Đồng euro đã tàn phá các quốc gia châu Âu như thế nào? (Phần 1)

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Milton Friedman, nhà tiền tệ học có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ XX, khẳng định sẽ không thể có một đồng tiền duy nhất trên toàn châu Âu.
Đồng euro đã tàn phá các quốc gia châu Âu như thế nào? (Phần 1)
Ảnh minh họa

Cuối những năm 90, Liên minh châu Âu thông báo về một kế hoạch vĩ đại nhằm khai sinh một đồng tiền duy nhất được sử dụng trong toàn khối.

Khi ấy, người viết bài này đã gọi cho Milton Friedman, nhà tiền tệ học có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ XX, để hỏi ý kiến của ông về vấn đề đồng euro sẽ làm thay đổi châu Âu như thế nào.

Điều khiến tôi kinh ngạc là câu trả lời của Milton: “Sẽ không thể có một đồng tiền duy nhất trên toàn châu Âu. Hoa Kỳ là nơi thích hợp để lưu hành một loại tiền tệ thống nhất, nhưng châu Âu thì không.

Bởi các quốc gia trong khu vực này cách biệt quá lớn về năng suất và lạm phát. Vì thế, đồng euro ra đời sẽ là một thảm họa, nó sẽ không bao giờ xuất hiện”.

Hiển nhiên, lời tiên đoán của Friedman rằng đồng euro sẽ chỉ là một giấc mơ viển vông đã hoàn toàn sai.

Ngày 31/12/1998, nó đã xuất hiện để thay thể cho mark Đức, franc Pháp cùng với lira Ý, và giờ đây ngự trị tại 16 quốc gia khác nhau từ Áo cho đến Ai-len và Bồ Đào Nha.

Nhưng Friedman đã đúng trên quan điểm kinh tế học. Hãy nhìn vào tình hình hiện nay: Hy Lạp đang đứng bên bờ vực phá sản, lãi suất trái phiếu các nước châu Âu ngày càng leo thang, giới đầu tư quốc tế đua nhau bán tháo đồng tiền một thời đã từng đe dọa sự thổng trị của đô la Mỹ.

Gói cứu trợ 1.000 tỷ USD của IMF và EEC cũng khó có thể giúp Hy Lạp thoát khỏi những khoản nợ ngập đầu.

Thậm chí Hy Lạp, Bồ Đào Nha cũng như các nền kinh tế suy yếu khác rất có thể sẽ từ bỏ đồng euro, một viễn cảnh mà vài tháng trước người ta không thể tưởng tượng được.

Ngay bây giờ thì khó có thể nói khu vực eurozone sẽ rạn nứt và những đồng tiền của quá khứ như drachma (Hy Lạp), escudo (Bồ Đào Nha), peseta (Tây Ban Nha) sẽ trở lại, nhưng tương lai đồng euro đang vô cùng bất trắc.

Lịch sử huy hoàng 11 năm của liên minh tiền tệ châu Âu đang mờ nhạt đi nhanh chóng ở những nền kinh tế yếu kém trong khu vực.

Khủng hoảng do chi phí tăng và vay mượn quá dễ dàng

Những quốc gia suy yếu - chủ yếu là các nước vùng Địa Trung Hải như Hy Lạp, Tây Ban Nha và Italia - có lẽ đã tốt hơn nhiều nếu họ không rời bỏ đồng tiền cũ của mình 10 năm trước.

Theo Uri Dadush, tác giả của một nghiên cứu xuất sắc mới đây có tựa đề “Mô hình thất bại, đồng euro rơi vào khủng hoảng”, thì sự xuất hiện của đồng tiền chung châu Âu tuy mang lại lợi ích như giảm chi phí giao dịch, nhưng lại bóp méo và làm sai lệch các tín hiệu kinh tế, gây ra vô số vấn đề nghiêm trọng mà các quốc gia đang phải đối mặt.

Liên minh tiền tệ đã hủy hoại những nền kinh tế đó qua hai con đường.

Đầu tiên là việc sử dụng đồng euro tạo điều kiện cho họ vay vốn với chi phí thấp khiến tiêu dùng trong nước bùng nổ, kéo theo chi phí sản xuất leo thang - đặc biệt là tiền lương nhân công.

Điều này làm suy giảm nhanh chóng sức cạnh tranh của các quốc gia đó so với những nước khác trong khu vực.

Thứ hai, việc vay mượn dễ dàng trở thành một cám dỗ khuyến khích các chính phủ chi tiêu phung phí, và hậu quả là họ đang phải vật lộn với nguy cơ vỡ nợ.

Cả hai vấn đề này đều đã được Friedman tiên đoán, ông nói rằng không thể nào áp dụng một chính sách tiền tệ cũng như một mức lãi suất chung cho những nền kinh tế cách biệt quá lớn như Đức với Hy Lạp hay Tây Ban Nha.

Sau đây, chúng ta sẽ tập trung xem xét bốn quốc gia vốn đã suy yếu từ trước khi tham gia eurozone và hiện nay đang ở trong tình trạng báo động: Italia, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Bồ Đào Nha; chúng ta cũng quan tâm đến những vấn đề của Ai-len – nền kinh tế khỏe mạnh hơn nhưng cũng đang đứng trước nhiều nguy cơ tương tự.

Năm quốc gia này đóng góp khoảng 1/3 GDP của toàn khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Ba tiêu chí được dùng để đánh giá tác động của đồng euro đến từng nền kinh tế là: nợ công, chi tiêu chính phủ (cả hai được tính theo % GDP) và năng lực cạnh tranh (xác định bởi chi phí sản xuất so với các đối tác thương mại).

Những ngày tươi đẹp đã lùi xa

Xét theo cả 3 tiêu chí, năm quốc gia trong nhóm PIIGS nói trên đều đi xuống so với thời kỳ trước khi gia nhập eurozone, đặc biệt là về năng lực cạnh tranh.

Đầu tiên chúng ta nhìn vào nợ công. Năm 1998, tỷ lệ nợ/GDP của Hy Lạp là 96% - tuy cao nhưng vẫn trong tầm kiểm soát; nhưng IMF dự báo tỷ lệ này sẽ lên đến 133% trong năm nay.

Các con số tương ứng của Bồ Đào Nha là 52% và 87%, của Ai-len là 54% và 79%. Ở Ý, tỷ lệ nợ bằng đồng euro từ 115% GDP đã leo lên mức 119%.

Nợ của Tây Ban Nha hiện tại chỉ khoảng 67% GDP, nhưng đã tăng gấp đôi trong hai năm qua, và nước này đang đứng trước nguy cơ cao do khu vực tư nhân vay nợ quá nhiều.

Việc sử dụng đồng euro còn khiến chi tiêu chính phủ của năm quốc gia trên tăng đáng kể, gây cản trở cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Năm 1998, chi tiêu công của Hy Lạp chiếm 38% thu nhập quốc dân, đến năm 2010 đã tăng lên 50,4%. Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý có mức tăng lần lượt là 9%, 6,7%, 2,5% lên tương ứng 49%, 44% và 51%.

Dù một thời đã từng là kiểu mẫu cho chính sách thận trọng, song Ai-len nhanh chóng gia nhập nhóm nước báo động với khoản chi tiêu chính phủ chiếm 46,6% GDP, so với 31% năm 1998.

Chắc chắn rằng những tỷ lệ đó tăng lên là do GDP giảm mạnh trong cuộc suy thoái. Nhưng thực tế các quốc gia này cũng khó có thể cắt giảm được chi tiêu, một vấn đề chúng ta sẽ bàn qua dưới đây.

Hậu quả khác của việc gia nhập liên minh tiền tệ châu Âu đối với những nền kinh tế vùng Địa Trung Hải là giảm năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chi phí sản xuất hàng hóa, đặc biệt là hàng xuất khẩu của họ ngày càng cao hơn so với những nước như Đức hay Anh.

Thước đo chính xác nhất cho tiêu chí này là “tỷ lệ trao đổi hiệu quả thực tế” (REER) do Ủy ban kinh tế châu Âu EEC công bố. Theo đó, kể từ năm 1989, sức cạnh tranh của Hy Lạp giảm 9%, Tây Ban Nha và Ý giảm 16%, Ai-len giảm 26%.

Hiện nay, nhóm quốc gia trên đang có chi phí sản xuất cao hơn từ 16-31% mức trung bình của 35 quốc gia được tính trong REER.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật