Bi hài mùa cưới: Người người, nhà nhà hoang mang với... những tấm thiệp hồng

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tiền mừng cưới - một trong những khoản chi khiến không ít dân công sở, sinh viên phải ’méo mặt’. Mối quan hệ càng rộng, khoản chi cho đám cưới cũng càng nhiều thêm. Đi thì xót mà không đi lại... chẳng xong.
Bi hài mùa cưới: Người người, nhà nhà hoang mang với... những tấm thiệp hồng
Cứ đến mùa cưới là người người, nhà nhà đều tim đập, chân run vì phải đi ăn cưới (Ảnh minh họa: marry.vn)

Khi tiền lương chẳng đủ tiền mừng cưới

Hương 22 tuổi, là công nhân may ở Hải Phòng. Lương công nhân của cô mỗi tháng được xấp xỉ 2 triệu đồng. Hồi còn ở với bố mẹ, cô chỉ đóng mỗi tháng 500.000 tiền ăn, số còn lại cũng đủ chi tiêu. Nhưng từ khi lấy chồng là một anh thợ ngoại tỉnh vào năm ngoái, Hương dọn ra thuê nhà trọ. Chồng cô thu nhập không ổn định, có tháng được 4 - 5 triệu đồng, có tháng chẳng còn được đồng nào.

“Cuối năm nay họ hàng, bạn bè em cưới liên tục. Những lúc như thế em cứ ước mình là người ngoại tỉnh đi làm xa để có cớ bận làm không về dự được. Nhưng mà anh em, bạn bè đều ở gần cả nên phải đi. Em cưới năm ngoái, mọi người dự đủ cả, giờ không đi cũng ngại. 7 cái đám cưới vừa rồi làm em hết sạch lương”, Hương tâm sự.

Dân công sở, người về hưu, sinh viên cứ đến mùa cưới là "méo mặt" vì tiền mừng (Ảnh minh họa: danviet)

***

Cũng “hoàn cảnh” không kém là những cử nhân trẻ mới đi làm, với đồng lương thậm chí còn thấp hơn cả công nhân và người giúp việc nhưng lại vẫn cần “đẹp mặt, đàng hoàng” trong các mối quan hệ xã hội.

Long, quê Hải Dương, làm cho một công ty tư nhân ở Hà Nội, kể:

“Em mới vào làm hai tháng, lương thử việc 1,7 triệu đồng, đêm toàn thức dịch thuê mới đủ tiền thuê nhà, ăn uống, xăng xe. Thế mà từ hôm vào công ty đến giờ đã ba đám cưới rồi, đầu tiên là anh trưởng phòng cưới vợ hai, rồi một cô trong phòng cưới con gái. Em là lính mới không dám không đi vì sợ bảo không hòa đồng, cưới sếp mà không đi. Mới đây nhất là đám cưới của thằng bạn em làm phòng kinh doanh”.

Mỗi đám cưới Long mừng 300.000 đồng, riêng đám cưới con của cô trong phòng tổ chức ở khách sạn hạng sang, mọi người đi 500.000, Long cũng không dám kém.

“Lõm” quá nặng nên chàng lính mới này mới đây đã phải gọi điện cầu viện chị gái, may được chị “cấp cứu” cho 1 triệu đồng.

“Mọi người công ty em đang xôn xao về đám cưới sắp tới của giám đốc. Họ hồ hởi buôn dưa lê vì sếp lấy một cô kém cả tuổi con gái, nhưng em thì chỉ quan tâm đến chuyện sắp mất gần 1/3 tháng lương thôi. Chỉ hy vọng là em mới vào, sếp chưa nhớ em là thằng nào để mời”, Long tâm sự.

(Ảnh minh họa: danviet)

***

Anh Thiện ở Hà Nội hiện đang làm trưởng phòng cho một công ty công nghệ thông tin than thở, cứ đến mùa cưới như thế này là cả gia đình anh lại phải cân đối thu chi thậm chí có tháng “cạn” sạch tiền.

2 vợ chồng đều đang làm ăn, có nhiều mối quan hệ khác nhau. Có những đám cưới là mối quan hệ công việc nên không thể bỏ đựơc. Không những thế, phong bì mừng lại còn phải dày, tương ứng với sự "nông - sâu" của mối quan hệ công việc.

Có ngày 2 vợ chồng anh hớt hải chia việc nhau, chạy từ đầu này sang đầu kia của thành phố để đi đám cưới. Cứ một tuần 2 vợ chồng lại cùng ngồi cân đối lại tiền nong, rồi phân việc đi “ngoại giao” đám cưới.

Đi đám cưới “ngoại giao” đã khổ, giới trẻ văn phòng bây giờ sợ nhất đám cưới ở các khách sạn lớn. Thôi thì cưới ở khách san Công đoàn, ở Queen Bee, Vạn Hoa… thì còn "mừng" kiểu bình dân, ít thì 300 nghìn, nhiều thì 500 nghìn tùy thuộc mối quan hệ. Nhưng "chẳng may" mà nhận đựơc thiếp mời đến những khách sạn sang trọng như Hliton, Melia, Sheraton… thì cầm thiệp hồng mà ai cũng run. 

Giật mình khi “bị” mời cưới

Dương quê ở Quảng Ninh đang là thực tập sinh ở công ty truyền thông ở Hà Nội. Một ngày không biết từ đâu cô nhận được thiệp hồng của một anh đồng nghiệp.

Dương cũng không hiểu vì sao anh ấy lại mời mình. Cô nàng chẳng biết chủ nhân tấm thiệp là ai, chưa giáp mặt bao giờ, cũng không phải là nhân viên chính thức của công ty.  

Không đi thì cũng vô duyên, nhất là khi các anh chị khác cứ nhiệt tình rủ rê, chú rể cũng thường xuyên sang nhắc nhở "Hôm ấy em phải đi góp vui với anh đấy nhé!". Cực chẳng đã, Dương đành về nhà xin tiền bố mẹ để mừng đám cưới "người lạ mặt".

Mẹ cô nhất quyết không cho và bảo "Không quen sao phải đi." 

Cô phải trích từ tiền tiêu vặt ra 200 ngàn cho vào phong bì để mừng cưới. Khổ nỗi, đến công ty, mọi người xôn xao rằng đám cưới tổ chức ở khách sạn to lắm, xịn lắm, đắt tiền lắm.

Dương đau khổ lấy nốt số tiền còn lại của mình đắp vào cho tròn 500 ngàn, nếu không thì dơ mặt vì đến đám cưới sang chảnh mà lại mừng ít quá. Cứ nghĩ tới số tiền tiêu vặt bỗng chốc không cánh mà bay, cô chỉ muốn trào nước mắt.

Nhiều tấm thiệp mời đặt trên bàn mà không nhớ được người mời là ai? (Ảnh minh họa: afamily)

***

Hà Tú làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu ở Hưng Yên từng rơi vào trường hợp như vậy. Trong hai tháng chuyển đến công ty mới, người cô tiếp xúc nhiều nhất là sếp và các bạn cùng nhóm, còn lại khi gặp nhau đều chỉ chào lịch sự.

Nhưng chỉ sau 10 ngày làm việc tại đó, Lan đã nhận được một tấm thiệp mời mà chủ nhân của nó cô mới chỉ biết mặt chứ chưa biết tên.

“Anh ấy làm bên phòng thiết kế, lần chạm mặt lâu nhất là cùng gặp nhau trong phòng họp. Kể ra cũng bối rối đấy, có thể họ ngại mời tất cả mọi người mà không mời mình thì khó xử nhưng kẻ được mời như mình cũng chả dễ xử gì. Về sau, mình gửi phong bì chứ không đến dự”, Lan kể.

***

Anh Hoàng Trung Tín ở Thái Bình hóm hỉnh tâm sự: “Mỗi lần thấy có đồng nghiệp nào trong công ty đang rục rịch chuẩn bị đám cưới, tôi liền vái thầm trong bụng “Đừng có mời tôi! Đừng có mời tôi!”. Nhưng đồng nghiệp mà, chắc chắn rồi cũng “dính chưởng”.

Làm khác phòng, nhiều khi cả tuần cả tháng không nói được với nhau một câu thậm chí chỉ biết mặt không biết tên mà chẳng hiểu sao lại mời dự đám cưới. Nhưng nghĩ làm chung công ty mà không đi thì sau này khó nhìn mặt nhau nên tôi cũng bấm bụng đến dự cho phải phép”.

Cử đại diện đi ăn, “chạy sô” mừng đám cưới

Anh Minh tâm sự: “Đến hẹn lại lên, cứ dịp cuối năm lại thấy… lo lo. Hỏi vợ mấy bữa rồi đã thấy ai gửi thiệp cưới chưa, vợ mới vứt ra bàn một xấp giấy mời, nhìn qua mà phát choáng: Thứ bảy- hai đám cưới, Chủ nhật - ba đám; giữa tuần sau một đám họ hàng ở Vũng Tàu”.

Hai vợ chồng anh Minh đều là công chức nhà nước nên cứ vào mùa cưới là anh chị thay nhau đi ăn cưới.

Anh Minh chia sẻ: “Nhiều hôm 2 vợ chồng chạy sô đi ăn cưới, 1 ngày 3 đám cưới nên phải chia nhau đi. Chạy đến đám này kịp cho tiền mừng vào hòm và uống mừng 1 chén rượu là mình phải xin phép về trước vì còn đám cưới khác phải đến. Đi đi lại vì một lần vội chạy đến đám cưới con của sếp mà đi nhanh nên mình bị ngã gãy chân và phải nằm viện mất hơn 1 tháng.”

Cứ đến mùa cưới là mọi người đều phải "chạy sô" đi mừng cưới (Ảnh minh họa: danviet)

***

Chị Hoài ở Bắc Ninh chạy sô đi đám cưới, thậm chí chị còn được mọi người trong công ty cử đại diện đi ăn cưới hộ để nhờ gửi phong bì.

“Những ngày cuối năm công ty đua nhau cưới, một ngày mình phải đi đến 5 – 6 đám cùng ngày cùng giờ, cầm thiệp trên tay mà vừa xót tiền vừa không biết phải đi đám nào vì cùng đi làm với nhau nên không đi không được.

Có hôm vừa bắt xe đến đám cưới xong chỉ kịp thả tiền mừng vào hòm là phải cáo lui để đi mừng đám cưới khác. Có lần vì đi nhiều đám cưới quá mình còn không nhớ tên cô dâu – chú rể nên vào nhầm hội trường, ngồi ăn xong rồi mới phát hiện ra mình vào nhầm nhà, muối mặt chạy ra xin lại tập phong bì.

Nhiều hôm chạy đi chạy lại ăn cưới thôi dù có trang điểm có xinh xắn cũng bơ phờ te tua" - chị Hoài tâm sự

Đi nhiều đám cưới quá khiến không ít người vào nhầm cỗ, bỏ nhầm phong bì (Ảnh minh họa: danviet)

***

Anh Long ở Hà Nội cùng cảnh ngộ chia sẻ: “Mỗi ngày chạy đến mấy cái đám cưới chỉ nhớ được mang máng thiệp ghi phòng nào, khách sạn nào. Vào đến khách sạn thì xung quanh bao nhiêu tiệc cưới của các nhà.

Ở dưới cổng khách sạn, mình đã hỏi han rất kỹ, đã nói rõ là đến dự đám cưới của Thu Trang và Anh Minh rồi được chỉ lên tầng 4, lên đến nơi, rất đông người, ung dung ngồi ăn, bắt chuyện rôm rả: “Ôi dào, trước lạ sau quen cả ấy mà”.

Ăn uống xong xuôi, khách chờ mãi cô dâu chú rể đến để chúc mừng hạnh phúc kèm thông điệp: “Chú là trợ lý của bố cháu Trang đấy”. Rồi đôi uyên ương cũng xuất hiện, mọi người nâng ly chúc mừng, không khí tràn ngập tiếng cười. 

“Trang đã lấy chồng rồi, nhanh thật, mà chú không thể nhận ra cháu nữa đấy, lớn lên xinh đẹp quá, ra dáng một cô vợ hiền, dâu thảo lắm rồi”. Vẫn hăng hái trong hơi men, khách quay sang cụng ly chú rể: “Chúc mừng Minh nhé, anh bạn trẻ, anh thật may mắn, lấy vợ vừa xinh đẹp vừa dịu dàng thì phải đối xử cho tốt đấy!”.

“Xin lỗi chú, bọn cháu là Hạnh - Tùng, chú là…?”. “Đây là tầng mấy? Tầng 3 à? Thôi chết, nhầm!”. Lớ ngớ thế nào anh lại vào nhầm tầng và nhầm hội trường của nhà người khác chứ.

***

Trong cuộc sống ngày nay, việc đi ăn cưới, bỏ phong bì không còn là điều lạ lẫm nữa. Nhưng việc bỏ phong bì như thế nào để vừa mát mặt người mừng, vừa hài lòng người mời cũng là điều mỗi chúng ta cần cân nhắc.

Và lựa chọn đi ăn cưới đám nào và gửi đám nào cũng là điều phải tính toán của mỗi người để tránh việc đi lại không an toàn, bia rượu nhiều...Vì vậy, khi nhận được thiệp mời, bạn hãy dành thời gian để suy nghĩ, phân tích xem làm thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh của bản thân. Tránh trường hợp dở khóc, dở sau mỗi lần đi ăn cưới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật