Hầm bỏ hoang, dân Thủ đô “vô tư“ băng đường

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nghị định số 34/2010 của Chính phủ đã có hiệu lực gần 1 tháng qua, trong đó có qui định xử phạt nặng đối với người đi bộ sai luật. Nhưng trên thực tế, ở nhiều nơi người đi bộ vẫn loay hoay chưa biết thực hiện theo tinh thần của Nghị định bằng cách nào khi mà hầm dành cho người đi bộ trị giá hàng chục tỉ đồng đang bị bỏ hoang, khóa kín...
Hầm bỏ hoang, dân Thủ đô “vô tư“ băng đường
Phạm luật vượt qua đường ngay trước hầm đi bộ.

Đi dọc tuyến đường Phạm Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) đến đầu đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội) có thể nhìn thấy rõ những hầm đường đi bộ hiện đại được xây dựng để giúp người đi bộ qua đường an toàn và thoải mái. Song, không hiểu vì lý do gì mà 2 cụm hầm đường bộ, một ở ngay gần cổng Trung tâm Hội nghị Quốc gia và một ở ngay đầu đường Khuất Duy Tiến vẫn đang còn ngổn ngang đất cát và rào tre. Cửa hầm thì bị khóa kín từ rất lâu.

Hầm đường bộ ngay trước Trung tâm HNQG trên đường Phạm Hùng bị bỏ hoang như thế này từ rất lâu.

Trong khi đó nhu cầu đi lại của người dân tại những đoạn đường này rất lớn. Nghị định 34 vừa mới ban hành đã có điều khoản xử phạt nặng đối với người đi bộ không đi đúng làn đường nhưng trên đoạn đường này cũng không hề có đoạn nào kẻ vạch dành cho họ, thế là nhiều người dù sợ sệt vẫn cứ phải băng đường...

Khi hỏi một người dân: "Nếu đi không đúng làn đường đi bộ có biết sẽ bị xử phạt không", người này khẳng định: "Người đi bộ không bao giờ bị phạt" và "hùng hồn" tuyên bố: "Nếu có phạt thì tôi sẽ đối chất ngay, ở đây làm gì có đường dành cho người đi bộ, có cái hầm đường bộ thì cổng khóa, bê tông ngổn ngang… không băng qua đường thì làm cách nào?"

Cửa hầm luôn bị khóa kín... trên đường lại không kẻ vạch cho người đi bộ.

Tại một đoạn đường khá đông người và xe qua lại ngay trước Trung tâm Hội nghị Quốc gia, để sang phần đường bên kia, anh Nguyễn Văn Xuân (dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) phải "thò" chân xuống, bước chân lên đến hàng chục lần mới có thể vượt qua trong khi cách anh không xa là chiếc hầm đường bộ được xây dựng từ rất lâu nhưng chưa hoàn thành. Anh Xuân bức xúc: “Công ty tôi ngay bên kia đường, mỗi khi cầ‌n s‌ang đường uống nước tôi đều phải đi bộ qua… suýt va phải xe đến mấy lần. Còn cái  hầm đi bộ ấy bỏ hoang lâu lắm rồi có thấy sửa chữa gì đâu!”

Khi phóng viên hỏi anh biết gì về việc xử phạt người đi bộ theo nghị định 34, anh Xuân chống chế: “Họ không phạt đâu, ở đây đã có đường và công trình cho người đi bộ đâu mà phạt!”

Tiến độ xây dựng công trình hầm đường bộ chậm đã đành, nhưng đáng nói là trên thực tế, ý thức và hiểu biết của người dân vẫn còn hạn chế. Đối diện trước mặt bến xe Mỹ Đình là một hầm đường bộ rất sạch sẽ, khang trang nhưng nhiều người dân đã bất chấp cả tính mạng để băng qua đường dù hầm chỉ cách họ vài bước chân.

Khi bị bắt gặp và được hỏi, Nguyễn Ngọc Anh, sinh viên Đại học Quốc Gia Hà Nội luống cuống trả lời: “Em sợ xe nó chạy mất nên đi qua đường cho nhanh. Em cũng có biết về việc xử phạt người đi bộ nhưng… ở đây không thấy công an nên liều một tí (!?)"

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Nguyên Huy, Trưởng phòng Giao thông đô thị, Sở GTVT Hà Nội  cho biết: “Mỗi tuyến đường đều do các đơn vị khác nhau quản lý… Vấn đề này chúng tôi sẽ xem lại!”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật