Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển sở hữu trí tuệ

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cục Sở hữu trí tuệ đã xử lý hơn 80.000 đơn các loại năm 2016. Tuy nhiên, tốc độ xử lý được đánh giá chưa đảm bảo về thời hạn.
Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển sở hữu trí tuệ
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chia sẻ những kết quả và tồn tại trong hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ thời gian qua. Ảnh: M.H

Ngày 8/11, tại hội nghị "quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ", ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Sở hữu trí tuệ, cho biết thời gian tới, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Đề án chiến lược phát triển sở hữu trí tuệ quốc gia.

Đề án này dự kiến trình cấp có thẩm quyền vào cuối năm 2017 và được kỳ vọng sẽ tạo đột phá hiệu quả cho hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Theo ông Phí, vừa qua Việt Nam đã xây dựng hệ thống thể chế liên quan đến sở hữu trí tuệ, gồm luật, nghị định, thông tư, phù hợp với các chuẩn mực chung của thế giới. Tới đây, Cục tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ; đẩy nhanh tiến độ và chất lượng thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp...

Trên cơ sở định hướng lớn đối với nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ, ông Phí đề nghị các địa phương chú trọng vào một số hoạt động chủ đạo nhằm đưa sở hữu trí tuệ thành công cụ hữu hiệu nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh cho biết, số lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp liên tục tăng, các hoạt động thực thi quyền ngày càng sôi động; nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng thành công tài sản trí tuệ để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, tính đến tháng 11/2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã xử lý hơn 80.000 đơn các loại. Lượng đơn khiếu nại, đề nghị chấm dứt hủy bỏ hiệu lực đã được giải quyết tăng gấp 7,8 lần so với năm 2015. Kết quả xử lý đơn sáng chế tăng 23%. Việc xử lý đơn sáng chế của người Việt Nam được quan tâm và thúc đẩy.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu rõ hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập.

“Công tác thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu về thời hạn, cơ sở dữ liệu thông tin về sở hữu công nghiệp còn thiếu, hoạt động cung cấp thông tin còn hạn chế, hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ chưa được triển khai đồng đều trên cả nước”, ông Khánh nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật