5 năm tù cho Yingluck: Cây muốn lặng, gió chẳng dừng

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo các chuyên gia, dù anh em Thaksin gần như hết đường quay về, nền chính trị Thái Lan sẽ chẳng thể “lặng gió“ nếu chính phủ không tìm cách kết nối với số đông người dân.
5 năm tù cho Yingluck: Cây muốn lặng, gió chẳng dừng
Ảnh minh họa

Số phận của bà Yingluck, người vẫn đang "bặt vô âm tín", rốt cuộc lại giống người anh trai Thaksin Shinawatra sau hôm 27/9. Có khác chăng là ở số năm tù mà họ bị tuyên án vắng mặt: ông Thaksin 2 năm còn bà Yingluck là 5 năm.

Bà Yingluck đã rời Thái Lan tháng trước, ngay trước ngày lẽ ra bản án đã được tuyên tại tòa. Đó là tập mới nhất trong bộ phim truyền hình đầy kịch tính về chính trường Thái Lan kéo dài suốt hơn một thập kỷ qua. Những sóng gió không ngừng nghỉ đã nhiều lần đưa nước Thái từ thể chế dân chủ quay lại thời kỳ quân luật như hiện nay.

Trong bối cảnh đó, bản án 5 năm tù dành cho bà Yingluck "có thể hủy hoại những cam kết chính trị mà nước Thái cần đến lúc này để có thể tiến về phía trước", tiến sĩ Thitinan Pongsudhirak, viện trưởng viện Khoa học và An ninh Quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, trả lời Báo .

"Bà ấy đã bị cướp mất quyền lực", Aree Sawangchai, một công nhân có mặt bên ngoài Tòa án Tối cao hôm 27/9, mặc áo thun đỏ với dòng chữ "Không Hòa bình, Không Công lý", nói với New York Times. "Bà ấy đã giúp dân đen bằng những chính sách của mình, vì vậy tôi muốn ủng hộ bà ấy bằng tinh thần".

Câu chuyện "người đàn bà đẹp" Yingluck bị cướp đi quyền lực hay tự đánh mất quyền lực vẫn còn là đề tài tranh cãi, song bản án 5 năm tù đã chính thức đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của bà trên đất Thái, theo giới phân tích.

"Việc trốn tránh án tù giờ đây sẽ buộc bà ấy phải xin quy chế tị nạn toàn diện và tương lai của bà trong nền chính trị Thái Lan trên thực tế đã chấm dứt", tiến sĩ Thitinan nói.

Một ngày sau phiên tòa, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết bà Yingluck đang ở tại Dubai, nơi người anh Thaksin đã sống từ sau vụ đảo chính quân sự lật đổ ông vào năm 2006. Ông Thaksin chưa từng quay trở lại Thái Lan kể từ đó, ngoại trừ một lần về nước chóng vánh hồi năm 2008.

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với nhận định trên khi cho rằng con đường quay về Thái Lan của cựu nữ thủ tướng đã đóng lại. "Về mặt chính trị, đây là án tử đối với Yingluck. Bản án đã đẩy bà ấy ra khỏi cuộc chơi chính trị", Reuters dẫn lời ông Kan Yuengyong của tổ chức nghiên cứu Siam Intelligence Unit.

Những người ủng hộ nhà Shinawatra cầm ảnh anh em ông Thaksin. Ảnh: Getty.

Theo quy định của hiến pháp mới được thông qua năm 2017, bà Yingluck có thể kháng án trong thời hạn 30 ngày. Dù vậy theo ông Termsak Chalermpalanupap, chuyên gia về chính trị Thái Lan tại viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) ở Singapore, hiện vẫn chưa rõ liệu việc bỏ trốn có khiến bà Yingluck mất quyền này hay không.

"Tôi được biết đơn kháng án phải do đích thân người bị kết tội đệ trình, không thông qua người đại diện hay luật sư", vị chuyên gia nói với Báo .

Thuyền không lái

Vốn dĩ bà Yingluck đã bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm từ năm 2015. Song cho đến trước phiên tòa ngày 27/9, bà vẫn được xem là đại diện không chính thức của đảng Pheu Thai cũng như phong trào dân túy tại Thái Lan. Với diễn biến mới nhất, đảng này đã chính thức trở thành "thuyền không lái".

"Pheu Thai chính thức là con thuyền không lái và nó cần phải tổ chức lại dưới sự lãnh đạo mới", chuyên gia Thitinan nói. "Nếu nó không bị giải tán và lãnh đạo mới dễ thỏa hiệp hơn, Thái Lan có lẽ sẽ vượt qua được sóng gió".

Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý rằng phán quyết của tòa án không thể xóa bỏ ảnh hưởng của gia tộc Shinawatra và tương lai chính trị trị Thái Lan sẽ phụ thuộc vào việc anh em Thaksin từ bỏ hay tiếp tục đấu tranh.

"Đội ngũ lãnh đạo mới của Pheu Thai sẽ là chỉ dấu cho thấy cách mà nhà Shinawatra ứng phó trước những bước lùi gần đây của họ", ông Thitinan nói.

Chuyên gia Termsak cho rằng ông Thaksin là người lão luyện với những đường đi nước bước của "chính trị kim tiền" (money politics - thuật ngữ chỉ việc một chính trị gia dùng tiền để đổi lấy sự ủng hộ). Ông sẽ chỉ việc tìm một "ứng viên" trong hoặc ngoài dòng họ hay đơn giản là một người ủng hộ trung thành mà ông tin tưởng để tiếp tục can dự vào nền chính trị Thái Lan.

Những thành viên của đảng Pheu Thai xem ông Thaksin nói chuyện qua Skype từ một địa điểm bí mật hồi tháng 4/2016. Ảnh: Getty.

Trong nhiều năm qua, chính trị Thái Lan bị chia rẽ một cách dữ dội giữa một bên là tầng lớp người nghèo, những người ủng hộ các các chính sách dân túy phe Shinawatra, với một bên là tầng lớp lãnh đạo truyền thống, đại diện là quân đội và giới thượng lưu Bangkok.

Xuất thân từ một gia đình gốc Hoa ở Chiang Mai, miền Bắc Thái Lan, ông Thaksin là doanh nhân thành đạt trước khi gia nhập chính trường và trở thành thủ tướng. Ông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân ở các vùng nông thôn phía bắc cũng như tầng lớp lao động tại thủ đô Bangkok ở miền Nam. Họ là những người luôn cảm thấy bị bỏ rơi bởi tầng lớp tinh hoa Bangkok khi khoảng cách giàu nghèo tại Thái Lan ngày càng lớn.

"Shinawatra là một gia tộc lớn, giàu có và có ảnh hưởng. Họ sẽ tiếp tục đấu tranh bằng chính trị kim tiền. Họ có nhiều tiền để chi ra cũng như phải lấy lại (tức những tài sản bị xung công - PV)", ông Termsak nói. "Họ sẽ biết cách bảo vệ tốt nhất cho mình và tài sản của mình thông qua chính trị kim tiền".

Cây muốn lặng, gió chẳng dừng

Theo The Nation, tờ báo tiếng Anh có lượng người đọc nhiều tại Thái Lan, những cuộc thăm dò ở vùng đông bắc, "địa bàn" của nhà Shinawatra đã cho thấy đảng Pheu Thai vẫn có thể giành được sự ủng hộ của đa số.

"Bản án với bà Yingluck có lẽ không làm xấu đi hình ảnh và sự khả tín của các chính trị gia về lâu dài hay trong giai đoạn trước cuộc bầu cử dân chủ dự kiến diễn ra cuối năm sau", The Nation bình luận.

"Quan trọng hơn, phán quyết này là bài học với bất kỳ lãnh đạo hàng đầu nào trong việc giám sát các quan chức chính phủ để tránh những cáo buộc tham nhũng trong tương lai".

Đồng quan điểm, chuyên gia Thitinan nói bản án đã gửi đi tín hiệu cảnh báo cho những nhà lãnh đạo tương lai nếu họ muốn thách thức sự thống trị của quân đội và tầng lớp quan lại ở Bangkok.

"Đây là lần đầu tiên một thủ tướng Thái bị tuyên án tù vì một một chính sách đưa ra trong chiến dịch tranh cử", ông Thitinan nói, gọi việc này là một "tiêu chuẩn khó khăn và hóc búa với những thủ tướng tương lai ở Thái Lan".

Theo các nhà quan sát chính trị, một chiến thắng lớn dành cho Pheu Thai trong cuộc bầu cử 2018 là điều khó xảy ra, nhất là khi hiến pháp mới giới hạn nhiều định chế dân chủ. Không còn Yingluck, một số nhân vật nổi bật của đảng này có thể sẽ quyết định ra đi vì sợ sẽ "có chung số phận" với anh em Shinawatra.

Do đó, vị thế của chính quyền quân sự sẽ gia tăng và trở thành nhân tố tác động chính trong cuộc bầu cử sắp tới, theo chuyên gia Jade Donavanik, cố vấn Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp Thái Lan. Với việc bà Yingluck bị tuyên có tội, các tướng lĩnh giờ đây có thể xác lập tính chính danh của họ đồng thời kéo dài việc lãnh đạo chính phủ. Họ cũng có thể dễ dàng tấn công bà Yingluck mà không lo lắng về sự chống đối từ những người ủng hộ bà.

Đương kim thủ tướng Prayut Chan-o-cha (góc trái) đứng trước cơ hội củng cố quyền lực của phe tướng lĩnh sau sự ra đi của bà Yingluck. Ảnh: Getty.

Dù vậy, những người ủng hộ bà Yingluck có thể xem bản án là sự tàn nhẫn và bất công, đồng thời sự bất mãn ngày càng lớn của họ sẽ tiếp tục gây chia rẽ nền chính trị Thái Lan, theo chuyên gia Thitinan. Đó là tình huống mà ông gọi là "cây muốn lặng nhưng gió chẳng dừng" với chính quyền Thủ tướng Prayut Chan-o-cha.

"Có lẽ việc họ không có mặt ở đây là điều tốt, bởi vì phe kia giờ có thể chấm dứt việc nói rằng chúng tôi là n‌ô l‌ệ của nhà Shinawatra", Rungrawee Chaloenpol, một người bán hàng ở chợ, vừa khóc vừa nói với New York Times trước tòa án hôm 27/9.

"Giờ đây chúng tôi có thể đấu tranh cho nền dân chủ thực sự mà không cần cái tên Shinawatra gắn với chúng tôi".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật