Bê bối chính trị đè nặng lên vai Tổng thống Pháp

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau khi sa thải hai bộ trưởng vì “vung tay quá trán”, chính bản thân Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy giờ đây đang phải chịu áp lực từ một vụ bê bối chính trị khác.
Bê bối chính trị đè nặng lên vai Tổng thống Pháp
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Ảnh: Reuters

Những thông tin đưa ra hôm thứ ba cho biết, ông Sarkozy đã nhận khoản đóng góp trái phép cho quỹ tranh cử trị giá 150.000 euro (189.241 USD).

Một cựu trợ lý của người phụ nữ giàu nhất nước Pháp - Liliane Bettencourt, người thừa kế L’Oreal - tiết lộ trên trang web Mediapart rằng, ông Sarkozy đã nhận tiền đóng góp từ Bettencourt trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2007.

Eric Woerth, hiện là Bộ trưởng Lao động và là người phụ trách ngân quỹ trong chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy, cũng được xem là liên quan tới vụ việc này. Cả Bộ trưởng và Tổng thống Pháp đều bác bỏ thông tin với tuyên bố đây là “dối trá và vu khống”.

Đây là sự dối trá, vu khống chỉ với mục tiêu duy nhất là bôi nhọ mà không có xuất phát thực tế”, ông Sarkozy khẳng định. Trước đó, người phát ngôn của ông cho biết, thông tin nhận tiền đóng góp của Bettencourt là “hoàn toàn vô căn cứ và giả dối”.

Cựu trợ lý của nữ tỉ phú nước Pháp còn cho biết, ông Sarkozy là vị khách thường xuyên tới thăm gia đình Bettencourt và nhận các phong bì tiền mặt khi còn là Thị trưởng Neuilly - một thị trấn giàu có ở phía bắc Paris.

Một số chính khách cánh hữu khác cũng có tên trong danh sách “nhận quà” của Bettencourt - người có tài sản ước tính khoảng 20 tỉ USD và gần đây bị cáo buộc có những tài khoản bí mật ở ngân hàng Thụy Sĩ để không phải đóng thuế tại Pháp.

Theo luật pháp của nước này, mỗi cá nhân đóng góp cho một ứng viên tranh cử không được vượt quá 4.600 euro (5.800 USD), trong đó lượng tiền mặt lớn nhất là 150 euro.

Theo giới phân tích, thông tin về vụ bê bối trên dù đúng hay sai, đã góp phần làm gia tăng sự bất mãn của người dân với nội các Pháp.

Hôm chủ nhật, hai bộ trưởng nước này đã từ chức sau những chỉ trích tiêu tốn quá nhiều tiền của người đóng thuế vào mục đích riêng tư.

Thành viên Đảng Xã hội (PS) đối lập đã lên án vụ bê bối mới. Nghị sĩ Arnaud Montebourg đã kêu gọi việc bổ nhiệm một “quan tòa độc lập” để điều tra những thông tin mới nhất xung quanh vụ việc đóng góp tranh cử của ông Sarkozy.

Tổng thư ký PS Martine Aubry yêu cầu Tổng thống Pháp tự mình giải thích rõ ràng và khẳng định, Pháp “đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn về lòng tin”.

Thậm chí, một số thành viên trong đảng cầm quyền cũng cho rằng ông Sarkozy cần nói rõ với người dân và đặt cuộc khủng hoảng chính trị trong tầm kiểm soát.

Trên thực tế, sự liên quan của Bộ trưởng Lao động trong vụ trốn thuế của Bettencourt đã trở thành chuyện gây cười với chiến dịch chống lậu thuế của ông. Nó cũng gia tăng sự bất mãn của người dân Pháp đối với kế hoạch cải cách hưu trí của ông Sarkozy và làm nổi lên yêu cầu cấp bách là cải tổ nội các.

Một cuộc thăm dò mới nhất cho thấy, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Pháp sụt giảm ở mức kỷ lục khi chỉ còn 33%. Với con số này, ông Sarkozy trở thành một trong những tổng thống Pháp không được mến mộ nhất trong ba thập niên nay.

Trong cố gắng làm giảm áp lực từ vụ bê bối trên, những thành viên trong đảng của ông Sarkozy đang thúc giục ông tiến đến một kế hoạch cải tổ vào tháng 10 và thông báo trên toàn quốc trước khi Tổng thống Pháp có kỳ nghỉ hè vào tuần tới.

Có vẻ như những kế hoạch đưa ra gần đây của Tổng thống Pháp không được lòng dân. Tuần trước, ông Sarkozy đã gửi thư cho Thủ tướng François Fillon, kêu gọi "cắt giảm mạnh mẽ" các khoản chi đắt đỏ của chính phủ.

Tuy nhiên, động thái này đã vấp phải sự chỉ trích của các chính khách đối lập, cũng như lời than phiền của các bộ trưởng và quan chức khác. "Đó là giọng điệu quở trách trong bức thư", một quan chức nói. "Nếu Điện Elysée muốn cắt giảm chi tiêu chính phủ, họ có thể bắt đầu từ trong chính các bức tường của mình".

Nhiều thành viên đối lập thậm chí còn nói Tổng thống Pháp cần "lập trật tự" ngay trong nhà mình. Jérôme Cahuzac thuộc Ủy ban Tài chính Quốc hội Pháp đặt ra câu hỏi: "Vậy lương của ông ấy tăng 170% là thế nào?".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật