Mảnh đất bên kia sông

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mới chỉ có mới đây gần chục năm thôi mà nơi đây đã thay đổi nhiều quá, trong ký ức của những người dân gắn bó với mảnh đất này thì những thay đổi như mới vừa xảy ra. Tưởng như mới đây thôi, ở bên kia sông Hồng là một cái gì đó lấp lánh, xa vời, bởi bên đó là hồ Hoàn Kiếm, là phố cổ, là những tòa nhà với ánh đèn sáng trưng sôi động, còn bên này là tiếng côn trùng nỉ non, chưa chiều đã tối...
Mảnh đất bên kia sông
Một góc quận Long Biên được quy hoạch hiện đại.

Hàng nghìn năm vẫn vậy, sông Hồng như một dải lụa đào làm duyên cho vùng đất, tưới tắm cho số phận của đời người... Vậy mà thời gian qua bỗng bừng tỉnh thay da đổi thịt cứ như trong chuyện cổ tích. Làng Thạch Cầu, quận Long Biên bây giờ đã khác nhiều lắm rồi, ngày càng "thắm da đỏ thịt" với  nhà cao cửa rộng, xen lẫn giữa màu xanh là những mái ngói cách tân và đường bê tông rộng rãi. Đứng ở trên mặt đê tả ngạn sông Hồng nhìn xuống con đường trải bê tông như dải lụa mềm vắt qua thôn xóm, nhà nối tiếp nhà. Mái đỏ, tường trắng, vườn cây xanh làm nên diện mạo phố phường. Không ít người nặng lòng với vùng đất này, trong ký ức vẫn đậm nét hình ảnh mới ngày nào con đường dẫn vào thôn còn bụi mù mỗi ngày nắng ráo và trở nên nhầy nhụa khi mưa tới. Giờ thì cứ như là mơ, vẫn là con đường đó đang vào những dãy phố khang trang, dẫn ra cánh đồng làng trồng ăm ắp những vườn quả. Người nông dân cơ cực của Thạch Cầu ngày nào giờ nhà nào cũng giàu có, người nông dân không còn cảnh cơ cực chân lấm tay bùn. Hình ảnh bác nông dân thời hiện đại thảnh thơi hằng ngày đi xe máy thăm vườn, ruộng đã trở nên quen thuộc ở Thạch Cầu. Thạch Cầu từ một thôn, xóm ngoài đê giờ đã đổi mới sau khi thành tổ dân cư của một phường trù phú mang cái tên nhiều ý nghĩa: Long Biên.

Cụ bà Nguyễn Thị Hòa đã gần 80 tuổi, không giấu nổi xúc động: "Mới đó thôi, con đường vào Thạch Cầu còn đầy bùn đất, trời mưa, bùn lội như cháo lòng, xe đạp thì ngập đến nửa bánh, còn người đi bộ như lội ruộng sát đến đầu gối". Rồi cụ hồ hởi dắt chúng tôi đi thăm khắp xóm dưới làng trên quanh thôn Thạch Cầu. Đi từ nhà này sang nhà khác trong thôn, nơi nào cụ cũng bắt đầu bằng câu chuyện: "Ngôi nhà này trước đây còn nghèo lắm, mới vài năm trước còn là nhà ngói, nhà cấp bốn...".

      Quận Long Biên được thành lập ngày 11/3/2003 trên cơ sở cắt chuyển 10 xã và 3 thị trấn của huyện Gia Lâm để thành lập quận Long Biên gồm: xã Thượng Thanh, thị trấn Ðức Giang, xã Giang Biên, xã Ngọc Thụy, xã Việt Hưng, thị trấn Gia Lâm, xã Hội Xá, xã Gia Thụy, xã Bồ Ðề, thị trấn Sài Ðồng, xã Long Biên, xã Thạch Bàn và xã Cự Khối. Làng Thạch Cầu thuộc phường Long Biên ngày nay.

Mới đó, nhờ sự tự vươn lên làm giàu biến vùng ruộng đất bãi thành những vườn cây ăn quả trĩu quả giờ thôn Thạch Cầu đã trở nên trù phú. Thoắt cái, nơi đây đã như thể một mảnh ngân hà rơi xuống trần gian. Sao sáng trong ô cửa nhôm kính long lanh. Sao sáng bắc bậc lên cao theo ngõ xóm, sao sáng dọc theo đường phố...

Nhà bà Đỗ Thị Minh nằm ngay mặt phố con đường đẹp như mơ đó. Có đường, bà Minh mạnh dạn mở thêm trang trại ngay sau nhà. Mùa nào vườn nhãn nhà bà cũng lúc lắc chùm quả. Nhãn trồng ngoài chân đê, được vun đắp bởi vị ngọt phù sa sông Hồng ngọt lịm, mát đượm và sai lúc lỉu. Cũng như nhiều người dân Thạch Cầu khác thành điển hình làm kinh tế giỏi từ mảnh vườn trong thôn. Không giấu nổi niềm vui,  bà tâm sự: "Cũng là sự quan tâm của các bác trên thành phố nên dân chúng tôi mới được như hôm nay".

 Làng Thạch Cầu xưa giờ đã có những con đường lớn chạy qua.

Cũng có những người không phải người Thạch Cầu nhưng mua đất ở đây làm nhà ở như bác Hợp ở tổ 2, thôn Thạch Cầu: "Ban đầu gia đình cứ phản đối tôi mua đất làm nhà ở đây vì trông Thạch Cầu còn nghèo khó hơn cả nông thôn. Nhưng giờ thì thay đổi nhanh quá, làng quê thành phố phường từ lúc nào. Được cái chính quyền ở đây như ông Chủ tịch phường cũng quan tâm tạo điều kiện cho những người ở nơi khác đến sinh sống, định cư lâu dài", bác Hợp cho biết.

Đem câu chuyện nghe được từ Thạch Cầu trao đổi với ông Thẩm Bá Phước, Chủ tịch phường Long Biên, chúng tôi chỉ nhận được những nét cười hồn hậu. Ông Chủ tịch phường chẳng biết bắt đầu thế nào cứ lúng túng mong nhà báo đừng viết như lời bà con phản ánh, vì với ông, Thạch Cầu vẫn còn ngổn ngang nhiều việc phải làm. Nằm trong quy hoạch tổng thể của toàn phường Long Biên, Thạch Cầu trong tương lai sẽ còn phát triển toàn diện cả về du lịch sinh thái và làng nghề. Trước mắt, việc hoàn thiện đề án "Nâng cao hiệu quả quản lý đô thị trên địa bàn phường theo hướng văn minh đô thị hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2009", UBND đã triển khai đến cụm dân cư, từng cán bộ công chức.

Năm 2009 hoàn thành chuyển đổi 15ha đất bãi tại khu Thạch Cầu và Tư Đình. Tăng cường đầu tư hạ tầng, đường giao thông, hệ thống điện nước, tuyên truyền vận động bà con tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi và phát triển kinh tế, khắc phục tình trạng dân bỏ không đất sản xuất. Riêng Thạch Cầu đang hoàn thành 2 dự án trong hàng loạt dự án cải tạo nâng cấp các tuyến đường liên thôn do chính UBND phường làm chủ đầu tư.

 Đường làng giờ đã lên phố với không ít nhà cao cửa rộng.

Là kế hoạch thì thế, rõ ràng cách làm này sẽ tạo nên bộ mặt văn minh đô thị. Nhưng là quận mới thành lập nên dù tên gọi có thay đổi là "phố" là "phường" đấy nhưng thực tế thì chuyện "làng xã" vẫn thật bộn bề.

Theo lãnh đạo quận Long Biên: "Không cứ gì Thạch Cầu mà tất cả các thôn, phường cụm dân cư ven sông Hồng cũng đang được quận đặc biệt quan tâm. Quy hoạch quận tương lai, bất kỳ người dân Hà Nội nào cũng nhận ra một điều, con sông Hồng tự nhiên như một trục phát triển từ đó sẽ đưa Long Biên thành một quận tương tự như với Hoàn Kiếm, Ba Đình ở đôi bờ. Chính vì thế, qua 5 năm thành lập quận, năm 2009 đã được xác định là năm văn minh đô thị của Long Biên. Quận đã phê duyệt các kế hoạch cụ thể từ các phường đưa lên. Trong các kế hoạch phát triển kinh tế đi liền với xây dựng văn minh đô thị thì việc mà phường Long Biên nói chung và thôn Thạch Cầu nói riêng đã và đang được sự quan tâm, hỗ trợ tối đa.

Giờ đây, nhiều người còn tiếc nuối mãi khi trở về không còn đường làng ven sông rợp bóng tre xanh, vẫn hoài nhớ những buổi trưa hè nhảy tùm sông tắm mát; là hình ảnh cô thôn nữ tong tả đường làng sau mỗi phiên chợ... Giờ tất cả chỉ còn trong ký ức vì làng đã "lên phố" để phát triển. Khóm tre làng đã nhường lối cho đường chạy băng băng. Cô thôn nữ ngày nào giờ cũng má hồng môi son đứng sau quầy hàng hoá. Và cả con người nữa, cũng phải tất bật vào guồng với công việc của một cư dân thành phố nếu không muốn bỏ mình ở lại phía sau. Tất cả đều tự nguyện hoá thân thành nền móng vững chắc cho kinh tế Hà Nội ngày mai. Một vùng đất trù phú xanh mướt đối diện với trời nước sông Hồng bao la làm tươi tắn sắc nắng Long Biên.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật