Tin ở tình yêu

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Duy Mạnh bảo anh giống như chàng thủy thủ, khi chọn được ý trung nhân của mình rồi thì dù có phải theo thuyền viễn dương một thời gian dài, anh vẫn chung thủy trọn lòng với lựa chọn ấy.
Tin ở tình yêu
Ca sĩ Duy Mạnh.

- Sau sự thành công của album vol.1, tên tuổi của anh bắt đầu... chìm dần. Anh cảm thấy thế nào?

- Tôi đã đạt được thành công ngay từ album đầu tiên. Vậy thì tại sao không đặt dấu hỏi ngược lại. Có những ca sĩ khác làm đến 4-5 album vẫn không được biết đến. Những album sau của tôi vẫn thuộc thể loại nhạc trữ tình buồn nhưng không thành công rực rỡ cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, tôi vẫn đón nhận được sự yêu cầu của đông đảo khán giả và có những ca khúc tiếp tục là bàt hit như Phải chăng tôi yêu hai người, Mùa đông xứ lạ, Ma túy, Lời sám hối của người hấp hối. Mỗi khán giả có một gu thưởng thức riêng, tôi không thể bắt ép họ chỉ thích và thường xuyên nghe nhạc của mình. Riêng tôi, tôi biết mình không nên quá tham vọng.

- Anh nghĩ thế nào với nhận xét thẳng thắn rằng Duy Mạnh chỉ sáng tác nhạc thị trường?

- Tôi từng bị nói thẳng nhưng tôi nghĩ chẳng qua tôi gặp phải những khán giả không am hiểu. Vì âm nhạc của tôi có ca từ thực tế, giai điệu gần gũi nên dễ tìm được sự đồng cảm, nhất là với những người từng trải qua nỗi đau và có tác dụng răn đe qua những bài Ma túy, Kiếp đỏ đen...

Những lúc như vậy, tôi bình thản trả lời: "Nếu thấy hợp thì bạn nghe, không thì thôi. Bạn chê trách chứng tỏ bạn đang ghen tức với điều không thể làm được. Tôi không chấp những người không am hiểu".

- Vậy theo anh thì bộ phận khán giả nào sẽ thuộc dạng "khó tính"?

- Tôi không biết những ai là khán giả "khó tính", nhưng tôi thấy nhạc của mình vẫn được khán giả trung niên ưa thích. Khi lưu diễn hải ngoại, bên cạnh những khán giả trẻ vẫn có những khán giả 70 tuổi yêu cầu tôi hát Kiếp đỏ đen, vậy thì không biết họ "dễ tính" hay "khó tính"?

- Nhiều người bảo, chắc anh phải cọ xát thực tế nhiều thì mới có thể sáng tác những bài như "Ma túy", "Kiếp đỏ đen"... Anh nghĩ sao?

- Thời gian nghèo khó đã giúp tôi sáng tác nhanh hơn và nhiều cảm xúc hơn. Lúc đó, có khi cả tuần tôi không bước ra khỏi căn nhà ọp ẹp tại số 6 Hồng Hà, quận 5 TP HCM. Tôi và cây đàn làm bạn cùng nhau. Cảm hứng giúp tôi sáng tác là những kỉ niệm tuổi thơ, những người bạn đã trải qua cờ bạc, thất tình, nghiện bồ đà, ma túy...

Tôi có nhiều bè bạn và tôi có thói quen lắng nghe họ tâm sự nên tôi biết được nhiều hiện tượng của xã hội. Tôi còn biết khi con người giàu có được săn đón ra sao nhưng khi hết tiền thì chỉ có một thân một mình...

Đề tài tình yêu thì rất dễ sáng tác vì có nhiều tình huống khác nhau. Yêu nhau không đến được với nhau vì sự ngăn cản của gia đình, yêu nhau nhưng hai người ở cách biệt như bài Đợi em, để tiễn đưa người yêu đi xa thì có Giây phút chia xa, chờ đợi người yêu có bài Hãy về đây bên anh...

- Anh mất bao nhiêu thời gian để có được mọi thứ như bây giờ?

- Thực tế tôi có cả gần 10 năm theo nghề. Từ nhỏ tôi bị cha ép học đàn guitar nhưng không thích nên không học được. Năm 15 tuổi bắt đầu biết rung động, bâng khuâng thì tôi muốn mình sẽ là một tay chơi đàn thật giỏi, để xung quanh mình có sẽ có những cô gái lắng nghe. Vì vậy tôi bắt đầu học nhạc rồi đam mê và xác định mình phải theo nghề ca sĩ chứ không thể sống bốc đồng theo kiểu như thế.

Tôi phải trải qua những tháng ngày khó khăn, cơ cực. Vì tiền, tôi phải đánh đàn tại các quán bar, xếp hàng chờ đến giờ hát mà không được. Có hôm mưa tầm tã, tôi phải cất giày vào túi nilông, đi chân không đạp xe về. Nói chung khó khăn thì rất nhiều nhưng thực tế nhất vẫn là chuyện tiền.

Trong thị trường âm nhạc hiện nay có nhiều người vì tiền có thể bán rẻ mình. Tôi không thể làm vậy nên phải tự kiếm tiền. Nhưng tôi thích cái kiểu "tay không bắt giặc". Khi quyết tâm theo nghề ca hát tôi xác định phải có một album riêng. Mà muốn làm album riêng với người ăn còn chưa đủ như tôi thì... Có những lúc tôi phải hạ mình đó chứ!

Là nhạc sĩ tôi luôn mong muốn ca khúc của mình được những ca sĩ hát hay thể hiện để bài của mình được nổi tiếng. Vậy mà nhiều lần, biết ca sĩ đó hát không hay thậm chí là không biết tự vỡ bài hát mới nhưng tôi phải bán ca khúc để có tiền đầu tư làm album.

Cũng may có một số bài tôi bán độc quyền 2 năm mà ca sĩ hát không nổi nên tôi lấy lại bán cho người khác và thu được thành công ngoài mong đợi.

- Trong những ngày tháng cơ cực, anh nghĩ đến điều gì?

- Tôi chẳng nghĩ gì cả. Cái nghèo khiến tôi chỉ suy nghĩ làm sao có tiền từ chính khả năng của mình. Mà khả năng của tôi lúc đó chỉ có sáng tác vì tôi cũng trải qua những việc như phụ bàn, đánh đàn thuê với mức lương đủ ăn thì làm sao mơ nổi tiếng.

Bây giờ, có điều kiện nhiều, ăn mặc đẹp nhưng tôi vẫn chuẩn bị sẵn tâm lý, nếu ngày mai không còn gì mình lại đi xe đạp. Tôi sợ nhất là có tiền rồi, con người không làm chủ được mình dễ sa ngã, hưởng thụ, không biết vươn lên mới là điều đáng buồn.

- Điều gì khiến anh sáng tác nhiều và nhanh đến vậy?

- Tôi thích nghề hát, có khả năng sáng tác trong khi những ca sĩ khác may mắn được gia đình đầu tư nhưng cũng có nổi tiếng đâu. Vì vậy, cách duy nhất là tôi phải nỗ lực sáng tác để bán độc quyền và có tiền làm album.

Nếu lúc đó tôi tự tạo áp lực phải nổi tiếng thì chắc tôi đã không có ngày hôm nay. Tôi quan niệm rằng cần phải có lòng tự trọng và phân biệt rõ ràng với sĩ diện. Có nhiều người vì sĩ diện đã sẵn sàng đánh đổi để được ăn ngon mặc đẹp, được nổi tiếng và bất chấp tất cả.

Còn lòng tự trọng cho phép tôi quên đi vất vả, khó khăn, chỉ biết sáng tác để có tiền thực hiện đam mê làm album. Khi ca khúc Kiếp đỏ đen hòa âm cũng đã có ca sĩ trả giá 12.000 USD nhưng tôi không bán mà để dành cho album đầu tay. Kết quả là tôi thắng đậm, thu về mấy tỷ đồng từ bài hát này.

- Vậy anh nghĩ thế nào về việc "nhái" lại chính những ca khúc của mình, ví dụ như sau "Kiếp đỏ đen" là "Kiếp bán độ"? 

- Bài Kiếp bán độ, tôi xác định đó là nhạc nhái thể hiện dưới dạng một bức tranh châm biếm hiện thực xã hội. Còn những bài có lời khác cùng giai điệu thì tôi nghĩ đó là tiểu xảo sáng tác. Vì cùng một nội dung nhưng với ngôn từ phong phú, nhiều ý tưởng giúp tôi dễ dàng viết theo đơn đặt hàng của ca sĩ.

- Còn công việc kinh doanh của anh thì sao?

- Mục đích kinh doanh của tôi là để ổn định cuộc sống hơn. Âm nhạc với tôi bây giờ là cuộc dạo chơi. Tôi đã góp cổ phần với anh trai kinh doanh nhà hàng tại Hà Nội. Còn tại TP HCM thì ngoài thời gian dành cho việc ca hát tôi cũng để ý căn hộ chung cư nào mà người ta cần tiền bán rẻ thì tôi mua và rao bán cho những người cần tiền gấp gáp, thu lời chút ít chứ chưa dám gọi là kinh doanh to tát.

- Điều này đồng nghĩa với việc anh không trụ lại được ở vị trí đỉnh cao nên rút lui. Anh nghĩ sao?

- Tôi chưa bao giờ nói mình đang ở vị trí đỉnh cao. Tôi chỉ là ca sĩ sáng tác và hát những ca khúc đúng sở trường của mình và được khán giả chấp nhận thì đó là một hạnh phúc. Tôi không quan trọng giàu nghèo mà chỉ quan tâm đến việc có để lại được dấu ấn trong cuộc đời này không.

Và vì tôi đã làm được nên tôi không muốn đánh mất đi hình ảnh đẹp, trở thành ca sĩ vắt kiệt sức chạy show kiếm tiền, thế chẳng khác nào một anh thợ hát không cảm xúc. Điều này tôi đã nhìn thấy ở một số ca sĩ và tôi không muốn rơi vào tình trạng này. Chính vì thế tôi đầu tư sang kinh doanh. Còn dư luận nói gì là quyền của họ.

Khi có tiền thì một năm tôi chỉ ra một album và có những đêm diễn riêng để được phục vụ khán giả một cách nghiêm túc nhất. Tôi có hàng trăm ca khúc đủ để làm cả chục album, nghĩa là tôi còn có thể tồn tại trong nghề được 10 năm nữa. Và quan trọng là mỗi album sẽ có cái mới từ hình ảnh đến cách hòa âm, phối khí mới.

Đó là chưa kể có một số ca khúc tôi bán độc quyền mà ca sĩ hát không nổi tiếng và đã hết thời hạn độc quyền nên tôi lấy lại bán cho ca sĩ khác hát và họ đã thành công. Tôi không ngại nói ra điều này bởi có người lắm tiền muốn mua danh ca sĩ, muốn đốt cháy giai đoạn và không chịu học hành qua trường lớp thì họ phải chấp nhận chuyện may rủi.

- Thời điểm phất lên như "diều gặp gió", anh sống thế nào với môi trường "con gà tức nhau tiếng gáy"?

- Đó là điều tất yếu nhưng tôi luôn hài lòng với bản thân mình vì nhận được nhiều tình cảm của khán giả bù đắp cho những tháng ngày cơ cực mình đã bỏ ra. Còn khi đi hát, tôi chỉ cần đủ lương và khán giả cổ vũ cho tôi là được.

Vì vậy, tôi từng nói với bầu sô cứ để tên tôi sau cùng cũng không sao. Đó cũng là cách tôi tôn trọng những ngôi sao một thời vang bóng. Nhưng bầu sô có làm thế đâu! Có lẽ đó là cách họ quảng bá chương trình của họ nên tên tôi cứ đứng đầu và tôi chỉ có cách duy nhất là hát cho thật tốt.

- Nghệ sĩ ở trọ có vẻ như đang là mốt. Còn anh thì sao?

- Trước kia âm nhạc phục vụ cuộc sống và bây giờ tôi dùng kinh tế để phục vụ lại cho niềm đam mê âm nhạc đích thực. Tôi có điều kiện rồi thì phải làm cho âm nhạc đẹp hơn, lãng mạn hơn chứ không bao giờ để bị gọi là thợ hát. Tôi chấp nhận ở thuê để bán căn nhà cho người thật sự cần nhà vì như vậy thì mình có thể bán giá cao hơn.

- Cụ thể anh đam mê âm nhạc như thế nào?

- Ngay từ khi bắt đầu định hướng đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp tôi đã xác định phải có được một cây đàn tốt. Dành dụm mãi tôi mới mua được chiếc Yamaha S90 trị giá 2.000 USD, một cây đàn mà bất kì nhạc sĩ nào, nhạc công nào cũng mơ ước.

Khi túi tiền khá hơn, tôi mua ngay cây kèn trị giá 4.000 USD. Hằng ngày, tôi tập luyện với hai nhạc cụ này. Tôi chỉ là nhạc sĩ chứ không phải nhạc công nên sáng tác cũng đơn giản lắm, chỉ bằng cây đàn với những cảm xúc chắt lọc từ cuộc sống.

Bây giờ cái mà tôi đầu tư nhiều là trang phục diễn. Tôi đã tốn gần 2 tỉ cho trang phục diễn. Một chuyến lưu diễn châu Âu nhận được cát-xê 15.000 USD thì tôi đã mua sắm hết 12.000 USD vì mê quá. Tôi nghĩ mặc đẹp là cách tôn trọng khán giả nên tôi không tiếc tiền mua sắm.

- Vừa có tiền, vừa có tâm hồn bay bổng, lãng mạn của một nhạc sĩ, có rất nhiều cô gái đẹp "bật đèn xanh". Anh làm thế nào?

- Đó là do họ chứ tôi có cố tình đâu. Tôi đã có người yêu cách đây 6 năm. Hiện cô ấy đang sống ở Hà Nội. Tôi thấy mình giống như chàng thủy thủ khi chọn được đối tượng và sống thật với tất cả tấm lòng thì dù có phải theo thuyền viễn dương một thời gian, tôi vẫn tin ở tình yêu của mình.

Bài Ngày mai anh đi là sáng tác tôi viết về tình yêu, tôi xa người yêu vào Sài Gòn gây dựng cơ nghiệp. Nỗi nhớ, niềm thương tôi đã gửi vào ca từ giai điệu. Tôi chỉ có thể nói thế vì tôi không muốn chuyện tình cảm phơi bày trước dư luận. Tôi có thể chịu nổi dư luận chứ người yêu của tôi thì khó lắm.

 (Theo Mỹ Thuật)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật