Thích tự viết kịch bản

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau khi phim "Tuyết nhiệt đới" phát sóng, đột nhiên đạo diễn trẻ Vũ Ngọc Đãng bặt tăm nhân dạng. Hỏi ra mới biết, anh đã tạm “ẩn cư” để tiếp tục hoàn thành kịch bản phim truyền hình mới của mình.
Thích tự viết kịch bản
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng.

- "Bỗng dưng muốn khóc" là phim truyền hình nhiều tập thứ hai mà anh viết kịch bản và đạo diễn, sau "Tuyết nhiệt đới". Phải chăng chưa có biên kịch nào viết kịch bản “đúng tầm” cho đạo diễn Vũ Ngọc Đãng?

- Phải nói ngay là nếu có kịch bản hay và khiến mình thích, thì bản thân tôi cũng không có khả năng mua; lại càng ít có khả năng tiếp cận, khi mình là đạo diễn trẻ. Kịch bản hay thì đã được giao cho những đạo diễn “lớn” và đạo diễn “ruột” của các hãng phim rồi. Với lại, hồi đó khi tôi ra trường, Hãng phim Truyền hình TP HCM (TFS) chỉ giao phim cho những đạo diễn tự viết được kịch bản thôi. Vì nó là “phép thử” để chứng minh được khả năng vẹn toàn trong việc làm phim, của người đạo diễn, đặc biệt là với các đạo diễn trẻ như tôi.

Bằng chứng là những bạn học cùng khoá với tôi, thời gian đầu tất cả đều phải tự viết kịch bản thì mới có phim để làm, như đạo diễn Võ Tấn Bình hay Hồng Ngân chẳng hạn…

- Còn nguyên nhân sâu xa hơn nữa là gì?

- Nếu mình viết được kịch bản để mình làm phim xuyên suốt thì sự nghiệp mới không bị gián đoạn. Khi đó mình cũng chủ động hơn trong các kế hoạch làm nghề của mình, chỉ có như vậy thì mới có thể quyết định được nhiều chuyện liên quan. Mà tôi thấy viết riết rồi cũng quen! Hơn nữa, tự viết kịch bản có nghĩa là viết đúng cái mình thích, mình tâm đắc, mình muốn làm.

Như vậy sẽ thấy hứng thú hơn khi thực hiện phim. Chứ còn với kịch bản của người khác mà mình chỉnh sửa nhiều quá, dù là để cho thích hợp với phong cách làm phim của riêng mình, lại dễ gây tranh cãi vì bất đồng quan điểm sáng tác với người viết khác. Mà tôi nghĩ, có đạo diễn nào lại muốn chỉnh sửa kịch bản cho kém đi cả đâu?

- Anh từng “than thở” rằng, vừa phải viết kịch bản rồi làm phim từ kịch bản của mình, hai việc cùng một lúc như thế thì tiêu tốn quá nhiều năng lượng trong cùng thời gian. Vậy anh không ngại mình sẽ bị “cạn vốn” không, khi luôn phải tự mình viết kịch bản như thế?

- Đúng là cũng mất rất nhiều năng lượng thật đấy, nhưng cũng thấy rất tự hào vì mình đã hoàn thành cùng lúc cả hai việc khó ngang nhau! Còn riêng chuyện “cạn vốn” thì tôi không hề thấy e sợ gì cả, vì những điều tôi viết đều là những câu chuyện tưởng tượng, tất nhiên cũng ít nhiều dựa vào cái nền vốn sống thực tế mà mình trải nghiệm qua.

Tuy nhiên, hình như người mình (cả người làm nghề lẫn khán giả) hay tư duy theo cách quá bám “sát sườn” thực tế để kể chuyện theo kiểu mô tả nệ thực. Ngay từ khâu viết kịch bản đã gặp phải tình trạng này rồi, để làm gì kia chứ? Có cần phải nhất định khư khư “giữ nguyên hiện trường” như vậy không? Vì với riêng bản thân tôi, chỉ cần thế giới câu chuyện mà tôi kể có thuyết phục không. Vì nó cũng chỉ là một thế giới hình thành trong sự tưởng tượng của chính mình mà thôi.

- Từng nhiều lần viết kịch bản để chính mình làm đạo diễn, đặc biệt là với hai phim truyền hình nhiều tập như vừa nhắc đến; anh thấy giữa việc viết kịch bản và làm đạo diễn thì cái nào “gian nan” hơn?

- Viết kịch bản cực nhọc tâm trí hơn chứ! Vì ngay lúc viết đã phải tính toán thật sát sao và triệt để mọi nhân vật, tình huống, bối cảnh, chi tiết… như một bộ phim trên giấy, trong sự hình dung rõ nét nhất của chính mình. Theo Đãng nghĩ, trong việc làm phim thì kịch bản là yếu tố quan trọng đầu tiên không cần phải bàn cãi; với phim truyền hình nhiều tập thì câu chuyện kịch bản còn quan trọng hơn cả cách kể của đạo diễn.

Kịch bản mà dở hay non kém tình tiết lẫn lời thoại chẳng hạn, đạo diễn truyền hình có giỏi cách mấy cũng đành “potay.com”! Vì phải ít nhất là “có bột thì mới gột nên hồ” mà. Bởi vậy cho nên, tôi nói thật, nếu có kịch bản hay sẽ sẵn sàng chấp nhận lấy tiền cát-xê ít để nhận kịch bản đó làm phim ngay!

- Nhưng một mình “ôm show” viết kịch bản phim truyền hình nhiều tập mỗi khi làm phim như thế, với anh đấy không hẳn là một giải pháp tối ưu?

- Thật ra nó cũng là phương thức tốt nhất với riêng bản thân tôi hiện giờ. Ít nhất mình cũng chủ động được trong việc xây dựng thế giới câu chuyện trong phim mình, rồi cả sự yêu thích mọi thứ trong đó (nhân vật, hoàn cảnh sống…) cũng được duy trì xuyên suốt. Hơn nữa, quan trọng hơn với một người làm nghề là được làm phim liên tục, sự nghiệp không bị gián đoạn vì những chờ đợi từ các kịch bản hay vốn vẫn còn ở đâu đó!

- Gần đây ở Việt Nam cũng đã bắt đầu manh nha hình thành các nhóm viết kịch bản từ Nam chí Bắc, như một hiện tượng. Thậm chí đôi khi như một trào lưu. Anh nhận định như thế nào về điều này?

- Tôi nghĩ, thông thường thì với các kịch bản viết nhóm, yếu tố nghệ thuật có lẽ sẽ không cao, do thiếu “dấu ấn” phong cách kể chuyện riêng biệt. Bởi, chỉ cần thống nhất câu chuyện phim kéo dài qua nhiều tập là mừng lắm rồi. Về điều này, hình như người Việt mình có tinh thần tập thể rất kém khi làm việc cùng nhau. Hay thích đưa ra ý kiến chỉ vì muốn chứng minh mình, chứ không phải vì nghĩ đến hiệu quả cuối cùng cho công việc chung. Vì vậy nên nói gì thì nói, tôi vẫn cho rằng muốn viết nhóm thì yếu tố đầu tiên là tất cả mọi người trong nhóm đều phải tương đối nắm vững kỹ năng viết kịch bản, đủ để thấu hiểu nhau khi tiếp nhận và phát triển đường dây câu chuyện kịch bản.

Với sự trải nghiệm trong việc làm nghề của mình, anh có thể đóng góp vài ý kiến cho những nhà viết kịch trẻ hiện nay?

- Tôi cũng tự học là chính, chứ ở trường lớp hồi tôi học đạo diễn cũng đâu được học hành bài bản gì về việc viết kịch bản đâu! Có lẽ cách tốt nhất với các bạn đó khi bước đầu muốn viết kịch bản tốt, là một mặt nên tìm đọc các giáo trình hướng dẫn viết kịch bản (hiện cũng khá dễ tìm, so với những năm về trước) cho thật kỹ, mặt khác tìm kịch bản đã được dựng thành phim để xem tham khảo và đối chiếu. Về chuyện này thì riêng tôi cũng đã từng gặp nhiều bạn đến hỏi mượn hay xin kịch bản đã làm thành phim, và tôi sẵn sàng chia sẻ. Mà tôi nghĩ các đạo diễn khác cũng vậy thôi, nếu các bạn đã tìm đến thì cũng chẳng ai từ chối hỗ trợ thông tin nghề nghiệp.

Trong chuyện này, tôi nghĩ, giống như là một cuộc đi leo núi vậy; người leo lên tới đỉnh núi nhất định phải là người quyết liệt, chứ không hẳn là người khoẻ mạnh hay người xuất sắc nhất đâu! Cũng vậy, muốn viết kịch bản được thì trước tiên cần có quyết tâm viết cho xong kịch bản, rồi từ đó sẽ tìm ra phương cách hoàn thành kịch bản tốt nhất. Chỉ vậy thôi.

(Theo Thế Giới Điện Ảnh)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật