Người Hà Nội trên cao nguyên Lang-Biang

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một cơ sở sản xuất lụa tơ tằm khép kín: Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, se sợi, dệt lụa..., không chỉ cung cấp tơ sợi, lụa thành phẩm cho các thị trường lớn trong nước mà còn là điểm du lịch yêu thích của khách quốc tế khi đến Lâm Đồng. Đó là cơ ngơi của vợ chồng một anh bộ đội, quê Hà Nội, gây dựng lên trên vùng đất đỏ cao nguyên Lang-Biang.
Người Hà Nội trên cao nguyên Lang-Biang
Một góc xưởng ươm tơ của Cơ sở ươm tơ dệt lụa Cường Hoàn.

Đến thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), ai cũng biết cơ sở chế biến tơ và dệt lụa Cường Hoàn của vợ chồng anh Nguyễn Văn Cường, sinh năm 1965, quê gốc ở Đông Anh (Hà Nội) và chị Trương Thị Hoàn, sinh năm 1966, quê ở Ninh Bình. Tuy nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 30km, thế nhưng cơ sở chế biến tơ và dệt lụa Cường Hoàn vẫn được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, bởi đây là một điểm tham quan, nghiên cứu về phương thức ươm tơ, dệt lụa theo lối cổ truyền của người Việt.

Trong cái nóng oi bức của tháng năm Tây Nguyên, ông chủ cơ sở mặt nhễ nhại mồ hôi đang chỉ đạo cánh thợ xây dựng lại nhà xưởng. Mặc dù đang bận rộn nhưng khi thấy chúng tôi, anh vẫn vui vẻ dẫn đi thăm và nhiệt tình giới thiệu về cơ ngơi của mình. Lần đầu đến nơi đây cứ ngỡ như đang lạc vào làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội). Cũng không khí nuôi kén, se sợi, dệt lụa. Cũng nhuộm, cắt may, trưng bày thành sản phẩm. Hiện xưởng sản xuất của gia đình anh Nguyễn Văn Cường có quy mô khá lớn gồm 30 máy ươm, 8 máy dệt, 50 công nhân làm việc tại chỗ với mức thu nhập bình quân từ 1,8 đến 2 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó cơ sở này đã giải quyết việc làm, thu nhập cho gần 1.000 lao động nhàn rỗi tại xã trong việc trồng dâu, nuôi tằm và bán kén tằm. Anh Cường cho biết, chất lượng tơ ở đây được đánh giá rất cao; sợi đều, bóng không bị gai gút, độ dài tơ đơn thường đạt từ 800 đến 1.000m trong khi ở các vùng khác chỉ đạt tối đa là 500m.

Duyên cớ mà anh Nguyễn Văn Cường đến với nghề ươm tơ, dệt lụa cũng thật tình cờ. Năm 1980, anh là quân nhân thuộc Ban CHQS Vùng kinh tế mới Hà Nội. Sau năm 10 năm gắn bó với quân đội, năm 1990 anh Cường  phục viên. Cũng như nhiều hộ dân đi xây dựng kinh tế mới khác, anh trồng dâu, nuôi tằm, bán tơ sống cho nhà máy dệt ở Thành phố Hồ Chí Minh. Sau nhiều năm tự học hỏi, đến năm 2000 gia đình anh Cường đã quyết định mở xưởng sản xuất, kết hợp với dịch vụ du lịch nhằm quảng bá sản phẩm lụa tơ tằm. Mỗi tháng trung bình cơ sở của anh đón tiếp khoảng 3.000 khách du lịch tham quan. Chị An-na quốc tịch Ca-na-đa thổ lộ: “Đến đây, được tận mắt chứng kiến các công đoạn làm ra lụa theo phương pháp thủ công, thoải mái chụp ảnh, ghi hình, và đặc biệt là khách du lịch không phải trả bất cứ loại phí nào, thật tuyệt vời”.

Nhận xét về cơ sở chế biến tơ và dệt lụa Cường Hoàn, Phó chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban, đồng chí Hoàng Ngọc Trọng cho biết: “Đây là một trong những cơ sở tiểu thủ công nghiệp tư nhân làm ăn rất hiệu quả, và là cơ sở duy nhất trên địa bàn có sức hút rất lớn đối với du khách. Cơ sở Cường Hoàn không chỉ góp phần giải quyết công ăn việc làm ổn định cho rất nhiều lao động, mà còn giữ được nghề truyền thống của địa phương và của người Việt Nam nói chung”. Cũng theo ông Trọng, ngoài việc tạo công ăn việc làm cho nông dân, cơ sở Cường Hoàn còn quảng bá được hình ảnh của địa phương đi khắp nơi trên thế giới, đây là mô hình đáng nhân rộng. 

Bên cạnh xưởng sản xuất, hiện nay, một nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm đang được anh Nguyễn Văn Cường  gấp rút hoàn thành, đáp ứng nhu cầu làm việc, giới thiệu sản phẩm, tham quan của du khách. Anh Cường tiết lộ: Tới đây sẽ mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm, làm thêm tranh thêu lụa…

Sản phẩm lụa Cường Hoàn, mang thương hiệu Cuong Hoan Silk đã được đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế biết đến. Có thể nói, ngoài sự thành công trong việc làm ăn của một người dân Thủ đô, anh Nguyễn Văn Cường đã chuyển hồn cốt, cảnh sắc Thăng Long-Hà Nội vào vùng đất đỏ cao nguyên Lang-Biang.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật