Tái cơ cấu, Vinashin bị chẻ làm 3

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bất ngờ bị chẻ làm 3 trong khi đang nợ đầm đìa, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đang bị nghi đẩy các mảng kinh doanh xương xẩu sang cho Tập đoàn Dầu khí VN và Tổng công ty Hàng Hải.
Tái cơ cấu, Vinashin bị chẻ làm 3
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet)

Theo nghị quyết ngày 22/6 của Đảng ủy và Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), tập đoàn sẽ phải tái cơ cấu chuyển giao một số cơ sở và chi nhánh cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Một cán bộ cấp cao của Vinashin cũng khẳng định với PV, tái cơ cấu Vinashin thực chất là để tập đoàn này có thể tập trung vào các ngành nghề kinh doanh mũi nhọn như đóng, sửa chữa tàu thủy, phát triển vật tư thiết bị nhà máy thép và khu công nghiệp quanh các nhà máy đóng tàu. Vinashin sẽ chuyển giao lại cho Tổng công ty Hàng hải một số công ty con thuộc lĩnh vực vận tải biển, cảng biển và một số khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng. Chuyển giao cho PVN một số lĩnh vực liên quan đến dầu khí.

Ông Nguyễn Văn Công, Chánh văn phòng Bộ giao thông Vận tải cho biết, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin.

Nghị quyết ký ngày 22/6, 3 ngày trước thời điểm Thủ tướng có quyết định chuyển công ty mẹ Vinashin thành Công ty TNHH một thành viên với số vốn điều lệ 14.655 tỷ đồng. Trong kỳ họp Quốc hội cuối năm 2009, báo cáo kết quả giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thấy số nợ của Vinashin lên tới gần 19.900 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt 10,9 lần. Số nợ quá hạn của Vinashin xấp xỉ 3.900 tỷ đồng, chiếm 91,4% tổng số nợ quá hạn của cả 7 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Thời điểm tái cơ cấu đúng vào lúc Vinashin đang nợ đầm đìa khiến nhiều người lo ngại, đây là chiến thuật chia sẻ gánh nặng nợ nần của doanh nghiệp đầu ngành về tàu thủy.

Bộ giao thông Vận tải cho biết, sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin. Ảnh: Vinashinship.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, trường hợp một công ty gặp khó khăn phải tái cơ cấu bằng cách bán các đơn vị của mình hay khoản đầu tư cho các công ty khác là chuyện bình thường. Tuy nhiên, sự bất bình thường ở đây là thời điểm tái cơ cấu. Trước đây, sau khi đã mua cổ phiếu của Bảo Việt với giá cao (71.918 đồng/cổ phiếu) và bị lỗ, Vinashin đã được Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mua lại đúng bằng với giá đã mua, cứu cho tập đoàn này khỏi một khoản lỗ lớn. "Việc tái cơ cấu bất ngờ của tập đoàn đầu ngành trong lĩnh vực tàu thủy trước thời điểm Luật Doanh nghiệp hết hiệu lực chỉ là thủ thuật “đánh bùn sang ao” để khỏa lấp những khoản tổn thất lớn", ông A nói.

Trước thông tin PetroVietnam và Vinalines là đơn vị buộc phải gánh vác các khoản nợ và chỉ được tiếp nhận một phần xương xẩu trong đề án tái cấu trúc Vinashin, bà Phan Thị Hòa, Ủy viên Hội đồng Quản trị, Trưởng ban Kiểm soát Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) cho hay, trong quá trình đầu tư, Vinashin triển khai quá nhiều dự án nên mất cân đối vốn.

Bản thân những dự án đầu tư này chưa hạch toán lỗ lãi nhưng nếu để tiếp cho Vinashin làm thì không đủ vốn nên phải chuyển sang cho PVN. Một số dự án PVN sẽ phải xem xét lại. Chẳng hạn như Khu Công nghiệp Tàu thủy Nghi Sơn (Thanh Hóa) hiện mới là bãi đất trống. Còn dự án Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh (Nam Định), PVN xem xét đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng.

Song bên cạnh đó, bà Hòa cho hay, Tập đoàn Dầu khí cũng thu được nhiều lợi qua việc chuyển giao các dự án. Bởi thực tế, có rất nhiều dự án PVN từng đề xuất nhưng Vinashin không đồng ý bàn giao. Chẳng hạn dự án Khu công nghiệp tàu thủy Soài Rạp (Tiền Giang) hay dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất đóng tàu 100.000 tấn đang trong quá trình đầu tư. Khi chuyển sang, PVN sẽ có lợi thế vì đơn đặt hàng đóng tàu PVN đã ký với Vinashin 3 năm nay nhưng chưa được thực hiện. Dự án chuyển sang bên PVN là những đề án đang trong quá trình đầu tư, không phải là những dự án sản xuất kinh doanh lỗ. Tuy nhiên, khi đưa sang PVN, chắc chắn tập đoàn sẽ phải xem xét lại các dự án chứ không phải cứ thế triển khai tiếp.

Bà Hòa khẳng định, PVN không nhận những phần xương xẩu và việc tiếp nhận các dự án từ Vinashin không ảnh hưởng đến kế hoạch doanh thu cũng như lợi nhuận của Tập đoàn Dầu khí. "Việc tiếp nhận một số dự án đóng tàu với PVN là thuận lợi chứ không phải khó khăn. Chúng tôi cũng bắt đầu đóng tàu nhưng mà đóng tàu dịch vụ và đóng giàn khoan. PVN cũng muốn mở rộng dịch vụ đóng tàu phục vụ ngành dầu khí", bà Hòa nói.

Bà Phan Thị Hòa, Ủy viên Hội đồng Quản trị, Trưởng ban Kiểm soát Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) cho biết, các dự án của Vinashin chuyển về Tập đoàn Dầu khí gồm: Khu Công nghiệp tàu thủy Lai Vu (Hải Dương) bao gồm cả Công ty Công nghiệp tàu thủy Lai Vu; Khu Công nghiệp tàu thủy Nghi Sơn (Thanh Hóa) bao gồm cả Ban Quản lý dự án Khu Công nghiệp Nghi Sơn; Nhà máy đóng tàu đặc chủng và sản xuất trang thiết bị tàu thủy Nhơn Trạch (Đồng Nai); Nhà máy đóng tàu Dung Quất; Khu công nghiệp tàu thủy Soài Rạp (Tiền Giang); Phần vốn góp của Tập đoàn Vinashin trong Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh ( Nam Định) và trong các dự án do Công ty làm chủ đầu tư.

Nguồn tin từ báo Tiền Phong cho hay, 7 đơn vị khác của Vinashin được điều chuyển về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam gồm: Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà (Quảng Ninh); Cảng Vinashin Đình Vũ (Hải Phòng); Khu công nghiệp và nhà máy đóng tàu Hậu Giang; Cảng và nhà máy đóng tàu Năm Căn (Cà Mau); Công ty Vận tải Biển Đông; Công ty TNHH 1 thành viên Vận tải Viễn Dương Vinashin; Phần vốn góp của Tập đoàn Vinashin trong các doanh nghiệp vận tải biển khác. Thời gian bàn giao từ ngày 1-7 và kết thúc quý 3 năm 2010.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật