Ngoại thành Hải Phòng mòn mỏi chờ nước sạch

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hải Phòng, khu vực ngoại thành Hải Phòng hiện có 205 nhà máy nước sạch tập trung, trong đó có đến 110 nhà máy, chiếm quá nửa có chất lượng nước đầu ra quá thấp, không đạt tiêu chuẩn - nước sinh hoạt thông thường, không sử dụng để ăn uống trực tiếp hoặc dùng cho chế biến thực phẩm.
Ngoại thành Hải Phòng mòn mỏi chờ nước sạch
Tình trạng không đảm bảo vệ sinh phổ biến tại các nhà máy nước mini

Còn lại 95 nhà máy đạt chất lượng nước đầu ra theo QC02, nhưng chỉ có 9 nhà máy đạt QC01 - là nước dùng để ăn, uống.Trên địa bàn xã Tân Dân, huyện An Lão có 3 nhà máy nước mini cung cấp nước sạch cho nhân dân xã, hầu hết đều đưa vào sử dụng từ 10 đến 12 năm nay.

Bà Lê Thị Toản, thôn Đại Hoàng 1, xã Tân Dân, huyện An Lão cho biết, gia đình bà sử dụng nước từ Nhà máy nước Đại Hoàng 1, nhưng không thể tắm được vì nước có váng màu vàng, thỉnh thoảng bốc mùi tanh, ngứa. Gia đình bà chủ yếu dùng nước mưa để ăn uống, tắm.

Bà Bùi Thị Nga và nhiều hộ dân tại thôn Đại Hoàng 2, xã Tân Dân cũng phản ánh về tình trạng nước dùng không bảo đảm vệ sinh ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trong xã. Hay như xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, người dân cũng phản ánh, chất lượng nước của nhà máy nước sạch trên địa bàn có mùi hôi, cặn bẩn.

Tình trạng này khiến nhiều gia đình phải mua máy lọc nước để lọc lại hoặc xây bể nước mưa, có nhà quay về dùng nước giếng khoan. Một số gia đình còn phản đối bằng cách không đóng tiền nước.

Nguyên nhân dẫn đến chất lượng nước đầu ra quá thấp là do nguồn nước thô tại các tuyến kênh thủy lợi cung cấp nước đầu vào cho các nhà máy nước đang bị “đầ‌u độ‌c” nghiêm trọng. Nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất, chăn nuôi ở các vùng quê gần như đều được xả trực tiếp ra sông suối, kênh mương làm ô nhiễm nguồn nước thô. Kết quả đánh giá của cơ quan Y tế Hải Phòng cũng cho thấy có đến 47% số nhà máy nước khu vực nông thôn có nguồn nước thô đang bị ô nhiễm hoặc có nguy cơ bị ô nhiễm.

Trong khi nguồn nước đầu vào không đảm bảo thì công nghệ xử lý trong các nhà máy nước lại lạc hậu, sơ sài. Tổng số 205 nhà máy đã có 27 nhà máy dừng hoạt động, còn 178 nhà máy công nghệ lạc hậu, quá trình xử lý nước chỉ được thực hiện đơn giản bằng cách pha clo, lọc, lắng. Số lượng nhà máy có công nghệ xử lý nước hiện đại với công suất lớn rất khiêm tốn, chỉ là 11 nhà máy.

Trước yêu cầu cấp bách về nước sạch của nhân dân nhiều vùng ngoại thành, một số doanh nghiệp có đủ năng lực đã mạnh dạn tham gia phát triển mạng lưới cấp nước đến các vùng nông thôn và được đông đảo người dân đón nhận. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cấp nước mini đã có những phản ứng trái ngược với sự đón nhận tích cực của người dân, gây mất an ninh trật tự.

Cụ thể tại huyện An Lão đại diện một số cơ sở cấp nước mini cho rằng, Công ty CP Cấp nước Hải Phòng vào “lãnh địa” của những đơn vị này mà chưa có sự thỏa thuận. Việc thi công của Công ty Cấp nước có thể làm ảnh hưởng đến hệ thống đường ống có sẵn, chồng chéo và ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà máy nước mini. Các doanh nghiệp khác muốn đầu tư mới thì phải có sự đánh giá lại tài sản của các nhà máy nước mini, cần thiết phải đền bù, hỗ trợ…

Tương tự tại một số xã như Thắng Thủy, An Hòa, Hiệp Hòa, Vĩnh Long của huyện Vĩnh Bảo, một số nhà máy nước mini đứng lên phản đối một số doanh nghiệp đầu tư lắp đặt hệ thống cấp nước sạch tại các khu vực, vùng, địa bàn xã và ranh giới đã được UBND thành phố, UBND huyện cấp phép quản lý khai thác trước đó.

Trong khi đó đại diện Công ty CP Cấp nước Hải Phòng cho biết, sau khi được UBND huyện An Lão chấp thuận và chỉ định cung cấp nước sạch, công ty tiến hành khảo sát nhu cầu thực tế sử dụng nước sạch, phát phiếu đăng ký sử dụng nước sạch đến từng hộ dân.

Kết quả 1.601/1.944 hộ gia đình đăng ký sử dụng nước sạch của Công ty CP Cấp nước Hải Phòng, chiếm 82,35% tổng số hộ trong xã Tân Dân. Theo đó mới tiến hành đầu tư và dự kiến trong năm 2016-2017, công ty sẽ hoàn thành việc đầu tư lắp đặt mạng lưới đường ống phân phối, tiến hành thỏa thuận đấu nối và ký hợp đồng dịch vụ cấp nước trên cơ sở đề nghị của các hộ dân. Tuy nhiên đơn vị vừa thi công thì bị một số người ngăn cản và phải tạm dừng trong nhiều tháng nay…

 Theo ông Phạm Văn Lập, Giám đốc Sở NN&PTNT, sẽ thống nhất theo các hướng hoặc là thỏa thuận mua lại hoặc cùng hợp tác trên tiêu chí đảm bảo nước sạch cho dân theo tiêu chuẩn. Những nhà máy nào đảm bảo, thành phố vẫn khuyến khích.

Quan điểm rõ ràng là không bỏ hết cái cũ để thay thế cái mới, nhà máy cũ nào có thể cải tạo đầu tư nâng cấp thì đề nghị đơn vị lập hồ sơ gửi Sở Kế hoạch Đầu tư trình thành phố xem xét. Còn nhà máy nước nào không thể hoặc đã bị dừng hoạt động thì mới phải thay thế.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng thì nhấn mạnh, sẽ siết lại quy định về đầu tư cải tạo, xây mới nhà máy nước sạch nông thôn nhằm có nguồn cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho người dân trên địa bàn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật