầu. Thấy chúng tôi có vẻ tò mò khi cháu bé ăn uống đơn giản, Lễ bắt đầu kể về cuộc sống của mình. Lễ với chồng quen nhau khi cả hai đang học lớp 11 tại một trường ở huyện. Đi theo tiếng gọi của "con tim", năm 2014, cả hai quyết định nghỉ học làm đám cưới ở tuổi 17. Vừa đun ấm nước để mời khách, Lễ tiếp lời: "Từ ngày cưới nhau về, vợ chồng cũng phải chạy ăn từng bữa. Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm, chồng đã lên rẫy trồng sắn, hôm nào không lên rẫy thì đi chăn bò thuê. Dù làm quần quật nhưng trong nhà lúc nào cũng thiếu thốn".

Dáng người nhỏ thó, mặt non nớt nhưng Hồ Thị Hạ (16 tuổi, ở xã Hồng Bắc, H.A Lưới) đã làm mẹ hơn một năm nay. Lập gia đình nhiều năm nhưng Hạ vẫn sống nhờ ba mẹ chồng vì không có điều kiện ra riêng. Chị Nguyễn Thị Thanh- mẹ chồng Hạ, cho biết, cả Hạ và chồng đều nghỉ học sớm. Cách đây 3 năm, trong một lần đi chơi lễ hội, Hạ và Đa quen rồi yêu nhau. Sau một thời gian quan hệ yêu đương sớm, Hạ mang bầu nên hai bên gia đình phải tổ chức đám cưới. "Khi biết con Hạ tuổi còn quá nhỏ, vợ chồng tui đã ngăn cản chuyện yêu đương nhưng chúng không chịu nghe lời người lớn. Sau khi cưới, hai đứa chẳng biết làm chi mà ăn, việc chăm sóc con cái cũng không rành"- chị Thanh buồn bã kể...

Ở H. Nam Đông, em Trần Thị Đ. (thôn A Sách, xã Thượng Nhật) lấy chồng khi vừa lên lớp 11. Năm nay 23 tuổi nhưng Đ. đã lấy chồng được 7 năm. Hiện, em có 2 đứa con, đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi. Cả hai con của Đ. đều còi cọc. "Em lấy chồng khi trong tay không có gì cả, nhà cửa được dựng tạm bợ bằng mấy tấm ván cũ, cái ăn cái mặc chỉ trông chờ vào mấy nương sắn và tiền công làm thuê thất thường"- Đ. thổ lộ. Cũng trong năm 2016, có 2 em nữ ở xã Thượng Long, H.Nam Đông khi đang theo học tại Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh TT-Huế cũng bỏ học giữa chừng về quê lấy chồng. Dù nhà trường và các ban ngành đã trực tiếp vận động nhưng gia đình vẫn buộc 2 em thôi học, về quê để đám cưới vì đã "lỡ hứa" với nhà trai do phong tục tảo hôn từ nhỏ.

Đang học lớp 11, chị L. quyết định nghỉ học, lấy chồng (trong ảnh, chị L. và con gái đầu).

Chưa đầy 16 tuổi nhưng Hồ Thị Hạ đã có con 1 tuổi.

Cần tuyên truyền tác hại của tảo hôn trong trường học

Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh TT-Huế khóa VII chiều 8-12, đại biểu Trần Thị Minh Nguyệt chất vấn, năm 2017, trên địa bàn tỉnh TT-Huế có 40 trường hợp tảo hôn, trong đó H. A Lưới tăng 20 trường hợp so với năm 2016. "Có cặp vợ chồng lấy nhau lúc 14 tuổi. Đây là vấn đề gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đề nghị UBND tỉnh cho biết những biện pháp để ngăn chặn dứt điểm tình trạng này"- đại biểu Nguyệt nói. Trả lời vấn đề này, ông Hồ Xuân Trăng- Trưởng ban Dân tộc tỉnh TT- Huế cho biết, năm 2013, H. A Lưới đã ban hành Nghị quyết về việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2013- 2017. Qua đó, tỷ lệ tảo hôn đã giảm dần. Tuy nhiên, đến năm 2017 là giai đoạn cuối thực hiện Nghị quyết nói trên thì tỷ lệ tảo hôn lại tăng vọt trở lại, với 35 trường hợp. Theo ông Trăng, nguyên nhân tảo hôn chủ yếu do chất lượng cuộc sống còn thấp, trình độ dân trí và nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn hạn chế, thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản vị thành niên. Mặt khác, do tác động bởi những mặt trái của thời đại thông tin, giới trẻ dễ dàng tiếp cận những nguồn phim ảnh không lành mạnh qua Internet cũng ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý của trẻ vị thành niên dẫn đến tảo hôn. "Đời sống kinh tế- xã hội khó khăn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn, vì vậy cần phải có những biện pháp phát triển kinh tế để cải thiện đời sống của đồng bào DTTS. Đặc biệt, tổ chức thực hiện tốt các dự án mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững"- ông Trăng nhấn mạnh.

Theo ông Trăng, để ngăn chặn nạn tảo hôn, cần phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn bản. Đặc biệt, nên quy định chế tài xử lý người đứng đầu các địa phương để xảy ra tình trạng tảo hôn nhiều và có chiều hướng gia tăng. Cùng với đó là sự phối hợp tuyên truyền của các tổ chức đoàn thể- xã hội về chính sách pháp luật hôn nhân gia đình nói chung và tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết nói riêng, đặc biệt đối với lứa tuổi thanh thiếu niên 14- 18 tuổi. Ông Hồ Xuân Trăng đề nghị, Sở GD&ĐT TT-Huế tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, cung cấp các kiến thức pháp luật và thông tin về hôn nhân gia đình trong các trường THCS tại 2 huyện A Lưới và Nam Đông, đặc biệt là Trường THCS nội trú, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về tác hại của tảo hôn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật