An toàn lao động: Vì sao DN thờ ơ ?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thời gian gần đây, số lượng các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) đang ngày một gia tăng, bên cạnh sự bất cẩn của người lao động có một nguyên nhân khác nữa là sự thờ ơ của các DN trong việc cải thiện điều kiện lao động và thiếu chế tài xử phạt các vụ tai nạn lao động.
An toàn lao động: Vì sao DN thờ ơ ?
Ảnh minh họa
Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn, vệ sinh lao động đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2006, đặt chỉ tiêu giảm số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người bình quân 5% tần suất tai nạn lao động trong các ngành nghề có nguy cơ cao như khai khoáng, xây dựng, điện... hàng năm giảm 100% số người lao động mắc mới bệnh nghề nghiệp; 100% số vụ tai nạn lao động nặng được điều tra, xử lý... Thế nhưng, theo các chuyên gia thì mục tiêu này vẫn còn xa vời khi mà ý thức của cả người lao động và chủ sử dụng lao động vẫn còn chưa cao.

DN thờ ơ công tác vệ sinh ATLĐ

Theo đánh giá của các chuyên gia thì nhận thức của người sử dụng lao động là một trong những yếu tố quan trọng.Thế nhưng trên thực tế, các DN nhất là DNNVV phần lớn chưa thấy hết lợi ích của điều kiện lao động đối với năng suất lao động, chất lượng sản phẩm.

Tình trạng tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp ở Việt Nam đang gia tăng ở mức báo động, ước tính trên 40.000 vụ/nămÔng Đỗ Trần Hải, viện nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động (Bộ LĐTBXH) cho rằng, hiện nhiều DNNVV chưa thật sự quan tâm đến điều kiện lao động.

Thực tế cho thấy, chính vì chưa quan tâm thoả đáng tới điều kiện làm việc của người lao động nên các vụ TNLĐ hoặc các bệnh nghề nghiệp luôn rình rập người lao động, đấy là chưa kể tới việc ô nhiễm môi trường.

Một nghiên cứu của viện nghiên cứu Khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động đã thực hiện đánh giá về tình hình ô nhiễm môi trường lao động tại 1.000 cơ sở sản xuất đã cho thấy, có tới 68% phân xưởng sản xuất bị ô nhiễm nhiệt, 20% bị ô nhiễm bụi, 17% ô nhiễm hơi khí độc hại... và rất nhiều phân xưởng bị ô nhiễm đồng thời từ 2 yếu tố trở lên.

Các bệnh có liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường chiếm tỷ lệ khá cao như viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi chiếm 40,26%, các bệnh đường tiêu hóa chiếm 14,35%, bệnh về cơ, xương, khớp chiếm 12%...Các DN hiện rất coi thường các quy định về đảm bảo thiết bị ATLĐ cho công nhân, kể cả các DN hoạt động trong lĩnh vực dễ xảy ra tai nạn như xây dựng, khai thác khoáng sản, cơ khí chế tạo, công nghiệp nặng...

Theo Bộ LĐTBXH, chưa năm nào có quá 10% DN nộp báo cáo tình tình TNLĐ về các sở LĐ-TB-XH. Khi xảy ra TNLĐ, nhiều DN thường tìm cách thỏa thuận bồi thường cho người lao động để che giấu cơ quan chức năng. Tổng hợp của Bộ LĐ-TB-XH năm 2009 chỉ có 550 người chết vì TNLĐ, nhưng theo số liệu của Bộ Y tế lại có tới 1.518 người. Sự việc này cũng có cả lỗi của thanh tra Sở LĐ-TB-XH các tỉnh, thành đã không triệt để thực hiện trách nhiệm của mình khi chỉ có 36/63 sở nộp báo cáo về bộ.

Chế tài xử phạt chưa rõ ràng

Theo các chuyên gia, một trong những lý do khiến công tác an toàn vệ sinh lao động vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn là vì thiếu chế tài xử phạt khiến các DN "nhờn" thuốc.

Tại một hội thảo gần đây về công tác ATLĐ, ông Vũ Như Văn - quyền Cục trưởng Cục An toàn lao động cho rằng, DN thiếu ý thức trong công tác ATLĐ  cũng tại khả năng kiểm soát, giám sát an toàn vệ sinh lao động của cơ quan nhà nước còn hạn chế. Các chế tài, kèm theo các điều luật còn thiếu rõ ràng, chưa đủ sức răn đe đối với DN vi phạm.

"Trong vấn đề cải thiện môi trường, điều kiện lao động cơ quan quản lý cần ban hành các hệ thống tiêu chuẩn và hướng dẫn các DN tự đánh giá. Ở những dự án đầu tư, việc đảm bảo môi trường lao động cần được thực hiện ngay từ đầu, trong quá trình xét phê duyệt đánh giá tác động môi trường của dự án" ông Hải đề nghị.

Đồng tình với quan điểm này, các chuyên gia VCCI cho rằng, chế tài xử phạt vi phạm còn nhẹ nếu so với việc đầu tư đầy đủ thiết bị ATLĐ nên DN sẵn sàng vi phạm. Việc thanh tra về ATLĐ nên tập trung vào các DN sử dụng nhiều lao động thời vụ, hoạt động trong những ngành nghề nguy hiểm, độc hại... thậm chí đăng tên những DN vi phạm pháp luật ATLĐ lên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong 4 năm thực hiện Chương trình quốc gia An toàn lao động - Phòng chống cháy nổ (ATLĐ-PCCN) giai đoạn 2006-2010, số vụ tai nạn lao động vẫn liên tục tăng từ 4.050 vụ năm 2005 lên 6.250 vụ năm 2009. Mỗi năm, tai nạn lao động làm chết trung bình gần 600 người, hàng nghìn người bị thương.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật